Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an: "Hiệp sĩ, họ đã lường trước được nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân"

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Liên quan đến băng nhóm cướp xe SH chém đội hiệp sĩ quận Tân Bình khiến 5 người thương vong đang gây hoang mang cho người dân, PV đã có cuộc phỏng vấn Trung tá, Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an.

"Nên tri ân họ"

PV: Ông đánh giá như thế nào sau vụ việc nhóm đối tượng trộm xe SH sau đó truy sát nhóm hiệp sĩ vừa xảy ra tại TP Hồ Chí Minh?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Trước hết thông qua phương tiện truyền thông, báo chí, tôi bày tỏ lòng tiếc thương, gửi lòng chân thành tới các hiệp sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp bình yên của cuộc sống. Tôi cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với những công dân tham gia vào quá trình truy đuổi, truy bắt tội phạm đã ngã xuống.

Qua đây tôi thấy rằng xã hội cần phải tri ân những người dân bình thường nhưng họ có lòng nghĩa hiệp. Họ đã xả thân vì sự nghiệp an ninh trật tự nói chung.

Được biết hoàn cảnh cá nhân gia đình hiệp sĩ có nhiều khó khăn, đây là lúc xã hội nên thể hiện sự tri ân của mình bằng những hành động cụ thể, có thể thông qua quyên góp, ủng hộ tài chính để giúp đỡ những gia đình những người bị nạn đỡ phần khó khăn, vơi bớt đau thương.

Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an: Hiệp sĩ, họ đã lường trước được nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn dẫn thân - Ảnh 1.

Trung tá Đào Trung Hiếu

Những người khi tình nguyện tham gia, hỗ trợ cơ quan chức năng thì họ đã lường trước được việc sẽ phải đối diện với hiểm nguy khi bắt giữ tội phạm. Trong đời sống hiện nay chuyện bị tội phạm chống trả, nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản là thứ có thể nhìn thấy trước mắt.

Thế nhưng, các hiệp sĩ họ dám đối mặt, dám bước qua để làm những điều như vậy vì cộng đồng tôi cho rằng đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp mà xã hội cần trân trọng.

Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an: Hiệp sĩ, họ đã lường trước được nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn dẫn thân - Ảnh 2.

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường

PV: Các đối tượng thường chuẩn bị hung khi và truy sát lại bị hại nếu bị tấn công ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Đây là vấn đề chung, có một đặc điểm tâm lý tội phạm rất phổ biến, đó là tội phạm rất sợ bị trừng trị. Chúng thừa biết hành vi của chúng vi phạm pháp luật, chống lại xã hội, đi ngược lại pháp luật do đó hành vi đó sẽ bị trừng trị nếu chúng bị bắt, đồng nghĩa sẽ phải gánh chịu pháp lý.

Do đó, bản năng tự vệ sẽ thôi thúc chúng thành hành động chống trả để triệt tiêu, bất cứ ai. Trong trường hợp hôm qua các "hiệp sĩ" dân phòng, "hiệp sĩ" những người dân nhưng nếu là lực lượng chức năng chúng cũng sẽ chống lại. Bất cứ ai đẩy chúng vào khả năng bị bắt là chúng sẽ chống lại. Đây là phản ứng tâm lý của tội phạm mọi người cần biết khi bắt tội phạm. Trong sự việc này, không ai nghĩ đối tượng lại chống trả quyết liệt như thế này. Người ta bắt rất nhiều vụ trộm cắp nhưng chưa xảy ra như vậy. Đối tượng trộm cắp bây giờ chúng đều mang theo hung khí nên rất nguy hiểm

Mọi người đều có quyền bắt tội phạm

PV: Các hiệp sĩ và người dân có được quyền bắt giữ tội phạm?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Tôi nhận rất nhiều ý kiến trái chiều sau vụ nhiều chiến sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ, tính pháp lý của vụ việc này ra sao, căn cứ pháp lý nào cho những người dân được bắt tội phạm?

Theo quy định 111 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại năm 2015, quy định về bắt người phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ tội phạm, đang thực hiện hay vừa thực hiện hành vi phạm tội.

Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an: Hiệp sĩ, họ đã lường trước được nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn dẫn thân - Ảnh 3.

Người dân Sài Gòn chưa hết hoang mang về sự việc

Do đó, những người dân tham gia vào tổ tội phạm họ hoàn toàn có quyền. Chuyện người dân dân tham gia vào câu lạc bộ phòng chống tội phạm như vụ việc vừa xảy ra tôi cho rằng rất cần thiết và thực sự cần thiết. Họ hoàn toàn có quyền tham gia hoạt động bắt tội phạm.

Trung tá Hiếu cho rằng cơ quan chức năng cần phải trang bị công cụ hỗ trơ cho các hiệp sĩ

Quy định rất rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự đó là việc được quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang thì việc bắt giữ tước vũ khí, khống chế đối tượng và dẫn giải đối tượng đến các cơ quan đến thẩm quyền giải quyết chứ họ không được phép dùng vũ lực để đánh đập hay giết hại, làm chết người bị bắt. Nếu thực hiện hành vi vượt quá quy định của pháp luật thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà người đó đã phạm phải.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hành vi các đối tượng?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Chúng tôi mong muốn lực lượng chức năng khẩn trương bắt giữ được nhóm đối tượng này. Hành vi của chúng không dừng lại ở trộm cắp tài sản khi bị lực lượng dân phòng chúng chống trả quyết liệt, hành vi giết người đã cấu thành.

Nếu đối tượng chống trả để thoát thân thì là hành vi cướp của giết người. Nhưng nếu hành vi chống trả mang tang vật đi đó là hành vi cướp của, trong trường hợp này đây là vụ trọng án giết nhiều người.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ