"Có gió chuông sẽ reo" - Những câu chuyện đời rất thơ

Libra,
Chia sẻ

Cuốn sách mang cái tựa “vô thưởng vô phạt” lại chứa đựng nhiều điều thú vị bởi mọi điều bất ngờ, tốt đẹp thực chất nằm ngay trong những điều bình dị nhất.

Ý Nhi vốn là một nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Tác phẩm đầu tiên của chị mà tôi tiếp xúc chính là bài thơ được cô giáo dạy thời Đại học giới thiệu: “Người đàn bà ngồi đan”. Bài thơ ấy đã để lại trong lòng tôi bao nghĩ suy, trăn trở. Nỗi trăn trở về con người, về cuộc đời, đặc biệt là thân phận của người phụ nữ. Để rồi từ đó, tôi tìm đọc nhiều hơn các bài thơ của chị, và thêm yêu mến chị như một trong những cây bút xuất sắc trên thi đàn đất Việt.
 

Đến hôm nay, tôi lại có dịp thưởng thức một “đứa con tinh thần” mới chào đời của chị. Nhưng không phải với thể loại thơ vốn đã quen thuộc với độc giả, mà là tập truyện ngắn mang tên “Có gió chuông sẽ reo”. Cuốn sách dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khiến tôi càng thêm ngưỡng mộ Ý Nhi - người nghệ sĩ với ngòi bút phong phú, điêu luyện và hoàn hảo trên từng thể loại mà chị chọn lựa để khai thác.
 
Có gió chuông sẽ reo” - tựa đề nếu bạn nghe thoáng qua cứ tưởng như nhà văn đang đưa ra một mệnh đề “hẳn nhiên là phải đúng”. Có gió, chuông reo - điều này có gì lạ lẫm đến nỗi được sử dụng làm chủ đề cho cả một tập sách? Thế nhưng, có lúc, những mệnh đề “vô thưởng vô phạt” như vậy lại chứa đựng những điều thú vị đợi chờ ta khám phá. Cuộc sống như một cuốn sách bí ẩn, mọi điều bất ngờ tốt đẹp thực chất nằm ngay trong những điều bình dị nhất. Chỉ cần chúng ta đừng tiếp nhận nó một cách hời hợt, thì vẫn luôn có một ánh sáng ở cuối đường hầm chào đón ta bước đến.
 
 
28 truyện ngắn trong tập sách “Có gió chuông sẽ reo” đưa người đọc đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, bằng lời dẫn nhẹ nhàng, mềm mại của người cầm bút. Không khó đối với Ý Nhi để dẫn dắt người đọc bằng văn phong ấy, bởi chị vốn là một nhà thơ. Người làm thơ với “gia tài” là cách gieo vần thả điệu tinh tế, cộng với tâm hồn đa cảm và sự từng trải của người đàn bà đã đi qua hơn nửa cuộc đời. Với tôi, mỗi câu chuyện của Ý Nhi tựa như từng mảnh ghép trong bức tranh không hoàn hảo của cuộc đời. 

Người đọc có thể bắt gặp bản thân trong hình ảnh người phụ nữ trải qua bao biến cố nhưng vẫn trụ vững trên đôi chân của mình. Hay một người đàn ông đi qua đổ vỡ hôn nhân rồi ví nó như là một tai nạn ngắn ngủi mà tàn khốc của đời. Cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra và con người cần đối mặt, chứ không phải chạy trốn nó. Ý Nhi mang trong mình niềm cảm thông lẫn tình yêu đối với từng phận đời bé nhỏ. Trên chuyến hành trình dằng dặc, chị chậm rãi kể cho người ta nghe, thủ thỉ cho người ta hiểu. Tôi chợt nhớ lại những câu đầu tiên trong bài thơ “Người đàn bà ngồi đan” của chị:
 

“Giữa chiều lạnh 
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ 
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã 
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời 
Vội vã như thể đó là lần sau chót”

Cách Ý Nhi viết văn cũng như lúc chị làm thơ, từng giọt, từng giọt thấm vào lòng người, như “giọt nắng rơi xuống chỗ góc bàn trông tựa như một đồng xu vàng óng ánh”… Chị “nhẫn nại” kể về chặng đường gian nan của nhân vật, để rồi người đọc sửng sốt nhận ra, phải chăng mình đã quá vội vã khi đi ngang cuộc đời của chính mình? Đọc tác phẩm của Ý Nhi, bạn cần lật từng trang thật chậm rãi để đi hết chiều sâu của câu chuyện. Nó không phải là cách đọc sách để giải trí đơn thuần, mà là đọc để cảm nhận, đọc để trưởng thành.
 

Xin mượn nhận định của nhà văn Mai Sơn để khép lại bài viết, như một lời chia sẻ đến với độc giả: “Truyện ngắn của Ý Nhi là những bản luận đề trữ tình về cuộc sống, và nếu chỉ xét về mặt tâm lý học, tác giả đã đem đến cho ta cả một cuốn sách. Đọc truyện ngắn Ý Nhi sau khi đã đọc thơ Ý Nhi, thấy rõ hơn một khuôn mặt nhiều đăm chiêu, hướng ngoại. Thấy một tâm hồn chính trực, luôn khát khao những giá trị nhân văn. Ở cuối mỗi truyện ngắn của Ý Nhi, ta nhận ra những nét trí tuệ hài hòa - cân bằng còn lại sau những bão giông suy tưởng, những hoang mang vấn hỏi, những vật lộn dữ dội, không cân sức với sắt thép và vô minh”.
Chia sẻ