Khổ như làm dâu phố cổ, vợ chồng muốn riêng tư ra nhà nghỉ còn bị... đánh ghen nhầm

Lynk, Ảnh: Bảo Hoà,
Chia sẻ

Ly bảo, chị làm dâu ở đây còn may mắn chán, có cặp vợ chồng trẻ chẳng có không gian riêng tư, phải nhấm nháy nhau vào nhà nghỉ, nhưng chồng đi trước vợ đi sau, người nhà vô tình bắt gặp, tưởng ngoại tình nên... đánh ghen ầm ĩ.

Chắc với nhiều người, cái tên Ly Ly Nguyễn không còn xa lạ, vì cô giáo tiểu học này khá nổi tiếng trên mạng xã hội với dung nhan xinh đẹp, trẻ trung. Tuy nhiên, bên cạnh việc là “cô giáo hotgirl”, thì một điều ít biết, Ly Ly là nàng dâu phố cổ chính hiệu, và có một gia đình nhiều thế hệ tuyệt vời mà nhiều người ngưỡng mộ.

Ngôi nhà mà gia đình chị từng ở tại số 18 Tràng Tiền là một địa danh có tiếng. Nhắc đến tiệm may đồ Âu của dòng họ Nguyễn thế kỷ trước, chắc nhiều thế hệ người Hà Nội còn ồ à. Thế nhưng, cuộc sống cứ dần thay đổi, dãy phố Tràng Tiền khác trước rất nhiều, gia đình chồng chị bán hết cửa tiệm, lui về ở hẳn trong ngôi nhà trên tầng 2 và 3 của số 18.

Lối đi lên nhà Ly Ly khá hẹp và lắt léo, chỉ vừa lọt 1 chiếc xe máy, đi ngang qua nhau còn phải lách. Phía dưới ngõ 18 Tràng Tiền, gần chục hộ dân khác nhà san sát như dãy trọ sinh viên, chung nhau đủ thứ, từ căn bếp đến khoảng sân ngồi loay hoay nhặt rau rửa bát. Ly Ly cảm thấy may mắn vì nhà chồng chị còn có nhiều chỗ riêng tư, diện tích rộng rãi hơn các hộ khác xung quanh, tu sửa sạch sẽ, chỉ có điều, căn nhà nằm ở vị trí cheo leo như tổ chim.

làm dâu phố cổ

làm dâu phố cổ
Cô giáo hotgirl Ly Ly Nguyễn trong ngày vu quy về nhà chồng, chính thức trở thành nàng dâu phố cổ.

làm dâu phố cổ
Số 18 Tràng Tiền, nơi cô giáo trẻ làm dâu gần 1 năm qua.

Làm dâu phố cổ được gần 1 năm trời, chị đã chứng kiến và gặp phải khá nhiều chuyện dở khóc dở cười, chỉ ở nơi này mới có. “Hàng xóm xung quanh đông người nên cũng khá phức tạp, sát vách nhau nên cái gì cũng biết hết, có chuyện gì xảy ra dù to hay bé cả xóm đều bàn tán săm soi. Nhà chồng mình ở phía ngoài, có ban công mở ra mặt phố Tràng Tiền nên còn thông thoáng chán, nhiều gia đình ở ngay dưới nhà mình này, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời.

Có hộ chỉ 10m2 mà 5-6 người sống, cô gái nào chịu chấp nhận về phố cổ làm dâu thì đúng là có sức chịu đựng phi thường. Mình biết khá nhiều chuyện bi hài, như vợ chồng mới cưới ở nhà chật chội nên không thể riêng tư được, phải nhấm nháy rủ nhau vào nhà nghỉ giải quyết, đỡ phiền mọi người. 2 vợ chồng bàn với nhau là người đến trước, người vào sau. Nhưng dở khóc dở cười là có người nhà trông thấy vợ đi sau một mình, tưởng ngoại tình, nên kéo nhau đến nhà nghỉ, đập cửa ầm ĩ, sau thấy anh chồng đi ra mới lăn đùng ngã ngửa. Thế mới nói là éo le, mình thì may nhà chồng rộng hơn, có phòng riêng tầng trên 2 vợ chồng ở cũng không chật chội lắm”. Cô giáo trẻ kể theo góc nhìn khá hài hước.

làm dâu phố cổ
Cái ngõ vào nhà chồng Ly Ly tuy cao ráo nhưng khá hẹp, đông gia đình chung sống như tập thể cũ.

làm dâu phố cổ
Nhà phố cổ bé xíu, ngột ngạt, ở trong còn thấy chật chội phải ra ngõ ngách để ngồi, thì lấy đâu không gian riêng tư cho các cặp vợ chồng trẻ?

Đôi vợ chồng trẻ kia mà chị biết còn kéo nhau ra nhà nghỉ được, lắm cặp đôi khác còn chẳng thể ra ngoài, phải “nhịn” khá lâu vì sống chung với nhiều người thân khác, bận rộn việc gia đình không cho phép có giây phút riêng tư. Kể ra thì buồn, nhưng sự thật có chuyện như vậy, nên nhiều cô gái không chịu được cảnh lấy chồng phố cổ như không, muốn gần gũi nhau chẳng được, đành dứt áo ra đi.

làm dâu phố cổ
Ly Ly cảm thấy mình may mắn chán khi 2 vợ chồng còn có khoảng không gian riêng tư thế này, căn phòng tuy nhỏ nhưng cũng được cải tạo tốt, là mơ ước của biết bao nàng dâu lấy chồng phố cổ.

Không chỉ chuyện “tế nhị”, cái khiến các cô gái đau đầu và sợ làm dâu phố cổ nhất là sự bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Các gia đình thường dùng chung công trình phụ, xây dựng từ lâu rồi nên diện tích rất nhỏ, vệ sinh kém, thiếu tiện nghi, muốn cải tạo không được. Ly Ly bảo, nếu để ý sẽ thấy trong phố thường có xe bồn hút bể phốt chạy thường xuyên, vì các hộ dân ở đây thường phải… hút bể vệ sinh theo tuần. Cống thì bốc mùi hôi thối quanh năm, dọn dẹp đến mấy cũng hay bị tắc, trời mưa lên thì chắc chắn ngập nước, đi lại khó khăn.

làm dâu phố cổ
Cái gì ở phố cổ cũng chật chội bon chen, cũ rích, khoảng trống nào cũng được tận dụng, ai sống ở đây cũng phải chấp nhận đủ thứ bất tiện.

làm dâu phố cổ
Thứ quý giá nhất với cuộc sống người dân phố cổ là nước sạch.

Khách đến chơi thường không có chỗ để xe, gửi trong phố cổ rất chật và đông, còn phải đi nhờ qua nhiều nhà khác mới tới nhà cần gặp. Không khí thì quanh năm bí bách, hít thở cũng thấy mệt, tường trần chỗ nào cũng ẩm mốc, cầu thang toàn những rêu, người già trẻ nhỏ ít đi lại vì sợ ngã, các em bé chẳng có chỗ chơi, vì đâu đâu cũng cũ kỹ, ẩn giấu những nguy hiểm, tai nạn đời thường. Đồ đạc thì lỉnh kỉnh, cứ chỗ nào trống là nhét vào, nên có muốn ăn ở gọn gàng trong phố cổ cũng khó.

Làm dâu phải giặt quần áo rửa bát, nhưng nước đối với dân phố cổ luôn quý hơn vàng, lại còn bơm theo giờ, ai sống ở những khu vực khác và ngoại thành đều không cảm nhận được điều này vì đâu có gặp phải cảnh như thế. Cả ngày chỉ có nước được vài tiếng, cứ bắt đầu bơm là nhà nào nhà nấy xách xô chậu ra hứng, dự trữ nước như thời bao cấp. Nhà chị Ly còn có téc to giữ nước, chứ các hộ khác thì lay lắt sống cảnh thiếu thốn nước sạch bao năm không thể làm gì được.

Mọi người dùng nước cũng rất tiết kiệm, làm dâu phố cổ rồi Ly Ly mới hiểu, thế nào là “tận dụng tới mức tối đa”. Nước vo gạo xong lấy để rửa rau, rửa rau xong lại đổ dồn vào… giặt quần áo, giặt xong lại đem dội bồn cầu hoặc cọ rửa sân. Bên cạnh đó, không gian sống chật hẹp, chồng chéo lên nhau, nên lắm gia đình còn chẳng có chỗ phơi đồ, thành ra quần áo hay ẩm mốc, nhất là “phụ tùng” con gái, mắc bệnh tế nhị cũng chẳng biết kêu ai. Đồ ăn thừa thì không có chỗ để đổ, rác rưởi khu dân cư phố cổ rất nhiều, nên có muốn ở sạch sẽ cũng khó. Đúng là phố cổ - phố khổ.

làm dâu phố cổ
Cô giáo xinh đẹp là cháu dâu của cụ Nguyễn Thị An - tiểu thư nhà giàu có tiếng đất Hà thành khi xưa. 2 người phụ nữ, 2 thế hệ làm dâu nơi phố cổ, ai cũng có những câu chuyện đời thường rất riêng về cái nơi người ta gọi là 36 phố phường.

Hồi đầu, cô giáo trẻ cũng ngại ngần khi nghĩ đến cảnh về ở nhà chồng, luồn lách trong con ngõ bé xíu, nhưng rồi mọi người trong gia đình đối xử ấm áp chan hoà, yêu thương chị nhiều nên chị cũng thích nghi với cuộc sống ở đây. Thậm chí, đi ra ngoài chị cũng nhớ lối ngõ bé xíu, cầu thang nhỏ uốn quanh mảnh sân con con, và chiếc chuông gió ở trước cửa nhà. Bây giờ thì Ly Ly theo gia đình chồng chuyển sang ngôi nhà khác rộng rãi, thoáng đãng hơn ở quận Long Biên, rời xa con phố hoa lệ đã gắn bó với bao thế hệ dòng họ Nguyễn, nhưng kỉ niệm về căn nhà cũ 18 Tràng Tiền vẫn luôn sống động. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đúng là sinh hoạt phố cổ bất tiện thật, đa phần là chẳng lấy gì làm thoải mái sung sướng, song nhiều người phụ nữ vẫn chấp nhận được đấy thôi, hoặc như Ly Ly, chị luôn mở tấm lòng sẻ chia cùng chồng, bố mẹ chồng, nên mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật đều trôi qua yên bình, nhẹ nhàng.

Chia sẻ