"Có chút bất thường về nguyệt san, tôi không hề nghĩ mình bị u xơ tử cung"

HN,
Chia sẻ

Toya Wright, tác giả cuốn hồi ký "In my own words" và là vợ cũ rapper nổi tiếng Lil Wayne, tiết lộ, khối u xơ tử cung khiến cô trông như thể mang bầu 5 tháng.

Từ năm 17 tuổi, Toya Wright bắt đầu đóng chính trong seri truyền hình thực tế của chính mình, hoàn thành một cuốn sách thuộc diện bán chạy nhất do New York Times bình chọn và mở 3 cửa hiệu thời trang. Tháng 10 vừa qua, cô ra mắt hồi ký đầu tiên mang tên "In my own words". Trên tờ Women’s Health, cô chia sẻ về chứng u xơ tử cung và sự lo lắng của mình về khả năng có thêm một đứa con nữa.

Toya Wright chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 30 vào tháng 6/2013 thì bắt đầu phát hiện những cơn đau dữ dội ở bụng dưới, đặc biệt trong ngày "đèn đỏ". Hẹn khám với bác sĩ phụ khoa thì cô được thông báo rằng, đó chỉ là những cơn đau co thắt bình thường do kỳ kinh nguyệt. Toya nhớ lại: "Trước đây, tôi chưa từng bị đau bụng như thế. Vì vậy, tôi không biết đó thực sự là gì".

Có chút bất thường về nguyệt san, tôi không hề nghĩ mình bị u xơ tử cung - Ảnh 1.

Từ năm 17 tuổi, Toya Wright bắt đầu đóng chính trong seri truyền hình thực tế của chính mình.

Nhưng rắc rối chưa kết thúc. Toya bắt đầu có những kỳ kinh ra rất nhiều máu. Cô quyết định tới bác sĩ để chụp X-quang. Kết quả, cô bị 2 khối u xơ nhỏ - dạng khối u lành tính được tạo thành bởi các tế bào cơ và mô kết nối – bên trong tử cung.

U xơ thường bắt đầu phát sinh trong cơ thể phụ nữ khi họ bước vào độ tuổi 30 hoặc muộn hơn. Ngoài các cơn đau bụng co thắt và hiện tượng ra máu rất nhiều trong kỳ kinh nguyệt – như trường hợp Toya – chúng còn gây tiểu thường xuyên, cảm giác đau khi quan hệ tình dục, đau ở lưng dưới, suy giảm khả năng có thai và những lần sẩy thai lặp đi lặp lại.

Toya kể: "Thời điểm đó, tôi thậm chí chưa hề nghe nói đến u xơ. Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi". Nhưng những khối u xơ dạng này thực ra lại cực kỳ phổ biến, đặc biệt trong nhóm phụ nữ Mỹ gốc Phi. Nghiên cứu cho thấy, 70% phụ nữ da trắng và 80% phụ nữ Mỹ-Phi xuất hiện ít nhất một u xơ trước khi 50 tuổi và nhóm phụ nữ Mỹ-Phi có khả năng bị u xơ khi tuổi còn trẻ cao hơn.

Có chút bất thường về nguyệt san, tôi không hề nghĩ mình bị u xơ tử cung - Ảnh 2.

Toya Wright chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị u xơ tử cung.

Cân nhắc các lựa chọn

Các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra u xơ tử cung là gì. Nhưng theo các nghiên cứu khoa học của tổ chức Office of Women’s Health, chúng có xu hướng di truyền và các hormone - bao gồm estrogen - khiến khối u xơ đó lớn lên. Khoa học cũng phát hiện ra, dùng thuốc tránh thai liều thấp có thể kiểm soát u xơ. Đó là do thuốc tránh thai thay thế hormone estrogen và progestin cơ thể tạo ra một cách tự nhiên bằng một liều thấp hormone nhân tạo, do đó, tổng lượng hormone trong cơ thể nhìn chung giảm đi.

Đó cũng chính là lý do bác sĩ của Toya kê đơn cho cô uống thuốc tránh thai nhằm giảm thiểu tối đa triệu chứng. Và mặc dù có giúp lượng máu ra trong kỳ kinh nguyệt ít hơn, nó lại khiến cô tăng cân. Vì thế, Toya quyết định ngừng dùng thuốc sau 3 tháng. Lúc này, bác sĩ gợi ý cô phẫu thuật cắt bỏ u xơ. Nhưng khi Toya biết, có 30% khả năng u xơ sẽ xuất hiện trở lại trong vòng 10 năm, cô đã không chọn phương án phẫu thuật. "Tôi không thích đụng dao kéo và tôi không muốn cứ phải phẫu thuật đi phẫu thuật lại một khi khối xu lại xuất hiện", Toya chia sẻ.

Toya cũng quan tâm tới khả năng phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung – đây sẽ là một vấn đề lớn cần suy nghĩ thận trọng vì nó có thể ảnh hưởng tới khả năng có con của cô. Toya nhớ lại: "Dì tôi có khoảng 26 khối u xơ và khi dì ấy quyết định làm phẫu thuật cắt bỏ u xơ, cuối cùng, dì ấy còn phải cắt bỏ toàn bộ tử cung. Đây chính là điều tôi sợ hãi nhất. Tôi chỉ lo có điều gì đó không ổn xảy ra và sẽ làm đảo lộn nỗ lực có thêm em bé của tôi".

Có chút bất thường về nguyệt san, tôi không hề nghĩ mình bị u xơ tử cung - Ảnh 3.

Thực tế thì mọi phụ nữ chọn phẫu thuật cắt bỏ u xơ đều phải ký vào một văn bản theo đó, chấp nhận khả năng cắt bỏ tử cung trong trường hợp nguy cấp. Nhưng theo bác sĩ Steven R. Goldstein, giảng viên khoa sản và phụ khoa thuộc Trường Y, Đại học New York: "Khả năng xảy ra tình huống đó là rất, rất thấp. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung chỉ phải thực hiện khi các khối u xơ lan rộng và nếu xuất hiện tình trạng xuất huyết ồ ạt, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Nhưng nguy cơ đó thấp tới nỗi nó không thực sự được coi là lý do để từ chối phẫu thuật cắt bỏ u xơ".

Nhưng đó không phải mối lo ngại duy nhất của Toya. Thực tế là bất cứ khi nào phải đối mặt với việc phẫu thuật trong tử cung, luôn có thể xảy ra rắc rối về khả năng sinh sản. Và mặc dù hiếm gặp, phẫu thuật cắt bỏ u xơ vẫn có thể để lại mô sẹo – đây chính là nơi tiềm ẩn mối lo. Tuy nhiên, bác sĩ Goldstein nhấn mạnh, việc để nguyên các khối u xơ trong tử cung cũng có thể gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản hoặc gây rắc rối trong quá trình người bệnh mang thai. Bác sĩ giải thích: "U xơ lớn lên cùng với estrogen – hormone bạn sản sinh rất nhiều trong thai kỳ. Nếu chúng lớn đủ chúng có thể gây sinh non, tăng tỷ lệ sảy thai, ngôi thai ngược, đứt nhau thai và khả năng phải sinh mổ".

Tuy nhiên, bác sĩ Goldstein cho biết, nhiều phụ nữ bị u xơ nhưng vẫn có thai kỳ hoàn toàn bình thường. "U xơ giống như vân tay, không có hai khối u nào hoàn toàn giống nhau. Tỷ lệ gặp rắc rối trong thai kỳ cũng phụ thuộc vào vị trí của khối u. Chúng có thể lớn lên trong thành tử cung, bên ngoài tử cung hoặc trong khoang tử cung – nơi em bé lớn lên. Một khối u xơ nhỏ trong khoang tử cung cũng có thể gây tác hại nghiêm trọng hơn nhiều so với khối u xơ ngoài tử cung".

Do khối u xơ của Toya không nằm trong khoang tử cung, không gây đau đớn và việc ra máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt cũng đã được kiểm soát, cô cùng bác sĩ quyết định hoãn phẫu thuật cắt bỏ u xơ cho tới sau khi cô có thêm một bé nữa.

Có chút bất thường về nguyệt san, tôi không hề nghĩ mình bị u xơ tử cung - Ảnh 4.

U xơ lớn lên và sinh sôi

Nhưng các triệu chứng của Toya ngày càng tồi tệ hơn. Ngay trước sinh nhật lần thứ 33 vào tháng 6 năm nay, các cơn đau bụng co thắt ngày càng dữ dội hơn và một kỳ kinh nguyệt từ chỗ chỉ kéo dài 2-4 ngày, nay đã kéo dài nguyên 1 tuần với lượng máu chảy ra rất nhiều.

Toya lại đến gặp bác sĩ vào tháng 10. Ở cuộc hẹn này, bác sĩ đã phát hiện thêm 3 khối u xơ mới và 2 khối u vốn có cũng đã lớn lên, đạt kích cỡ 1 quả nho. "Trông tôi như thể mang bầu 5 tháng và có cảm giác đang có em bé trong bụng tôi", Toya cho biết. "Tôi có thể cảm thấy hai khối u lớn nhất khi nằm trên giường, khi tôi ấn vào bụng dưới, cảm giác như tôi có thể đẩy chúng di chuyển vòng quanh. Tôi vô cùng hoảng sợ".

Tuy nhiên, Toya vẫn chưa sẵn sàng cho phẫu thuật. Bác sĩ Goldstein nói, ngoài thuốc tránh thai và phẫu thuật cắt bỏ u xơ hiện chưa có bất cứ lựa chọn nào khác để điều trị u xơ. Thực ra, những biện pháp điều trị khác như huỷ khối u bằng sóng cao tần (RFA), phong bế mạch tử cung… đều có mục đích kiểm soát kích thước và triệu chứng u xơ nhưng không được bác sĩ sử dụng ở phụ nữ muốn có thai. Bác sĩ Goldstein khẳng định: "Chúng không tăng cường khả năng sinh sản, vì vậy, chúng tôi không giới thiệu chúng cho những người vẫn muốn có bầu".

Cho tới bây giờ, Toya vẫn đang trong trạng thái chờ đợi bởi cô hi vọng sẽ bắt đầu thử mang thai vào mùa hè năm 2017. Dù vẫn còn những cơn đau xung quanh kỳ nguyệt san, Toya đang học cách kiểm soát các triệu chứng. Khi sự khó chịu lên tới đỉnh điểm, cô tìm cách giảm đau bằng miếng chườm nóng và dùng thuốc. Cô cũng mặc quần áo rộng rãi hơn để đối phó với hiện tượng trướng bụng và dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Toya chia sẻ: "Và, tất nhiên, tôi rất cởi mở với con gái 18 tuổi Reginae của tôi. Con bé đã giúp tôi vượt qua chuyện này mỗi ngày".

(Tổng hợp)

Chia sẻ