Chuyện khó tin có thật về ông cụ ăn ngủ ở nghĩa trang, dành nghìn ngày làm "vườn yêu" tặng vợ đã mất

Lê Bảo,
Chia sẻ

Sợ người vợ yêu dấu quá cố cảm thấy cô đơn, cụ Thiệp đã bỏ ra cả nghìn ngày cần mẫn để dựng và chăm bón cả khu “vườn yêu” với nhiều loại cây trái xung quanh mộ vợ mình.

Bức thư tình bất ngờ và mối lương duyên kỳ lạ

Đó là câu chuyện cảm động có thật về tình yêu vĩ đại mà ông Nguyễn Tài Thiệp (71 tuổi) ở thôn Liễu Nội, Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội dành cho người vợ đã khuất của mình là bà Nguyễn Thị Bùi. 

Kể về chuyện tình đặc biệt cách đây 40 năm của mình, ông Thiệp chia sẻ, ngày đó, ông nổi tiếng là đẹp trai lại có nhiều tài lẻ nên không ít cô gái trong vùng đã “thầm thương trộm nhớ” ông. Tuy nhiên, ông lại để ý và dành tình cảm cho một người con gái duy nhất. Cha mẹ ông cũng ưng cô gái đã và đến nhà cô này để bàn chuyện tương lai. Song, cô gái đó lại chỉ coi ông là bạn bè bình thường như bao người khác.

Trong lúc đau khổ, chán chường nhất thì ông bất ngờ nhận được một bức thư chan chứa yêu thương từ chính người em họ tên Bùi của cô gái khiến trái tim ông "tan thành trăm mảnh".

vườn yêu
Ông Thiệp bên mộ người vợ quá cố mà ông luôn yêu thương, nhớ nhung.

Cô gái thổ lộ, chính những lần ông Thiệp sang nhà chị mình chơi đã khiến tim cô thổn thức nhưng cô đã phải chôn chặt tình cảm của mình bởi không muốn tranh giành “một nửa” với ai, nhất là khi người đó lại là chị họ mình.

Do chưa có tình cảm và cũng không mấy ấn tượng về cô gái bạo dạn nên phải một tháng sau, ông mới viết thư lại nhưng nội dung thư thì lại rất "phũ": “Nhà tôi nghèo lắm, chả có gì mà cưới em đâu. Nếu em thích thì em tự mà lo liệu!”.

Trước lời lẽ có phần thô lỗ này, ông nghĩ rằng sẽ khiến cô gái tự ái và nản lòng nhưng bất ngờ hơn, mấy hôm sau ông lại nhận được lời nhắn “sang nhà em nói chuyện cụ thể”.

Khi ông tới nhà cô, cô đề nghị cùng ông đạp xe ra Hà Nội để mua đôi chiếu bởi ngày đó khi ai lập gia đình thì cần mua đôi chiếu.

Ông Thiệp hỏi: “Em lấy chồng à?”. “Vâng, em lấy chồng”, cô Bùi trả lời. Khi ông hỏi cô lấy ai thì cô nói: “Anh bảo em lo hết mà, lấy anh chứ còn ai nữa chứ”.

Và rồi ông đã chở cô gái ra Hà Nội trên chiếc xe đạp như một định mệnh cho mối lương duyên của 2 người. “Ban đầu thì chỉ là lấy vợ cho có thôi, nhưng càng về sau tôi càng yêu bà ấy hơn”, ông Thiệp chia sẻ.

Sau 5 năm về ở với nhau, ông bà có với nhau 3 người con và ông phải lên đường nhập ngũ. Nhớ thương chồng, mỗi tháng bà đều viết cho chồng bằng những bức thư chan chứa yêu thương và nỗi ngóng trông ngày đoàn tụ của gia đình.

Đến năm 1969, ông được về quê an dưỡng do bị thương ở đùi. Khi xe qua Thường Tín, ông quyết định nhảy xuống và không quản ngại chạy bộ cả chục cây số về nhà.

vườn yêu
Dù vợ đã mất nhưng không ngày nào ông xa vợ và luôn nói chuyện với người vợ đã khuất núi.

Nhìn thấy ông Thiệp, bà Bùi không tin vào mắt mình, phải tự cấu vào người rồi lao tới ôm chầm lấy chồng trong nước mắt. Sau đó ông bà có thêm 2 người con nữa.

Đất nước giải phóng, ông Thiệp lại khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ mới là đi xây dựng kinh tế nông trường ở tận cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). 10 năm tiếp theo ông lại vắng nhà, người vợ thảo hiền lại nuôi con và chờ chồng.

Năm 1987, ông nghỉ hưu và luôn tự nhủ phải bù đắp cho bà Bùi những chuỗi ngày xa cách, vất vả của bà. Trong thời gian đó, những người hàng xóm thấy vô cùng khâm phục khi không bao giờ thấy ông bà to tiếng hay “mặt nặng mày nhẹ” với nhau.

20 năm sau, bà Bùi lâm bệnh nặng và suốt những ngày trước khi vợ mất, ông Thiệp luôn bên vợ, tận tay chăm sóc vợ. Cả 5 người con của ông bà đều có kinh tế khá giả nên muốn thuê người về chăm mẹ nhưng ông không đồng ý bởi theo ông, chăm sóc vợ là hạnh phúc của người chồng và chỉ ông mới có quyền đó.

vườn yêu
Mấy câu thơ ông Thiệp sáng tác lúc 2 người sinh ly tử biệt...

Trước lúc đi xa, bà Bùi thổ lộ, bà muốn mãi mãi ở bên ông, không muốn rời xa ông phút giây nào. Rưng rung nắm chặt tay vợ, ông đọc mấy câu thơ do mình sáng tác dành riêng tặng bà: “Chữ tình cùng với chữ duyên; Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền; Bây giờ cách trở âm dương; Sau này sum họp lại chung một mồ”.

Do quá nhớ thương bà, từ đó ông trở nên trầm lặng suy tư như người mất hồn. Ông kể, vì cũng cao tuổi rồi mà mộ vợ ông lại được chôn ở cánh đồng xa nhà nên thỉnh thoảng ông mới ra đó thăm được. Kể từ năm 2013, khi sang cát đưa bà về nghĩa trang gần nhà thì tâm trạng của ông trở nên tốt hơn nhiều.

Hàng nghìn ngày dựng “Vườn yêu” dành tặng vợ hiền quá cố

Đến thăm phần mộ của bà, đập vào mắt PV là rất nhiều các loại cây trái, cỏ hoa khoe sắc. Ông Thiệp trải lòng, ngày còn sống vợ ông rất yêu hoa trái, cây cỏ thiên nhiên nên ông đã dành hơn một nghìn ngày để tạo nên khu “vườn yêu” xung quanh mộ để dành tặng bà.

Lo cho bà ở nghĩa địa cô đơn, lạnh lẽo, thời gian đầu ông bỏ hẳn ngôi nhà khang trang ra ở mộ vợ cả ngày lẫn đêm mặc con cái ra sức khuyên can.

Mấy tháng sau, ông thấy các con cháu vất vả khi cứ phải cử người ra canh chừng vì lo cho sức khỏe của ông nên ông đã nghe lời các con không ngủ đêm bên mộ vợ nữa. Thế nhưng từ đó, ngày ngày cứ từ 4h sáng, ông đã ra mộ vợ rồi cặm cụi trồng rau trái, cây thuốc và nghỉ trưa luôn ở đó, đến đêm mới về nhà.

Nhiều người nói ông “hâm” khi có hành động chẳng giống ai như vậy song ông không quan tâm tới “miệng lưỡi thế gian”. Bởi, theo như ông bảo, mình sống sao cho trọn vẹn chữ tình với vợ hiền là được.

3 năm nay, mỗi ngày thắp nén hương trên mộ vợ, ông Thiệp lại nhỏ to tâm sự với người vợ yêu dấu của mình. Dù bà đã nằm sâu dưới đất nhưng với ông thì bà vẫn luôn ở sâu trong trái tim ông, vẫn cảm được nỗi lòng ông.

Được biết, để xây “ngôi nhà” mới này cho vợ, ông đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm trong mấy năm trời. Ngôi mộ có thiết kế hình mái nhà, gồm 2 ngăn, bên trái dành cho bà, bên phải là dành cho… ông. "Sau này khi tôi xuống suối vàng, vẫn được ở chung nhà với bà ấy", ông Thiệp lý giải.

vườn yêu
2 chiếc chậu rửa mặt đặt trên mộ.

Trước ngôi mộ, cụ đặt 2 chiếc chậu rửa mặt, bên trái là chậu nhựa có ghi "Chậu rửa mặt của cụ Bùi" và bên phải là chậu nhôm có ghi "Chậu rửa mặt của cụ Thiệp Bùi".

Tất cả chỗ đất trống ở khu xung quanh mộ vợ đều được ông Thiệp trồng cây trái. Trên mỗi cây, ông đều treo lên đó một tấm biển ghi rõ là tặng vợ vào ngày đặc biệt nào và đó đều là những loại cây mà khi còn sống bà Bùi rất thích.

Hàng rào của “vườn yêu” được ông tận dụng từ những cành cây, que củi và sắt thép mà mọi người không dùng tới. 

vườn yêu
"Vườn yêu" sau hơn 1 nghìn ngày chăm sóc luôn tỏa ngát hương thơm và xanh mướt như thấu hiểu tấm lòng của 2 ông bà.

cụ ông
Mỗi thửa đất, trồng cây cỏ, rau hay cây gì ông Thiệp đều có viết biển bảng.

cụ ông
Mỗi loại cây ông Thiệp trồng tặng người vợ quá cố vào những dịp lễ khác nhau. Trong ảnh ông Thiệp đề tên "Cây Tứ Quý tặng em ngày 8/3/2016".

cụ ông
Ông Thiệp chăm bón cây, rau củ tận tình, chu đáo hệt như chăm người vợ quá cố của mình.

cụ ông
Ngoài chăm sóc ông còn sửa chữa cũng như lắp thêm hàng rào để cây cối có điều kiện phát triển.

cụ ông
Lối ra, vào khu "vườn yêu" cũng hết sức thơ mộng.

Sau nghìn ngày chăm sóc, “vườn yêu” ông dành tặng vợ đã xanh mướt và có tới hàng chục loại cây khác nhau. Ông tự hào cho hay, dù không có kiến thức về nông nghiệp nhưng cây cối ông trồng như bầu, đỗ rất sai quả, các loại hoa như ngọc lan thì nở rất đẹp. Ngoài các loại hoa trái, ông còn trồng các loại thuốc để phục vụ miễn phí cho người dân xung quanh.

Mỗi buổi trưa, ông Thiệp sẽ ăn cơm tại đây và chợp mắt ngay ở phiến đá cạnh mộ vợ. Chiều dậy, ông lại tất bật tưới nước cho cây, chăm sóc lại hàng rào và thủ thỉ tâm sự với người vợ yêu dấu đã khuất của mình.

Cảm kích trước câu chuyện của cụ ông dành cho vợ quá cố, một người dân trong thôn chia sẻ: “Từ ngày vợ ông mất, thấy ông lầm lũi ai cũng thương nhưng sau khi mộ bà chuyển về gần, chứng kiến cảnh ngày ngày ông rạng rỡ ra thăm mộ và trồng cây, tôi hiểu ông đã tìm được niềm vui ở đó. Hành động của ông khiến ai ai cũng vô cùng cảm động”.
Chia sẻ