"Cô Ba Sài Gòn": Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh

PA DUN,
Chia sẻ

Nếu so với "người chị" "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" thì có lẽ "Cô Ba Sài Gòn" là một bước lớn trong sự nghiệp làm phim của Ngô Thanh Vân.

*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết phim.

Trước khi Cô Ba Sài Gòn ra rạp, ê kíp Ngô Thanh Vân lại chứng tỏ mình là đội ngũ Pr có tầm khi biến tên phim thành từ khóa "hot" nhất tháng 11.

Từ nhiều tháng trước, người ta nhắc đi nhắc lại cái tên Cô Ba Sài Gòn đến mức người không quan tâm cũng vô tình nghe thấy. Vài ngày gần đây, người ta lại xôn xao về cái poster cũng như vô vàn chiêu thức truyền thông phim.

Dù thuận hay trái chiều thì trước tiên cũng phải dành lời khen cho ê kíp truyền thông của Cô Ba Sài Gòn vì những đường đi nước bước vô cùng chuyên nghiệp như vậy.

Cô Ba Sài Gòn:  Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh - Ảnh 1.

Khi phim chưa ra rạp, người ta tò mò Cô Ba Sài Gòn có gì nhỉ? Sẽ là một Tấm Cám, chuyện chưa kể mà kể mãi thì cũng chẳng ai hiểu hay một Ngày nảy ngày nay cười nhiều mà chưa thấy vui?

Cô Ba Sài Gòn sẽ là phim ngôn tình diễm lệ hay phim "tài liệu" về áo dài Việt?

Ôi vậy mà may quá, bởi rời rạp, chưa dám nhận xét phim hay dở thế nào, người viết chỉ thở phào nhẹ nhõm vì không cảm thấy phí hoài vì 100 phút dành cho Cô Ba Sài Gòn. Nếu so sánh việc xem Cô Ba Sài Gòn với việc trải nghiệm ẩm thực thì nó giống như việc bạn đã ăn một món ăn chỉn chu, đẹp hình thức và vừa vị.

Cô Ba Sài Gòn:  Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh - Ảnh 2.

Từ Tấm Cám: Chuyện chưa kể cho đến Cô Ba Sài Gòn, mặc dù không còn ngồi ghế đạo diễn nhưng Ngô Thanh Vân luôn chứng minh mình là một người duy mỹ. Bằng chứng là phim của Ngô Thanh Vân thường khá đầu tư về hình ảnh.

Đây quả là điểm đáng khen bởi trong vô vàn những bộ phim Việt cẩu thả trong việc xây dựng bối cảnh, tạo hình thì phim của Ngô Thanh Vân lại chỉn chu một cách đúng nghĩa.

Cô Ba Sài Gòn mở màn bằng một khung cảnh hoài cổ với bối cảnh là tiệm may nổi tiếng của Sài Gòn thập niên 60.

Cô Ba Sài Gòn:  Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh - Ảnh 3.

Từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" hay "Paris của phương Đông", Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ trước trong ký ức của nhiều người là chốn phồn hoa đô thị với vô số ánh đèn màu lấp lánh.

Thời trang Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước được ca ngợi là tân thời và sành điệu bậc nhất đất nước. Những người phụ nữ nơi đây đã cập nhật những xu hướng thời trang nổi bật nhất bấy giờ. Điều khiến chúng ta phải trầm trồ là cách kết hợp phụ kiện, tạo kiểu tóc và trang điểm của các chị em thời đó cũng ở một "đẳng cấp" chẳng thua kém thời nay.

Và tất cả đã được tái hiện trong Cô Ba Sài Gòn một cách khá hoàn hảo đến nỗi dù những người chưa từng sống ở thời điểm ấy họ cũng cảm thấy mình như được lọt thỏm trong không gian đặc sệt chất Sài Gòn từ giọng điệu, cử chỉ, cách nói năng, trang điểm, đi đứng cho tới phố phường nhộn nhịp.

Từ những cô nàng sành điệu với mái tóc tém cá tính, tóc cắt ngắn chải bồng, mắt khói, hay trang điểm mắt mèo ấn tượng cho đến những chàng trai diện quần ống loe, đi xe cup sành điệu đều được tái hiện lại qua ống kính của Cô Ba Sài Gòn một cách chỉn chu nhất.

Chỉ thế thôi cũng đủ thấy ê kíp Cô Ba Sài Gòn đã dụng tâm như thế nào trong việc xây dựng bối cảnh.

Phim mà, cứ đẹp là phải khen đã.

Nhưng Cô Ba Sài Gòn không phải là phim tài liệu về năm 1969 nên không gian đặc quánh Sài Gòn xưa cũ chỉ chiếm 1/3 thời lượng phim để nhường cho những điều đặc biệt phía sau.

Cô Ba Sài Gòn là Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), con gái rượu của Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) chủ nhà may áo dài nổi tiếng Thanh Nữ. Ngày ấy, Như Ý là biểu tượng thanh lịch của đất Sài Gòn khi thường dẫn đầu về thời trang. Ấy vậy nhưng, cô con gái nhà chủ nhà may áo dài lại chỉ mê mẩn các bộ âu phục thời thượng. Bởi với Như Ý, áo dài là cũ kỹ, là hình ảnh thời trang không thể nào có thể sáng tạo thêm nữa.

Cô Ba Sài Gòn:  Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh - Ảnh 4.

Chính vì vậy, dù là con gái duy nhất của nhà may áo dài nhưng Như Ý lại không hề biết may quần áo. Câu chuyện mở màn có vẻ thú vị và hài hước khiến ai đó nghĩ rằng ôi chao thật giống câu chuyện "cậu ấm, cô chiêu" nào đó ở thời hiện đại.

Tất nhiên, chuyện con gái duy nhất của một nhà may có 9 đời truyền thống may áo dài mà không biết cách cắt may một chiếc áo dài thì quả là điều đáng xấu hổ đối với Thanh Mai, mẹ của Như Ý. Thôi kể lan man tới đây chắc 95% người đọc đã đoán ngay được là kiểu gì cũng có mâu thuẫn thế hệ. Xin chúc mừng, bạn đã quay vào ô "đoán đúng".

Bực bội vì cô con gái không chịu học may áo dài, bà chủ Thanh Mai bèn "may một lần cho hết" tấm vải gia truyền đính kèm viên ngọc cũng gia truyền luôn.

Và đúng thật là kịch hay thì ở phía sau.

Bởi chẳng ai ngờ rằng viên ngọc bội kia trở thành công cụ để "xuyên không"... đưa Như Ý tới năm 2017 với Sài Gòn phồn hoa đô thị. Ôi và thế là xem hết 1/3 thời lượng phim người ta mới xác định được thể loại phim là chick-flick (phim dành cho phụ nữ) mang yếu tố xuyên không.

Thực ra đây là điểm cần khen cho kịch bản của Cô Ba Sài Gòn. Bởi với việc thêm vào chi tiết tưởng như đùa, câu chuyện của bộ phim đã đi theo một hướng hoàn toàn khác biệt. Sau những màn choáng ngợp vì thành thị Sài Gòn những năm 60, người xem lại trở về với nhịp sống hiện đại với những ngôi nhà cao tầng, đường phố nhộn nhịp người qua lại.

Và câu chuyện thực sự của Như Ý lại chính là khoảng thời gian cô ở thời hiện đại với vô vàn điều mới mẻ và hay ho. Xuyên không thực ra không phải là đề tài quá mới với phim Trung Quốc hay Hàn Quốc... nhưng ở Việt Nam nó lại được đánh giá là một trải nghiệm thú vị. Có điều nếu được đưa vào một kịch bản vừa vặn thì mới có thể phát huy tác dụng, và Cô Ba Sài Gòn chính là điều đó.

Cô Ba Sài Gòn:  Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh - Ảnh 5.

Trở về hiện đại, Như Ý gặp lại bản thân mình sau hơn 40 năm sau. Lúc ấy Như Ý của hiện tại đã đổi tên thành một An Khánh thất bại, béo ú và rượu chè. Tiệm may Thanh Nữ nức tiếng Sài Gòn xưa trở thành một căn nhà mục nát, cũ kỹ và có nguy cơ bị siết nợ.

Và từ khoảnh khắc ấy, Như Ý nhận ra rốt cuộc điều mà mình mải miết đi tìm là điều gì, rốt cuộc mình đã đánh rơi điều gì trong cuộc đời.

Điểm thú vị nhất trong kịch bản của Cô Ba Sài Gòn có lẽ đan xen vào đó là niềm tự hào về tà áo dài dân tộc, trang phục đẹp nhất của người phụ nữ Việt. Điểm này, hẳn là điều vô cùng khôn khéo trong việc lựa chọn kịch bản của Ngô Thanh Vân. Nếu Tấm Cám: Chuyện chưa kể sử dụng chất liệu dân gian thì Cô Ba Sài Gòn lại là một hình ảnh mang yếu tố truyền thông. Và tất nhiên, cả hai đều đáng tự hào.

Nhưng nếu Tấm Cám: Chuyện chưa kể như một món lẩu lộn xộn thì Cô Ba Sài Gòn gọn gàng, chỉn chu hơn.

Tất nhiên, phim vẫn còn những điểm khá lợn cợn còn đọng lại như chi tiết cái chết của mẹ Như Ý cho đến cảm xúc của Helen cuối phim. Không khó để nhận ra bộ phim còn nhiều yếu tố kịch làm người xem chưa thỏa mãn.

Nhưng thôi, hãy khoan dung một chút bởi những chi tiết này cũng không đến mức "không thể chấp nhận nổi".

Cô Ba Sài Gòn:  Thiếu một chút là nhạt, thừa một chút là vô duyên, thế này là vừa xinh - Ảnh 6.

Nếu không khen dàn diễn viên của Cô Ba Sài Gòn thì quả thật là sai lầm. Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9x hoàn toàn chứng minh năng lực diễn xuất dù đứng chung hàng với những thương hiệu gạo cội như NSND Hồng Vân, Diễm My 6x.

Ninh Dương Lan Ngọc đã có phần vào vai tròn trịa với cô Ba thanh lịch nhí nhảnh nhưng thông minh và tình cảm. Mặc dù vai diễn không quá phức tạp nhưng cũng đủ thấy độ duyên của Lan Ngọc. Nét duyên dáng, lém lỉnh, thông minh của Lan Ngọc giúp cô luôn sáng rực cả khuôn hình mỗi khi xuất hiện.

Không có quá nhiều phân đoạn khó nhưng Diễm My 9x đã chứng tỏ mình không phải là tay ngang trong phim ảnh khi thể hiện khá thành công vai Helen - hình ảnh người phụ nữ năng động, thành đạt của thời hiện đại.

Không phải là nữ chính của phim nhưng quả thật NSND Hồng Vân cũng mang lại ấn tượng không nhỏ đối với Cô Ba Sài Gòn.

Quả là hơi khắt khe một chút nhưng vai diễn của Ngô Thanh Vân có phần hơi gồng quá sức khiến đôi chỗ làm người xem bị khó chịu.

Điểm nhấn không thể bỏ qua của Cô Ba Sài Gòn đó là phần âm nhạc. Việc phối lại các ca khúc Sài Gòn xưa giúp cho bộ phim vừa giữ nguyên tinh thần quá khứ nhưng vẫn mang đậm hơi thở thời đại mới.

Hẳn không ít người cảm thấy xốn xang khi nghe những ca khúc như Đêm đô thị, Sài Gòn của một thời xa xăm nào đó. Nhưng thôi, đã là âm nhạc thì khó có thể nào dùng câu chữ để mà diễn tả. Âm nhạc thì cứ nên để chính nó tự khoe khoang bằng những thanh âm của chính mình.

Ca khúc "Cô Ba Sài Gòn" - Đông Nhi.

Chia sẻ