Chuyện tắm chung với con

,
Chia sẻ

Bé Bống (4 tuổi) rất thích được tắm cùng mẹ. Một lần, bé nhìn mẹ tò mò: "Sao của mẹ không giống của bạn Tôm?".

Sau khi mẹ giải thích: "Vì mẹ và con là phụ nữ, còn bạn Tôm là đàn ông" nhưng bé vẫn lắc đầu, hỏi tiếp: "Nhưng sao của mẹ không giống của con?".

Nhà Diệp (mẹ bé Bống) có một bồn tắm khá đẹp nên ngay từ khi bé Bống chập chững biết đi, cô hay để hai mẹ con ngồi vào đó, chơi đồ hàng. “Được tắm cùng mẹ từ nhỏ nên bé rất thích. Có lúc, bé còn hào hứng kỳ cọ lưng cho mẹ. Tuy nhiên, dạo gần đây, bé luôn thắc mắc chuyện giới tính nên tôi không biết tắm chung như thế có gây hại gì cho con không?” – Diệp chia sẻ.
 

Ảnh minh họa

Bé Cún (3 tuổi rưỡi) tuy là con gái nhưng rất quấn bố. Thùy (mẹ bé Cún) cho biết: “Hai bố con cùng ăn cơm, cùng ngủ và cùng tắm với nhau. Thấy chuyện này cũng bình thường nên vợ chồng tôi không có ý kiến gì”. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, anh chồng Thùy nhất định không tắm cùng con mặc bé khóc lóc đòi tắm với bố.

Anh ấy bảo, dạo này, con hay hỏi han, không biết trả lời thế nào. Con gái lớn rồi nên để hai mẹ con tắm cùng nhau” – Thùy kể. Hôm trước, thấy bố đang tắm, bé Cún kéo cửa, xông vào phòng tắm thì bị bố mắng. Sau đó, dù được mẹ hứa sẽ tắm cùng nhưng bé vẫn khóc vì đang tắm quen với bố, bé rất vui vẻ.

Hà (quận 4, TP HCM) có 2 bé, một trai, một gái, hơn kém nhau 2 tuổi. Hà chỉ tắm chung với con gái lớn (5 tuổi), còn bé trai hơn 3 tuổi, mỗi lần tắm cho con, cô lại mặc quần áo rất đàng hoàng. “Sợ bé trai nhìn thấy phần kín của mẹ hay chị gái thì dễ hư hoặc suy nghĩ lung tung trong đầu” – Hà cho biết.

Một lần, Hà dính kỳ nguyệt san nên không thể tắm chung với con như thường lệ. Thấy thế, con gái cô thắc mắc: “Sao hôm nay mẹ không tắm cùng con?”. Cô trả lời con gái: “À, hôm nay mẹ phải đóng bỉm?”. Sau đó, con gái cô lại băn khoăn: “Sao mẹ phải đóng bỉm?”. Nghĩ mãi không ra lời giải thích nào dành cho bé 4 tuổi về kỳ nguyệt san, Hà thành ra lúng túng.

Tắm chung và chuyện dạy giới tính cho con

Nhiều phụ huynh lo ngại chuyện tắm chung sẽ khiến cho các bé sớm tò mò chuyện giới tính. Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc tò mò giới tính ở các bé không có gì là xấu và cha mẹ không cần phải né tránh điều đó. Tuy nhiên, chuyện tắm chung nếu được phân chia theo giới tính sẽ hợp lý hơn. Mẹ sẽ tắm cùng bé gái, còn bố sẽ tắm với bé trai. Cách này sẽ dạy cho bé hiểu rằng, giữa bé trai và bé gái có sự khác biệt cơ bản về cơ thể và sự khác biệt đó là điều hết sức bình thường.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể tắm chung với bé trai vì thông qua việc tắm chung, mẹ có thể dạy bé những bài học về giới tính. Mẹ có thể dạy các bé không được cho người khác sờ vào vùng kín, không dùng tay sờ vào “chỗ này, chỗ kia” vì hành vi đó dễ làm vùng kín nhiễm trùng, khiến bé bị đau khi đi tiểu.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên dạy bé gái cách vệ sinh vùng kín, không được nhét hoặc thò ngón tay vào vùng kín… Dạy bé cách chăm sóc bộ phận nhạy cảm của cơ thể cũng như cách mẹ dạy bé đánh răng, rửa tay, lau mặt... Không ít phụ huynh dạy tốt các kỹ năng đánh răng, rửa tay cho con nhưng lại lúng túng khi dạy con vệ sinh vùng kín. Cha mẹ không nên làm phức tạp mọi chuyện, nên để bé hiểu vùng kín là một phần tự nhiên trên cơ thể nên cũng cần được lau chùi hàng ngày. Dần dần, việc giữ gìn và vệ sinh vùng kín sẽ giống như một thói quen tốt ở bé.

Cha mẹ không nên chủ quan cho là bé còn nhỏ, chưa hiểu biết gì nên không cần dạy. Cũng không nên suy diễn “để bé lớn lên rồi tự bé sẽ biết”. Nên lưu ý đến độ tuổi nếu mẹ tắm chung với bé trai. Nếu 4-5 tuổi, bé trai đã hiểu biết hơn, mẹ nên dừng chuyện tắm chung cùng bé.

Cha mẹ nên tìm cách trả lời mọi thắc mắc về giới tính của con theo cách đơn giản nhất. Nếu bé tò mò: “Sao của con không giống của bạn Tôm?” thì mẹ không nên đùa: “Rồi của con sẽ dài ra như của bạn ấy”. Vì không thể hiểu nổi câu đùa của mẹ nên các bé càng tò mò hơn hoặc dễ có suy nghĩ lệch lạc.

Chuyện giới tính của bé cần được cha mẹ quan tâm theo độ tuổi. Bởi vì, mỗi độ tuổi khác nhau, bé sẽ có những câu hỏi về chuyện giới tính không giống nhau nên cần được mẹ giải đáp linh hoạt. Nếu bé thắc mắc chuyện có liên quan đến kinh nguyệt, mẹ có thể nói đơn giản về chuyện kinh nguyệt chỉ có ở con gái và khi bé đến một độ tuổi nhất định nào đó, bé sẽ phải đối mặt với hiện tượng này. Sau đó, lúc bé lớn hơn, cha mẹ có thể lật lại vấn đề đấy nhưng theo cách giải thích khoa học hơn.
 
Theo Mẹ&bé
Chia sẻ