Coi chừng nhiễm khuẩn, hại sức khỏe với những đồ uống vỉa hè "trứ danh"

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Mùa hè nhiều, đồ uống vỉa hè như trà chanh, nước mí, trà đá… “lên ngôi”. Tuy nhiên, hãy cảnh giác với những loại đồ uống này.

Đằng sau những đồ uống vỉa hè đó luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe vì chúng dễ bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trà chanh hay trà bẩn?

Trà chanh - nước uống giải khát đang được giới trẻ ưu chuộng. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh doanh, nhiều người kinh doanh không ngần ngại dùng những nguyên liệu rẻ tiền không đảm bảo vệ sinh như chè vụn ẩm mốc lâu ngày, chanh kém chất lượng, thậm chí là pha chất tạo mùi, tạo màu… để thu hút khách hàng mà không cần biết rằng các chất này có thể gây độc hại cho sức khỏe.

Vừa qua, tại hội thảo “Khỏe và an toàn” của Viện thực phẩm chức năng đã cho biết có phát hiện vi khuẩn E.coli, nhiễm kim loại thủy ngân, chì, cadmi và men mốc, vượt quá giới hạn cho phép trong 9 mẫu trà chanh, trà xanh, trà đá, nhân trần,… Các mẫu này được thu thập một cách ngẫu nhiên ở các tuyến phố, vỉa hè Hà Nội. 

Theo PGS/TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội), trà chanh vỉa hè không phải là loại thức uống đóng chai, không hề được quản lý và kiểm định, trà chanh không dùng bằng trà pha thông thường mà họ dùng bột trà. Để bán loại nước uống bình dân với giá rẻ thì bột trà xuất xứ từ Trung Quốc sẽ mang lại lợi nhuận cao. Ngoài sử dụng bột trà, chà chanh còn sử dụng đường hóa học. 1 kg đường hóa học có thể thay thế 400 kg đường thông thường. Và chỉ cần nhấp một ngụm trà chanh vỉa hè là bạn có thể thấy rõ vị đường hóa học chứ đừng lầm tưởng, bạn đang được uống nước pha chế bằng đường thông thường. Nếu chúng ta uống nhiều loại nước này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

đồ uống vỉa hè 1

Nước mía được quảng cáo “siêu sạch” nhưng lại “siêu bẩn”

Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mía lấy ngẫu nhiên từ điểm bán ghi "siêu sạch" tại TP HCM của Trung tâm sắc ký Hải Đăng cho thấy hàm lượng khuẩn hiếu khí, Coliforms, nấm men nấm mốc vượt tiêu chuẩn hàng nghìn lần.

Kết quả kiểm nghiệm trong tháng 6 tại Trung tâm sắc ký Hải Đăng ghi nhận trong 1ml nước mía chứa 210.000 vi khuẩn Coliforms, 490.000 vi sinh vật hiếu khí, 18.000 bào tử nấm men nấm mốc. Theo ông Huỳnh Ngọc Trưởng, Trưởng Phòng Kiểm nghiệm Vi sinh, Trung tâm sắc ký Hải Đăng, các chỉ số vi sinh trong mẫu kiểm này đều cao hơn từ 1.000 đến 10.000 lần so với chỉ tiêu về Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm của Bộ Y tế.

Thậm chí, do đặc tính nước mía chứa nhiều đường nên hút nhiều ruồi, nhặng lờn vờn xung quanh. Những con vật này nếu đậu vào ca, cốc, thậm chí mía chưa chế biến cũng sẽ để lại vi khuẩn gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa khi uống. 

Thêm vào đó, nguồn đá được cho vào cốc nước mía làm tăng vị mát cũng khó kiểm soát về chất lượng. Nếu quy trình sản xuất đá được đảm bảo không mấy lo ngại. Nhưng nếu quá trình sản xuất đá bẩn, mất vệ sinh, khi uống kèm nước mía rất dễ bị ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy.

Bản chất nước mía là thức uống lành nhưng trong nước mía chứa lượng đường tự nhiên đáng kể. Khi chứa lượng đường này, nước mía vào cơ thể sẽ đưa lượng đường vào máu. Như đã nói ở trên, với người tiểu đường, khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. 

Ngoài ra, mía có tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía. Bởi tính lạnh sẽ làm cho cơ thể thêm lạnh, mệt mỏi.

đồ uống vỉa hè 2

Trà đá cũng dễ nhiễm… vi khuẩn

Có thể nói trà đá thức uống phổ thông với giá thành rẻ nên nhiều người sử dụng. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, trong một cốc 100ml trà đá có chứa khoảng 50-100 mg chất oxalate và còn có axit tannic - một chất gây khó tiêu và ngăn cản sự tổng hợp sắt. 

Việc sử dụng trà đá lúc đang đói cồn cào dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Bên cạnh đó, chất caffein có trong trà sẽ làm suy giảm sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày, làm chậm lại hoạt động của nhu động ruột. Hậu quả dễ gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không chỉ có vậy, vì được ưa chuộng nên số lượng người tiêu thụ trà đá mỗi ngày rất lớn nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn là một dấu hỏi. Trà đá có thể sẽ được pha chế bằng bột hương liệu tạo mùi, tạo màu, tạo vị cùng với nước lã, đá bẩn,… chứa các chất độc hại, vi trùng vi khuẩn, ảnh hưởng lớn đến thận, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, trà đá dễ nhiễm vi khuẩn E.coli có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.

Các nhà khoa học Đại học Y khoa Arkansas, Little Rock giải thích rằng trong trà có chứa nhiều tinh thể oxalate – chất gây hình thành những tinh thể muối và chất khoáng trong nước tiểu. Oxalate tồn tại trong cơ thể ở mức độ nhỏ thì không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, quá nhiều oxalate có thể tạo thành những hạt lớn trong thận gây đau buốt và khó tiểu.

đồ uống vỉa hè 3

Trong những ngày hè, nhiệt độ cao, độ ẩm cũng cao. Môi trường này là điều kiện rấ́t tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, phát triển.

Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, có thể sau một vài ngày), người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng lâm sàng như: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.

Khi nhận biết người bệnh bị ngộ độc thực phẩm, cần nhanh chóng có các biện pháp sơ cứu ngay sau đây:

 Nhanh chóng tìm biện pháp đẩy chất độc ra ngoài cơ thể như nôn, dùng tay kích thích họng đẩy thức ăn và chất độc ra ngoài. 

Bổ sung nước điện giải kịp thời vì người bị ngộ độc thường mất khá nhiều nước do nôn, đi ngoài nhiều lần. Có thể bổ sung bằng nước lọc pha thêm muối, uống oresol hay nước hoa quả…

Sau khi sơ cứu mà tình trạng không tiến triển, chúng ta cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ chăm sóc y tế, TS.BSCKII.Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Chia sẻ