Parent coach Linh Phan chỉ ra những hệ lụy khi ép con ăn và 8 nguyên tắc cho con ăn cha mẹ cần nhớ

Linh Phan,
Chia sẻ

Ép con ăn mang tới những hệ lụy lâu dài, đặc biệt là ép chúng ăn những món mà chúng không thích, kể cả khi món đó có ngon và bổ dưỡng tới mức nào.

“Ăn thêm một miếng nữa đi”, “Ăn nốt bát cơm đi” - những câu nói phổ biến của bố mẹ nghe thì có vẻ vô hại, nhưng lại có hại hơn nhiều so với bạn nghĩ.

Ép con ăn thể hiện ở nhiều hình thái

Những hình thức dưới đây được coi là ép trẻ ăn và tạo áp lực trong ăn uống:

Tạo áp lực: "Con phải ăn hết phần rau của mình đi".

Dỗ dành: "Ăn một miếng nhỏ thôi cũng được".

Hệ lụy khi ép con ăn và 8 nguyên tắc cho con ăn cha mẹ cần nhớ - Ảnh 1.

Về lâu dài, ép con ăn tạo ra một "mối quan hệ" tiêu cực với đồ ăn, dẫn tới việc con không thích hoặc tránh né (Ảnh minh họa).

Đánh vào cảm xúc: "Nếu con là cậu bé ngoan thì con sẽ ăn hết phần của mình vì mẹ đã rất vất vả để chuẩn bị nó".

Đưa ra các quy tắc: "Con 3 tuổi rồi nên mình sẽ ăn 3 miếng thịt nhé".

Đưa ra giao kèo hay phần thưởng: "Con ăn xong đi và mẹ sẽ cho con xem tivi".

Trừng phạt, dọa dẫm: "Con đừng có đòi ăn kem trừ phi ăn hết bát cơm này".

Ăn trong nước mắt và bạo lực: Đưa thức ăn vào miệng trẻ và buộc con phải nuốt.

Tại sao ép con ăn có hại và nó không phải là cách khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn?

Những hậu quả từ việc ép con ăn đó là:

- Làm con chán ghét đồ ăn: Con có thể bị khó chịu hoặc luôn cảm thấy không ngon miệng với một hoặc một số loại thực phẩm cụ thể mà chúng bị ép ăn, từ đó giảm dần sở thích ăn uống.

Một nghiên cứu năm 2006 đã phát hiện ra trẻ bị no sớm hơn và càng không ăn nhiều khi bị ép ăn món không thích hoặc ép ăn nhiều hơn nhu cầu. Nghiên cứu cũng chỉ ra những món mà trẻ bị ép ăn hoặc cảm thấy áp lực khi ăn (như rau chẳng hạn), trẻ sẽ càng không thích ăn những món đó.

Hệ lụy khi ép con ăn và 8 nguyên tắc cho con ăn cha mẹ cần nhớ - Ảnh 2.

- Ít sẵn sàng thử thức ăn mới: Nếu các trải nghiệm trước đó là tiêu cực, hoặc bố mẹ cố gắng nhét bắp cải vào miệng con - con sẽ tiếp tục cảm thấy đây là món ăn tiêu cực. Nghiên cứu năm 2017 về Sinh lý học và hành vi trên các bà mẹ và trẻ nhỏ đã phát hiện ra rằng việc kén ăn có thể là hệ quả sau khi trẻ phải chịu các áp lực từ việc ép ăn.

- Ăn quá nhiều và thừa cân: Bên trong cơ thể mỗi em bé đều có cảm biến được điều chỉnh và gửi tín hiệu tới não để phát tín hiệu rằng con đang đói, khát hay no.

Cha mẹ nên làm gì?

1. Rà soát lại chế độ ăn của con

Con ăn bao nhiêu bữa trong ngày? Con có vận động đủ để giải phóng năng lượng và cần ăn thêm không? Con có thực sự đói không? Con có quá mệt khi ngồi ăn không và ăn có ngon miệng không? Con có gì đó không ổn về sức khỏe không? Hãy ghi chép lại các bữa ăn, đồ ăn, đồ uống, giấc ngủ ngắn… xem những thói quen hiện tại có ảnh hưởng như thế nào tới hành vi ăn uống của con.

2. Đặt mình vào vị trí của con

Hãy thử tưởng tượng mọi thứ thế nào nếu bạn không đói và bị ép ăn, dỗ ăn và không biết mình bị cho ăn cái gì. Ăn uống là niềm vui, là sự trải nghiệm thú vị để con đáp ứng nhu cầu sinh học của riêng chúng, chứ không phải là đáp ứng nhu cầu của người lớn.

3. Hãy tin con

Ngoại trừ một số trường hợp rất hiếm gặp, đa phần trẻ em cực kỳ giỏi trong việc biết khi nào chúng đói và khi nào chúng no. Do đó, điều quan trọng nhất đó là cha mẹ cần TIN TƯỞNG con mình và tin rằng con sẽ ăn nếu đói.

Hệ lụy khi ép con ăn và 8 nguyên tắc cho con ăn cha mẹ cần nhớ - Ảnh 4.

4. Đảm bảo con không bị ăn quá nhiều

Theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng, cách đơn giản nhất để đo lường lượng thực phẩm đó là một phần tương đương và nằm gọn trong lòng bàn tay trẻ. Ví dụ, chúng ta có thể cho con ăn một lượng cơm bằng lòng bàn tay và 2-3 phần rau cũng có kích thước tương tự. Đối với trái cây, có thể thử một phần bằng lòng bàn tay và một phần sữa chua tự nhiên cũng tương đương cỡ lòng bàn tay.

5. Ngừng cho con ăn đồ ăn vặt

Đồ ăn vặt có thể là một phần thực phẩm trong ngày, nhưng không phải là thứ ăn suốt cả ngày. Ăn liên tục khiến các tín hiệu tự nhiên bị mất và ăn uống vô thức là một thói quen vô cùng xấu.

Đồ ăn vặt lành mạnh nên là trái cây, phô mai, bánh quy giòn… Đồ ăn nhẹ tốt cho sức khoẻ nên ăn vào khoảng giữa buổi sáng hoặc giữa buổi chiều (hoặc 2-3 giờ giữa các bữa ăn chính).

6. Không dùng đồ ăn làm điều kiện để con ăn

Khi bạn cung cấp đồ ăn như một phần thưởng, chẳng hạn như “Con ăn miếng thịt gà này đi, mẹ sẽ cho ăn một cái kẹo” - trẻ sẽ liên hệ và ngầm hiểu rằng đồ ăn đó có tính tiêu cực nên bố mẹ mới phải cố gắng mua chuộc chúng ăn. Và từ đó, con sẽ càng có khẩu vị tệ hơn đối với thực phẩm đó.

7. Đừng nấu riêng đồ ăn cho con

Đừng làm những bữa ăn đặc biệt phục vụ khẩu vị của riêng con. Hãy nấu bữa cơm cho cả nhà có thể cùng ăn và trong đó có ít nhất 1 món mà con thích, hoặc biết con sẽ ăn. Bằng cách này, con tự ngầm hiểu rằng đồ ăn không phải là phần thưởng, đồng thời nếu con đói con vẫn có thể lựa chọn những món ăn khác.

8. Đặt ra giới hạn và nguyên tắc khi ngồi ăn

Hãy cho con biết rằng nếu con dừng ăn và rời khỏi ghế giữa giờ ăn, điều đó có nghĩa là con đã ăn xong và không được ăn thêm nữa kể cả sau đó chúng có thể đói.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một Parent coach chuyên nghiệp, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích và hoàn toàn miễn phí cho bố mẹ có con từ 0-6 tuổi. Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ