"Cô Chanh" Đồ rê mí chia sẻ bí quyết dạy con

Theo Đang yêu,
Chia sẻ

Đặng Châu Anh, vị giám khảo gặt hái được nhiều thành công với dàn hợp xướng thiếu nhi "độc nhất vô nhị" luôn dạy con mỉm cười.

Mấy năm trước, khán giả thường gọi Đặng Châu Anh là MC bởi chị là MC quen thuộc trong các chương trình âm nhạc trên truyền hình, các sự kiện.

Nhưng bây giờ, báo chí lại gọi chị là giảng viên âm nhạc, bởi chị đắm đuối với công việc dạy nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia và Trung tâm Nghệ thuật cho trẻ nhỏ “Solart” do chị xây dựng nên bằng tất cả tình yêu của mình.

Solart cũng là nơi nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật cho các con yêu thương của chị. Đặng Châu Anh tự hào nhìn những thành quả từ niềm đam mê nghệ thuật của mình đang đơm những trái ngọt…

Đặng Châu Anh và con gái

Cuộc sống có nước mắt sẽ có nụ cười, hãy cười lên các con nhé

Gần đây, giảng viên âm nhạc Đặng Châu Anh được nhắc đến rất nhiều trên báo chí. Không phải vì chị là vợ của đạo diễn nổi tiếng và cũng… kín tiếng Đỗ Thanh Hải mà là vì chị cùng dàn hợp xướng thiếu nhi của mình liên tục gặt hái được những huy chương ở các kỳ cuộc thi Hợp xướng quốc tế.

Chị đang “sở hữu” dàn hợp xướng độc nhất vô nhị trong nước đó là dàn hợp xướng thiếu nhi. Dạy các em về âm nhạc cổ điển không dễ, đưa các em “mang chuông đi đánh xứ người” càng nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu âm nhạc, Đặng Châu Anh đã và đang làm tròn xứ mệnh của mình…

Thời điểm này thì tuần nào khán giả cũng gặp Đặng Châu Anh trên truyền hình với vai trò giám khảo trong chương trình được các em nhỏ yêu thích: Đồ Rê Mí. Chương trình này có lẽ quá hợp với Đặng Châu Anh khi chị vừa là giảng viên âm nhạc với nhiều năm kinh nghiệm và cũng thường “đứng lớp” với các em nhỏ. Trung tâm nghệ thuật Solart của chị ươm mầm những tình yêu nghệ thuật từ khi các bé còn chưa đầy một tuổi.

Tham gia Đồ Rê Mí, Đặng Châu Anh thấy mình như trẻ lại. Bà mẹ hai con luôn có hình ảnh rất nhí nhảnh khi tiếp xúc, trò chuyện với các bé. Đặng Châu Anh tâm sự, chị thấy như mình được sống lại những năm tháng tuổi thơ. Ngày xưa, 10 tuổi, chị đã tiếp xúc với nghệ thuật và đã biết đến sân khấu. Chị thấy ở đó có cả hình ảnh của các con chị: Kem và Cốm…

Làm giám khảo của các thí sinh nhí, vui thì vui nhưng cũng rất khó khăn. Chị tự tin mình có đủ kinh nghiệm, sự công tâm khi đánh giá khả năng của các em để lựa chọn những bé có tài năng nhất thi đấu tiếp, nhưng khó khăn vô cùng khi phải quyết định lựa chọn giữa hai em bé một 9, một 10.

Mỗi em bé đều là một viên ngọc lung linh với bố mẹ các bé, nên nhiều khi phụ huynh thấy con mình không được vào vòng trong thì họ thất vọng. Khi ấy, tôi thấy mình có trách nhiệm với nỗi buồn của bố mẹ các em, và của các em…”.

Đặng Châu Anh là vị giám khảo dành được rất nhiều thiện cảm của các bé trong chương trình Đồ Rê Mí.

Với tâm lý của một người mẹ, Đặng Châu Anh bày tỏ, cuộc thi bao giờ cũng có thắng và có thua, không nên tạo sức ép cho con trẻ. Thắng hay thua cũng được, phụ huynh nên nhìn nhận ở góc độ những điều được khi con tham gia cuộc chơi đầy màu sắc này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các con được giao lưu, học hỏi, được cọ sát với nhiều tình huống, được vươn lên và vượt qua chính mình, đó sẽ là quãng thời gian tươi đẹp, là những dấu ấn khó quên trong cuộc đời các bé trong giai đoạn đầu đời…

Chính Đặng Châu Anh đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từ các thí sinh, các bé nhút nhát đã trở nên tự tin hơn, có cảm xúc với cuộc sống và biết yêu thương gia đình, thầy cô hơn…

Đó chính là những món quà quý giá trong cuộc sống mà không phải ai cũng có được. Cho nên khi phụ huynh mong chờ chiến thắng đã vô tình tạo sức ép với con trẻ sẽ khiến các bé buồn hơn.

Phụ huynh hãy nghĩ đơn giản rằng, khi bé không được vào vòng trong thì nghĩa là bé cần cố gắng hơn nữa và cho con biết cuộc sống này muôn màu, muôn vẻ, có niềm vui thì cũng sẽ có nỗi buồn, thắng thua, được mất… và khi chúng ta không kỳ vọng quá nhiều, chúng ta sẽ sống rất nhẹ nhàng, thoải mái. Điều đó sẽ giúp các bé tự tin hơn khi bước ra ngoài xã hội.

Trong cuộc sống của mình, Đặng Châu Anh cũng luôn dạy hai con những điều như thế. “Mỗi một bức tranh, một tổng phổ âm nhạc, một bài hát đều giống như bức tranh của cuộc sống này, có nhiều cảm xúc, nhiều biến cố, có lúc thì màu sáng, có lúc màu tối, lúc lên bổng, khi xuống trầm, lúc to nhỏ… Khi các con hiểu cuộc sống như vậy thì sẽ cùng cố gắng vương lên, gặp nỗi buồn thì không buồn, gặp niềm vui sẽ tận hưởng. Chúng ta nên trân trọng từng giây phút của đời sống, có điều nọ sẽ có điều kia, hãy cứ vui lên, khi có giọt nước mắt thì sẽ có nụ cười, sau nỗi buồn sẽ là những niềm vui”.

Và chị luôn dạy các con biết cười, luôn mỉm cười với cuộc sống. Cuộc sống này, theo chị, bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, nhưng nếu biết nhìn ở ánh nhìn lạc quan thì kết quả thu được lại sẽ là niềm vui.

Bé Cốm của chị còn nhỏ nhưng cu Kem thì cũng đã lớn và là một trong những “hạt nhân” của dàn hợp xướng thiếu nhi trung tâm nghệ thuật Solart. Kem từng đi thi, từng đứng trước những lo lắng, hồi hộp với thắng, thua và hiểu thế nào là cảm giác vinh quang, sự náo nức màu cờ sắc áo…

Chuyện thắng – thua, chị Đặng Châu Anh, không chỉ chia sẻ với con mà còn truyền sự lạc quan với tất cả các bé trong dàn hợp xướng. Chị luôn nghĩ, các bạn nhỏ và bé Kem của chị được làm việc trong một tập thể, được trải nghiệm những giây phút thăng hoa, được khóc vì sung sướng với niềm tự hào dân tộc… là những trải nghiệm mà không phải bạn nhỏ nào cũng may mắn có được.

Đó mới là điều quý giá trong cuộc sống. Còn đi thi là để học hỏi, giao lưu, biết về văn hóa thế giới ra sao, chứng minh cho thế giới biết văn hóa Việt Nam giàu bản sắc thế nào, thắng thua không quan trọng nên cứ chơi hết sức mình, hãy thể hiện tốt nhất điều mình có… Không sức ép giải thưởng nên các bé của Đặng Châu Anh hồn nhiên và thoải mái sống trọn vẹn đam mê với những cuộc thi.

Có cảm xúc là điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống này

Xinh đẹp, tài năng, Đặng Châu Anh lẽ ra phải là một mẫu hình nghệ sĩ biểu diễn chứ không phải lặng lẽ ở hậu trường làm giảng dạy như thế. Nhưng giáo dục và đào tạo lại trở thành đam mê của chị lúc nào không hay. Điều cốt yếu là dù làm gì thì chị vẫn được gắn bó với âm nhạc.

Mỗi em bé đều là một viên ngọc lung linh với bố mẹ..." - Châu Anh chia sẻ.

Với chị, nghệ thuật là chìa khóa mở ra thành công trong cuộc sống này. Tuy không nhất thiết phải theo ngành nghệ thuật nhưng mỗi người khi hiểu nghệ thuật đúng nghĩa sẽ tạo cho mình một sự tự tin, giàu cảm xúc và sự linh hoạt rất nghệ thuật khi giao tiếp với cuộc sống, đặc biệt là trong xử lý các tình huống khó khăn…

Chị yêu nghệ thuật, con chị có năng khiếu nhưng chị không cố gắng hướng cho con đi theo lĩnh vực này. Chị để khi con lớn lên, nếu đam mê và thấy được làm nghệ thuật là hạnh phúc thì con sẽ chọn, nhưng nếu không làm nghệ thuật thì được hiểu về nghệ thuật cũng đã là điều tốt đẹp rồi. Bé Kem và bé Cốm của chị được học rất nhiều các bộ môn nghệ thuật khác nhau ở trung tâm nghệ thuật của mẹ.

Không phải chị gây sức ép với con là phải học nhiều để biết nhiều mà chị để các con dạo chơi qua những miền nghệ thuật, được nghe những câu chuyện bằng âm nhạc, chơi những trò chơi âm nhạc, giải phóng cơ thể với múa…

Bé Cốm ngày nào đi học về cũng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con có được đi học ở Solart không hả mẹ?”. Chị thấy các con vui khi được học những điều đó và chị nghĩ, trao niềm vui cho con cũng là niềm hạnh phúc của người mẹ.

Ngay từ khi các con trong bụng mẹ, chị đã cho con được tiếp xúc với âm nhạc, nói chuyện, tâm tình hàng ngày với con. Trong vai trò người làm giáo dục trẻ em, chị tìm hiểu rất kỹ lứa tuổi nào nên học bộ môn gì. Dưới 4 tuổi là các bé có khả năng cảm thụ âm thanh, màu sắc, hình khối, hình ảnh thông qua mỹ thuật, giải phóng cơ thể thông qua múa, sau 4 tuổi thì đi chuyên sâu vào năng khiếu mà bé thích…

Còn từ trong bụng mẹ, tháng thứ 5 bé đã cảm nhận được và có phản xạ âm thanh… “Nuôi” nghệ thuật trong tâm hồn con một cách khoa học từ khi bé còn trong bụng mẹ, theo chị là điều rất tốt với sự phát triển của các bé.

Chị Châu Anh tự hào rằng các con chị đều lớn lên rất giàu cảm xúc và ngoan ngoãn, sống tình cảm. “Đối với tôi, xã hội hiện đại càng ngày càng lo chuyện cơm áo gạo tiền, càng cuốn người ta đi, gấp gáp làm ăn, con người càng trở nên khô khan hơn thì sống có tình với nhau là điều vô cùng quan trọng”.

Đó cũng chính là lý do chị lấy câu châm ngôn của Trung tâm Nghệ thuật Solart của mình là “Tâm hồn cuộc sống”, sống phải có tâm hồn, các em nhỏ là thế hệ của tương lai, điều đầu tiên phải có tình cảm, tình người trước những điều khác. Cảm xúc, tình cảm là những điều quan trọng nhất mà Đặng Châu Anh luôn muốn gìn giữ và phát triển trong tâm hồn các con yêu của mình.

Cuộc sống bây giờ quá nhiều những lo toan, các bà mẹ cũng bận rộn nên ít có thời gian với con cái. Chị chia sẻ, chỉ cần sau khi đi làm về, các bà mẹ dành thời gian vài tiếng đồng hồ kể cho con nghe những câu chuyện, đọc sách cho con, trong lúc mẹ con trò chuyện, đọc sách thì bật nhạc không lời lên để các con vừa nghe nhạc lại không bị phân tán…

Khi kể chuyện, đọc sách, thông qua các câu chuyện đó thì mẹ thổi vào đó các bài học về tình cảm, tình người. Chị Châu Anh tính cứ kiên trì như thế sẽ là một cách thức tốt để mẹ và con gần nhau và các bé sống tình cảm hơn.

Chia sẻ