Tư vấn dinh dưỡng cho con:

Hướng dẫn mẹ cách cho bé ăn để tránh nôn trớ

BS. Lê Thị Hải,
Chia sẻ

(aFamily.vn) – Bác sĩ Hải sẽ hướng dẫn các mẹ cách cho bé hay bị nôn trớ ăn để hạn chế tình trạng này.

Chào bác sĩ! Tôi là Quốc Linh. Vợ tôi vừa sinh em bé được 3 tuần tuổi. Hiện chúng tôi đang cho bé bú cả sữa mẹ và sữa bột do sữa mẹ khá ít. Cân nặng của bé khi mới sinh là: 3.4kg. Cân nặng hiện tại là: 3.65kg. Bác sĩ có thể cho biết tốc độ phát triển của bé như vậy có bình thường không?

Thêm một số vấn đề khác nhờ bác sĩ tư vấn giúp:

- Bé hay bị nôn trớ trong khi bú. Có phải vì sữa của cữ trước không tiêu hóa được, nên đến cữ sau khi bú tiếp thì bé bị no và ọc ra không?

- Làm thế nào để bé nằm yên trong khi bú? Bé hay cựa quậy khó chịu trong lúc bú, lại hay vừa bú vừa đại tiện. Mà mỗi lần bé đại tiện là không chịu nằm yên, phải thay tã ngay bé mới chịu, trong khi đó lại đang bú, nếu đặt bé nằm xuống lại sợ bé nôn trớ. Tôi phải làm sao?

- Hiện chúng tôi đang cho bé bú thêm sữa ngoài, bé đại tiện ra phân khi khô, khi ướt, đôi khi có lẫn cả nước giống nước tiểu, nhưng tôi không nghĩ là bé bị đau bụng. Mẹ bé lo bé không tăng cân nên muốn đổi sang sữa khác. Theo bác sĩ trong trường hợp này việc đổi sữa có cần thiết và có vấn đề gì không?

Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ! (Nguyen Hoang Quoc Linh – nguyenhoangquoclinh...@gmail.com)

Hướng dẫn mẹ cách cho bé ăn để tránh nôn trớ 1
Nếu trẻ hay bị nôn trớ sau ăn, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân. (Ảnh minh họa)


Trả lời:

Bé đã gần 1 tháng tuổi mà tăng có 200g như vậy là quá ít. Bình thường tối thiểu 1 tuần cũng phải tăng 200g rồi, như vậy là do bé ăn chưa đủ hoặc do hấp thu kém.

Hiện tượng nôn trớ ở tuổi này là bình thường vì dạ dày của bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên bé rất hay nôn trớ, để giảm bớt tình trạng này cần chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ ăn 30- 40ml, có thể 1h lại cho ăn 1 lần.

Khi trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm. Những lúc cho trẻ bú bình thì lưu ý sao cho sữa ngập núm vú  bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày. 

Vợ chồng bạn cũng nên lưu ý tư thế khi bé nôn trớ nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bé nôn trớ khi nằm ngửa, chất nôn tràn vào phổi gây ngừng thở, đến khi người nhà phát hiện đưa bé vào viện thì bé đã tím tái , không còn cứu chữa được.

Ở lứa tuổi của bé đi ngoài 3 – 4lần/ ngày là bình thường, nhưng nếu đi liên tục, đi nhiều nước là bé bị tiêu chảy bạn nên đưa cháu đi khám bác sĩ, làm xét nghiệm phân để tìm nguyên nhân.

Về sữa thì hãy cố gắng cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt, khi thiếu mới nên ăn sữa ngoài, nếu sữa bé đang uống không lên cân, rối loạn tiêu hoá  thì bạn nên đổi sữa khác. Có nhiều bé do bất dung nạp đường lactose trong sữa, cũng gây rối loạn tiêu hoá, lúc đó cần dùng sữa  không có lactose.

Với trường hợp của con bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân nôn trớ và rối loạn tiêu hoá, nếu cứ để tình trạng này kéo dài bé sẽ bị suy dinh dưỡng.



Hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh khá phổ biến, tuy nhiên lại ít bà mẹ biết nguyên nhân nào khiến trẻ bị nôn trớ như vậy.
Hướng dẫn mẹ cách cho bé ăn để tránh nôn trớ 2
Chia sẻ