Chuyện thật rất buồn chốn công sở: Cống hiến cả thanh xuân cho công ty cuối cùng vẫn bị cho nghỉ việc

Bài viết: Dudu; Thiết kế: Jordy,
Chia sẻ

Đâu đó có tiếng người lạch cạch ôm thùng đồ đạc ra về. “Nghe nói là bị các sếp cho nghỉ"; “Làm bao nhiêu năm rồi còn bị cho nghỉ việc, sao mà ‘vắt chanh bỏ vỏ’ đến vậy?”.

Đó là một câu chuyện có thật, ở văn phòng tôi cũng như văn phòng bạn. Trong các cuộc nói chuyện trên nhóm chat Facebook công ty, thỉnh thoảng chúng tôi lại ngạc nhiên khi thấy "Anh A sắp nghỉ việc đó" hay "Anh B bị chuyển sang phòng kia rồi". Anh A hay anh B đó đều là những nhân sự chúng tôi đoán chắc sẽ-không-bao-giờ-nghỉ-việc. Vì sao? Vì họ đã ở đây lâu lắm rồi, họ là những nhân sự cốt cán mà lớp nhân viên thế hệ sau như chúng tôi nghĩ rằng: Công ty này dù có bao người nghỉ việc thì cũng không phải là họ.

Câu chuyện những nhân sự cống hiến cả tuổi thanh xuân ở một môi trường nào đó để rồi phải ra đi trong tức tối, đôi khi là ngỡ ngàng không phải hiếm gặp. Trong đó, có những người phải ra đi khi tuổi đã gần 40 - thời điểm không dễ dàng để bắt đầu những công việc mới. Sẽ chẳng có đáp án chính xác cho câu chuyện trên là sai hay đúng bởi quan điểm của mỗi người từ những góc nhìn khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Nhưng những người ở hai phía, họ nghĩ gì?

tit1 copy

"Nhiều người coi công ty như một gia đình, còn công ty coi họ chỉ như những cỗ máy kiếm tiền", đó là điều tôi nghĩ tới trong câu chuyện này - từ góc độ của một người đi làm thuê và có xu hướng phản đối việc đuổi các nhân sự gắn bó lâu năm.

Đầu tiên bàn về cái tình! Có vô vàn lý do để một người không bỏ việc, nhưng như rất nhiều trường hợp tôi biết, điều quan trọng nhất khiến nhiều người gắn bó lâu dài với một công ty, ngoài lương thưởng, nhiều khi là "các mối quan hệ đồng nghiệp công ty". Những cô bạn của tôi, họ than thở rằng muốn nghỉ việc rất nhiều lần rồi nhưng cuối cùng lại chẳng đành lòng dứt áo ra đi vì ở đây có quá nhiều bạn bè và kỷ niệm.

Artboard 1 copy 6

Khi một nhân viên dành hết thanh xuân cho cả công ty, họ không coi đó là chỗ kiếm tiền đơn thuần mà nhiều khi còn là gia đình thứ hai, nơi sếp như người anh cả còn đồng nghiệp như những người bạn. Trong thời buổi "khát" nhân sự có chuyên môn, chắc chắn họ không phải không có cơ hội nào khác khi đã ở một trình độ nhất định. Dù vậy nhiều lần nâng lên đặt xuống, họ vẫn quyết định ở lại vì tiếc nuối nơi làm việc đã gắn bó cả thanh xuân, vì cái "tình", để rồi cuối cùng bị cho nghỉ việc. Xót xa không? Tôi nghĩ là có!

Lý do để bị cho nghỉ việc thì có nhiều, trong đó lý do hợp lý nhất được đưa ra thường là "năng lực không còn phù hợp với công việc". Nhưng ngoài ra tôi cũng biết, có những người dù năng lực rất giỏi nhưng vẫn bị cho nghỉ và thuyên chuyển vì những câu chuyện nội bộ, đấu đá cá nhân.

Artboard 1 copy 7

Vẫn biết thay đổi nhân sự là một việc làm cần thiết ở các công ty nhưng việc đột ngột cho nhân viên đã gắn bó lâu năm với công ty nghỉ việc dường như là triệt đường sống của với nhiều người. Đặc biệt khi ở một độ tuổi nhất định, việc thay đổi công việc không còn đơn giản. Cụ thể nếu bạn 25 tuổi và bị công ty đuổi việc, chuyện tìm được một chỗ làm mới đơn giản hơn nhiều so với khi bạn 35 hay 40.

Chưa kể, khá nhiều người đã gắn tuổi thanh xuân của họ với công ty từ ngày mới thành lập và còn nhiều khó khăn. Đó như một sự đánh đổi đầy rủi ro nếu công ty thất bại. Họ đã đánh cược, chơi một ván thành công rồi ngỡ ngàng khi bị sa thải. Không xét khía cạnh tài chính hay mối quan hệ thì đó cũng đã là một cú sốc tinh thần khi thanh xuân như bị phản bội

tit1 copy 2

Đó chính xác là tư tưởng của những người làm chủ khi quyết định sa thải, cắt giảm nhân sự. Trong con mắt của họ, nhân sự được chia làm hai loại: Nhân sự được việc và nhân sự không được việc. Tất nhiên những nhân sự không được việc sẽ phải rời đi hoặc tìm một vị trí khác cho mình.

Sếp có lý do của mình trong câu chuyện này. Một nhân sự gắn bó với công ty không phải gắn bó không công, họ đã được trả lương hàng tháng và có các chế độ đãi ngộ phù hợp (hoặc chí ít, họ cũng chấp nhận những đãi ngộ ấy). Vậy cả thanh xuân của họ đã được đánh đổi công bằng thì chuyện gì đi chuyện đấy còn điều gì phàn nàn nữa nếu phải nghỉ việc? Năng lực không phù hợp thì còn lý do gì để giữ lại?

Artboard 1 copy 8

Công việc luôn đi kèm với việc học hỏi không ngừng để nâng cao kỹ năng. Tư tưởng ì ạch nghĩ rằng mình ở đây lâu đồng nghĩa với năng lực được kiểm chứng khiến nhiều người không bao giờ muốn thay đổi bản thân hay phát triển năng lực. Đây chính là nhược điểm lớn nhất của một "nhân viên làm lâu trong công ty", đặc biệt là các công ty công nghệ hay những lĩnh vực vận động không ngừng.

Công ty cần đổi mới, không chỉ với các nền tảng số hóa, cơ sở hạ tầng mà cần đổi mới nhân sự. Đáng nhẽ ra, bản thân những người làm việc lâu năm phải hiểu được nhu cầu đó mà thay đổi mình trước. Đáng tiếc, khi họ không thể thay đổi bản thân, công ty buộc phải thay thế họ. Nhưng nói đi phải nói lại, các công ty không chỉ nên tận dụng tài năng của nhân viên mà còn cần tạo điều kiện để nhân viên phát huy, cải thiện khả năng của mình. Vậy sau bao nhiêu năm, năng lực từ phù hợp đến không còn phù hợp, lỗi là ở nhân sự hết sao?

Dù vậy, có một thực trạng phải thừa nhận rằng có nhiều nhân sự lâu năm coi việc họ đã cống hiến nhiều năm như một cái "cớ" để trì trệ trong công việc: Đi sớm về muộn, thái độ với mọi người, deadline công việc sai đúng không quan trọng. Những "ma cũ" đó không chỉ gây ảnh hưởng tới công ty mà còn khiến các nhân viên mới khó chịu: Chỉ vì ở lâu lên lão làng, họ có quyền được ưu tiên trong khi các nhân viên khác phải làm việc vất vả? Đặt lên bàn cân quyền lợi của cả công ty so với quyền lợi của một nhân viên lâu năm, việc những người đứng đầu công ty lựa chọn phương án sa thải cũng không phải điều quá khó hiểu.

tit1 copy 3

Tôi vẫn luôn tự hỏi có điều gì sẽ giúp cân bằng cả hai câu chuyện trên. Là một người đi "làm thuê", tôi thấy thương cảm cho những nhân sự đã gắn bó với nơi nào đó rất lâu để rồi bị sa thải. Nhưng với người làm chủ, họ có lý do của mình.

Có lẽ, cách tốt nhất là hãy để cho các nhân sự đó một thời gian thử thách. Công ty tốt không dựng lên chỉ bởi những người tài, ở đó cần có những người có tâm: tâm lực và tâm huyết dành cho công ty. Ai cũng vậy, năng lực làm việc chỉ hạn chế trong một vài khía cạnh, anh có thể giỏi marketing nhưng điều hành công ty là điều anh không mạnh. Nhưng những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cả công ty, họ hẳn đã làm nhiều điều hơn năng lực mình có.

Với những mối quan hệ lâu năm, việc nói chuyện thẳng thắn không có trở ngại gì cả. Thay vì ký một lá đơn cho nghỉ việc hay thuyên chuyển công tác, sao không thử nói chuyện với họ, chỉ ra những vấn đề cần sửa và một lời cảnh báo nhẹ nhàng? Dù việc đó cần phải có một quá trình dài, chứ không chỉ trong vài tuần là có ngay thay đổi tích cực.

Artboard 1 copy 10

Nếu như các công ty sợ phải làm việc với những nhân sự đi làm vài tháng rồi nghỉ, nhân viên lâu năm cũng sợ việc làm ở đâu đó một thời gian dài rồi bị sa thải. Cống hiến cả thanh xuân cho một công việc hay lý tưởng, không ai mong muốn mình bị chính công việc hay lý tưởng đó dội một gáo nước lạnh lên đầu.

Thế nên, những người chủ doanh nghiệp, hãy là một người sếp lịch sự, có lý nhưng cũng có tình. Suy cho cùng, công ty không chỉ là một tập hợp của những giá trị vật chất mà còn là một cộng đồng với vô vàn con người khác nhau.

Còn nếu bạn là nhân viên vừa bị sa thải ư? Cũng đừng quá lo, dù đã kiệt nước để pha một ly nước chanh giải nhiệt thì vỏ chanh vẫn là nguyên liệu “sống còn” để làm món chanh tuyết thơm lừng cơ mà. Hãy nghỉ ngơi và tìm một nơi phù hợp và biến "vỏ chanh" thành món giải nhiệt mới, hấp dẫn và ngon lành gấp bội nhé!

Chia sẻ