Mạng nhện lớn nhất thế giới có thể "bắc cầu" qua một con sông

Thùy Dương,
Chia sẻ

Nhện Darwin’s bark chỉ là một loài nhện nhỏ nhưng là bậc thầy trong việc giăng tơ. Mạng của loài nhện này có thể bắc ngang qua một con sông và được làm từ loại chất liệu cực kỳ bền.

Loài nhện này lần đầu tiên được công bố vào năm 2010, vào đúng lễ kỷ niệm 150 năm ngày xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc các loài” của nhà bác học Charles Darwin, vì vậy chúng được đặt tên là Darwin’s bark.
 
Nhện Darwin's bark.

Kỷ lục của loài nhện này chính là những mạng nhện lớn nhất thế giới, dài tới 25 mét, được tìm thấy ở Madagascar. Một con nhện cái có thể phóng tơ liên tục từ một bờ sông cho đến khi không khí đẩy tơ này sang đến bờ bên kia để tạo thành một cây cầu. Ở giữa cây cầu này là một vòng tròn tơ theo hình xoắn ốc, đường kính có thể đạt 3 mét.
 
Một tơ nhện bắc qua đôi bờ của một con sông.

Các nhà khoa học đang đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao Darwin’s bark chỉ là một loài nhện nhỏ nặng khoảng 0,5g (con đực bé hơn nhiều) lại có thể là những thợ dệt đại tài đến thế. Matjaž Gregorič và các cộng sự của mình ở học viện Khoa học Nghệ thuật Slovenia đã nghiên cứu sự tiến hóa trong việc giăng tơ giữa các loài nhện và nhận thấy rằng, tơ nhện Darwin’s bark dai hơn nhiều so với các loài khác, chúng cũng có cách giăng tơ rất độc đáo. Ngoài ra, việc “bắc cầu” qua sông cho phép chúng bắt được những con côn trùng, chuồn chuồn béo bở sống trên mặt nước.
 
Chúng có thể bắt được con mồi dễ dàng hơn với cách giăng tơ đặc biệt của mình.

Đi sâu tìm hiểu loại tơ của nhện Darwin’s bark, các nhà khoa học đã thực hiện các thí nghiệm và miêu tả nó như loại chất liệu sinh học dai và mạnh nhất, thậm chí nó còn hơn cả thép.  Họ mong muốn có thể tạo ra loại “sợi của tương lai” làm từ tơ nhện, và loài nhện Darwin’s bark chắc chắn là mục tiêu số một mà họ hướng đến. 
 
Tơ nhện Darwin's bark còn mạnh hơn cả thép.

(Nguồn: BBC)
Chia sẻ