Có cưỡng nổi cơn gió ngoại tình?

Annie Trần,
Chia sẻ

Những cơn say nắng đang trở thành vấn đề của đời sống đương đại. Sẽ ra sao một tình yêu giữa một người đang có gia đình êm ấm và một người vẫn còn "gặm" nỗi đau chia tay?

Có thể có hay không một tình yêu đẹp mà người trong cuộc chưa từng nắm tay nhau thực sự, chưa từng cảm nhận thực tế vòng tay ôm siết của người tình?

Những tổn thương tinh thần, thấu cảm và chia sẻ, quan tâm chăm sóc, những chuyển động tâm lý tinh tế của hai tâm hồn miệt mài tìm kiếm tình yêu đích thực và sự quan tâm đích thực đến nhau...."Cưỡng cơn gió bấc" có đầy đủ những điều ấy, chỉ qua những dòng chữ email trao đổi của hai nhân vật chính là Leo và Emmi.
 
Không gian ảo kéo họ gần lại, những dòng chữ thay cho con người thực hiện hữu và họ cũng nếm trải đủ cảm giác mong ngóng, đợi chờ, ghen tuông, đau khổ và bùng vỡ hạnh phúc. Tất cả những cung bậc của tình yêu. Kể từ sau "Cô đơn trên mạng" đến nay mới lại thấy một quyển sách thể hiện tình yêu qua mạng hay đến thế.
 
300 trang sách chỉ là những bức email. Nhưng sau những con chữ là một đại dương cảm xúc. Từ email đầu tiên đi lạc, nhầm địa chỉ đến email cuối cùng là một hành trình mà hai nhân vật tiếp cận, cảm nhận tâm hồn nhau, cảm mến nhau, thương quý nhau và yêu nhau – tình yêu đến như cơn gió bấc đột ngột thổi đến, không cách gì cưỡng lại được.

Các nhân vật chính trong "Cưỡng cơn gió bấc" đã qua thời nông nổi dại khờ, họ đều đã tam thập, tứ thập nhưng tại sao vẫn tin vào một tình yêu hoang đường và xa xăm đến thế? Là bởi vì Daniel đã gửi vào đó những suy nghĩ hết sức chân thực của một thế hệ cô độc nhưng không thể và không dám nổi loạn, có chăng, họ chỉ dám nổi loạn trong tiềm thức mà thôi. Những người đàn bà đã có gia đình có dám rời bỏ ngôi nhà và những đứa trẻ của mình, dẫu rằng tổ ấm của họ có khi chỉ là ...tổ lạnh.

Những người đàn ông cũng vậy, nếu như họ có tâm hồn và đạo đức, muốn giữ gìn giềng mối gia đình thì chỉ dám ao ước một khách hồng nhan tri kỷ trong lòng thôi...Với Leo và Emmi, họ khao khát yêu thương nhưng họ biết nghĩ đến trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của bản thân với gia đình. Gặp hay không gặp? Rồi tình yêu sẽ đơm hoa kết trái chăng và như thế, một gia đình sẽ tan vỡ? Rồi chính bản thân hai người có thực lòng yêu nhau bằng chính con người thực hay là chỉ vì yêu qua những con chữ? Những day dứt, trăn trở đã khiến tình yêu của họ mới thật buồn và thật tội nghiệp làm sao.

 Báo "Tấm gương" nhận xét rằng "Cưỡng cơn gió bấc" là “một trong những đối thoại tâm giao nhiều ma lực nhất và thông minh nhất của văn chương đương đại”. Và hoàn toàn đúng như thế khi ta đắm mình trong tâm sự của Leo và Emmi. Đâu đó trong quyển sách này, độc giả như thấy được mình trong ấy...Những khao khát lặng thầm, những mong mỏi tha thiết, sự giằng xé giữa tình yêu và trách nhiệm, những nghi ngại âu lo...Hoàn toàn có cơ sở để tin rằng "Cưỡng cơn gió bấc" thích hợp cho những người phụ nữ trẻ đang loay hoay tìm kiếm một con đường hạnh phúc cho mình.

Daniel Glattauer đã làm độc giả tin và thổn thức theo nhân vật của mình. Chính vì thế mà khi đọc đến cái kết của truyện, đã có hàng nghìn độc giả gửi thư phản đối về nhà xuất bản và tác giả. “Hậu quả” là Daniel đã phải viết tiếp phần hai là "Con sóng thứ bảy" để chiều lòng độc giả. "Cưỡng cơn gió bấc" đã làm cho độc giả khắp thế giới không cưỡng lại được sức hấp dẫn khi quyển sách này đã được dịch sang 30 ngôn ngữ khác nhau biến nhà văn người Áo này thành một tác giả truyện bán chạy với hơn một triệu bản sách được bán ra khắp thế giới.

Chia sẻ