Có người được cứu nhờ phương pháp "dùng bia giải độc rượu": Chuyên gia nói "là sáng kiến, nhưng không nên áp dụng rộng rãi"

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Những ngày vừa qua, trường hợp nam bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (quê Triệu Phong, Quảng Trị) được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Trị dùng 15 lon bia để giải độc rượu, cứu sống khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM cho rằng, về nguyên tắc việc dùng bia để cứu bệnh nhân ngộ độc methanol là không sai. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, phương pháp này không nên áp dụng rộng rãi.

Có người được cứu nhờ phương pháp dùng bia giải độc rượu: Chuyên gia nói là sáng kiến, nhưng không nên áp dụng rộng rãi - Ảnh 1.

Bệnh nhân được truyền bia giải độc tại Quảng Trị.

Vì sao bệnh nhân ngộ độc được cứu sống? 

TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM cho biết, nếu theo như thông tin được đăng tải mấy ngày qua thì bệnh nhân trên ngộ độc methanol. 

"Methanol khi uống vào cũng tạo ra cảm giác say nhưng về bản chất nó là rượu giả hay rượu độc. Người ta còn gọi methanol là rượu gỗ và chỉ dùng trong công nghiệp, khác với rượu ethanol (rượu làm bằng gạo, ngũ cốc...) dùng để uống. 

Do methanol giá thành rẻ, vì mục đích lợi nhuận mà nhiều người kinh doanh trộn methanol vào rượu ethanol bán cho người dân. Chính vì điều này mà nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra khiến bệnh nhân gặp những biến chứng nặng như mù mắt, thậm chí tử vong" - BS Ân nói. 

Có người được cứu nhờ phương pháp dùng bia giải độc rượu: Chuyên gia nói là sáng kiến, nhưng không nên áp dụng rộng rãi - Ảnh 2.

Bác sĩ Huỳnh Văn Ân, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng tiếp nhận hàng loạt ca ngộ độc methanol. Điển hình là tháng 10/2008 khi nơi đây điều trị đến 8 trường hợp. Trong đó, một số bệnh nhân đã tử vong vì tình trạng quá nặng. 

"Những trường hợp đầu tiên khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian và lúng túng để chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị. Ban đầu các bệnh nhân được xử lý bằng cách lọc máu nhưng không mấy hiệu quả. 

Đến tháng 1/2009 chúng tôi cùng đưa ra phác đồ điều trị cho Sở Y tế và phác đồ này theo chuẩn của thế giới. Đó là việc sử dụng ethanol truyền vào người bệnh nhân. 

Cơ chế của phương pháp này là sự tranh chấp giải quyết. Khi gan tiếp nhận đồng thời 2 loại ethanol và methanol cùng lúc thì sẽ ưu tiên xử lý ethanol trước. 

Có người được cứu nhờ phương pháp dùng bia giải độc rượu: Chuyên gia nói là sáng kiến, nhưng không nên áp dụng rộng rãi - Ảnh 3.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc Methanol.

Hoặc nếu ethanol kết hợp với methanol thì methanol cũng không phát huy triệu chứng. Tức là khi ta dùng ethanol kích thích gan giải quyết ethanol thì sẽ có thời gian loại trừ methanol" - BS Ân phân tích. 

Theo BS, để điều trị cho người ngộ độc methanol theo cách này, sản phẩm phù hợp nhất là rượu ethanol 43% (hoặc ethanol tinh khiết 100%). 

Vào khoảng thời gian năm 2009, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã có trường hợp bệnh nhân được điều trị ngộ độc methanol bằng một loại rượu ngoại có nồng độ ethanol 43%. 

"Thời điểm ấy khi làm phác đồ điều trị, chúng tôi cũng băn khoăn bởi nếu chẳng may rượu truyền vào người bệnh nhân cũng là rượu làm giả thì bệnh nhân chẳng những không giải được độc mà còn gây nguy hiểm cho họ. 

Do đó, chúng tôi đề xuất Sở Y tế đặt hàng công ty rượu miền Nam sản xuất ethanol 43%. Rượu này được định nghĩa như là thuốc giải methanol và được đảm bảo đúng chuẩn"

Về dùng bia cho bệnh nhân ngộc độc rượu, BS Ân cho biết đây là lần đầu tiên ông nghe có nơi dùng cách này cứu bệnh nhân. 

BS Huỳnh Văn Ân lý giải về việc dùng bia giải độc rượu

"Tôi cho rằng đây có thể là một sáng kiến. Điều làm dư luận quan tâm và ngạc nhiên là vì người ta nghe "say rượu chữa bằng uống bia" thì lạ quá.

Cần hiểu rõ là ngộ độc methanol thì mới chữa như vậy. Nếu bệnh nhân uống rượu bình thường (chứa ethanol) mà tiếp tục truyền thêm bia thì chắc chắn tình trạng sẽ nặng hơn. 

 Với trường hợp bệnh nhân ở Quảng Trị, nếu đã xác định ngộ độc methanol thì điều trị bằng ethanol, cụ thể là bia chứa ethanol là đúng. Thông thường bia có tỷ lệ ethanol chỉ khoảng 5-8%. Đây là lý do các bác sĩ dùng đến 15 lon bia truyền cho bệnh nhân" - BS Ân lý giải. 

Sáng kiến hay, nhưng không nên áp dụng 

BS Ân chia sẻ, dù là sáng kiến trong điều trị đối với trường hợp này khi cứu sống được bệnh nhân, tuy nhiên nếu muốn phát huy cần thận trọng. 

Bởi bia trên thị trường cũng có thể làm giả hoặc hàm lượng ko đúng. Do đó ông cho rằng phương pháp này không nên áp dụng rộng rãi. 

Có người được cứu nhờ phương pháp dùng bia giải độc rượu: Chuyên gia nói là sáng kiến, nhưng không nên áp dụng rộng rãi - Ảnh 5.

Bác sĩ cho rằng về nguyên tắc, dùng bia (chứa ethanol) để truyền cho người ngộ độc methanol là không sai.

Điều đáng lo sợ là việc người dân có thể hiểu sai thông tin mà cho rằng uống rượu xong có thể dùng bia để giải độc. Đây là điều không đúng. 

Bác sĩ cho biết thêm, để hạn chế tình trạng ngộ độc methanol, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn ngừa tình trạng trộn methanol vào rượu ethanol, xử lý nghiêm những người kinh doanh rượu theo cách này. 

Ngoài ra, người dân cũng nên chú ý vào những dấu hiệu ngộ độc methanol.

"Triệu chứng đầu tiên thường thấy là bệnh nhân say xong rồi bất ngờ tỉnh lại, sau đó rơi vào hôn mê. Đó là vì ban đầu bệnh nhân say ethanol, khi gan thải hết ethanol khiến bệnh nhân tỉnh lại thì tiếp tục chuyển hóa methanol. 

Thứ 2, bệnh nhân say khước vào lúc uống rượu, đến sáng hôm sau tỉnh lại thấy mờ mắt. Với những trường hợp này dù có giải được độc thì thị lực cũng khó hồi phục" - BS chia sẻ. 

Trong thời điểm đã cận dịp Tết Nguyên Đán, BS khuyến cáo bệnh nhân tốt nhất không uống rượu. 

Nếu không thể tuân thủ thì nên sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng. Nếu thấy người nhà uống rượu say lâu tỉnh, thân nhân nên kiểm tra để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời.

Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc của Bộ Y tế năm 2015:

Ethanol và fomepizole sẽ giúp ngăn cản methanol chuyển hóa thành các chất độc. Methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

Khi truyền mà không đủ lượng hai chất trên và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục được chuyển hóa và gây độc. B

iện pháp này được chỉ định nếu bệnh nhân có bệnh sử uống methanol, nồng độ methanol > 20mg/dL hoặc bệnh nhân có bệnh sử nghi ngờ ngộ độc methanol...

Ethanol hoặc fomedizole nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn.

Chia sẻ