Những sinh vật khổng lồ dưới biển sâu

PYL (Tổng hợp),
Chia sẻ

Đây là những sinh vật khổng lồ sống dưới đại dương rất hiếm gặp trong tự nhiên.

1. Cá đai biển khổng lồ

Những sinh vật khổng lồ dưới biển sâu 1
Hình ảnh cá đai biển dưới đại dương

Cá đai biển thường được gọi là "quái vật biển" hay "rồng biển khổng lồ". Đây là loài cá có xương lớn nhất trên thế giới với kích thước có thể lên tới 15m và nặng khoảng 270kg. Với hình dáng dẹt, dài tựa như chiếc ruy băng, người ta còn đặt cho nó cái tên "cá Ruy băng". Các nhà khoa học cho rằng, loài cá khổng lồ này thường sống trong môi trường đại dương sâu từ 200 - 1.000m.

Năm 1772, người ta đã phát hiện ra con cá đai biển đầu tiên. Năm 1996, các thủy thủ người Mỹ đã bắt được một con cá đai biển dài 7m tại bờ biển California. Tháng 2/2002, một con cá đai biển dài 4,5m khác cũng trôi dạt vào đảo Kashiwajima ở Nhật Bản.

Những sinh vật khổng lồ dưới biển sâu 2
Cá đai biển được bắt vào năm 1996 tại Mỹ

2. Thủy quái mực dài hơn 9m

Mới đây, "quái vật mực" khổng lồ có chiều dài 9,14m và cân nặng 181,4kg đã dạt vào bờ biển ở vùng Cantabria, Tây Ban Nha. Đây là một trong số những loài mực khổng lồ bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn đang dày công nghiên cứu. Nó có tên khoa học là Architeuthis Dux.

Những sinh vật khổng lồ dưới biển sâu 3
Xác chết của mực khổng lồ trôi dạt vào bờ biển 

Thông thường, bán kính mắt của mỗi con mực khổng lồ có thể lên tới hơn 25cm, tương đương với kích cỡ của một quả bóng chuyền. Các nhà khoa học cho rằng, đôi mắt to có tác dụng giúp chúng dò tìm vật thể trong môi trường sinh sống tối tăm.

Những sinh vật khổng lồ dưới biển sâu 4
Con mắt to như một quả bóng chuyền

Theo các tài liệu khoa học, loài mực khổng lồ thường sống ở độ sâu 300 cho tới 900m. Vì vậy, những thông tin về loài "thủy quái" này vẫn là một bí ẩn. Hiện xác của con mực khổng lồ đã được chuyển về Bảo tàng Đại dương học ở Cantabria.

3. Sâu biển khổng lồ dài 30m có thân hình tự phát sáng

Những sinh vật khổng lồ dưới biển sâu 5
Hải tiêu khổng lồ có thân hình phát trong suốt và phát sáng

Trong chuyến thám hiểm vùng đáy biển quanh hòn đảo Tasmania, các thợ lặn của Trung tâm Eagehawk ở Úc đã phát hiện ra một con sâu biển khổng lồ có chiều dài lên tới 30m. Trải dài trên cơ thể hình trụ, rỗng và trong suốt của nó là hàng nghìn các sinh vật sống bám có chức năng hút và đẩy nước qua các xúc tu. Xúc tu này lại lọc dinh dưỡng trong nước nhằm nuôi sống toàn bộ cơ thể vật chủ. Mỗi xúc tu có kích thước khoảng vài milimet và đều được kết nối với cơ thể con sâu biển qua hệ thống mô.

Trong khoa học, con sâu biển phát sáng này thực chất là một loài hải tiêu khổng lồ, có tên khoa học là Pyrostremma spinosum. Chúng thường sống ở tầng trên của khu vực dòng biển nóng, ở khoảng cách khá xa đất liền. Vì vậy, được tận mắt chứng kiến loài sinh vật này không phải là điều dễ dàng.

Chia sẻ