Chuyên gia tâm lý Mỹ mách mẹ cách ngăn chặn tật xấu của con

Hoài An,
Chia sẻ

Phần lớn phụ huynh đều phải đối mặt với cơn cáu kỉnh, không thích vâng lời của con. Chính tật xấu này luôn khiến cha mẹ mệt mỏi, chán nản và trừng phạt nặng tay.

Để chặn đứng tật xấu của bé từ trứng nước, có thể tham khảo gợi ý của Elizabeth Pantley (Chuyên gia tâm lý Trẻ em Mỹ):

1. Giải quyết vấn đề trước khi hành vi xấu xuất hiện

Thông thường, cơn cáu kỉnh của bé có nguyên nhân từ sự thất vọng (do yêu cầu không được đáp ứng) hoặc chống đối (do không thích mệnh lệnh của cha mẹ). Cha mẹ thiếu kiên nhẫn với cơn “ỉ ôi” kéo dài kèm theo nên dễ bị kích động. Chính thái độ này của phụ huynh khiến các bé ứng xử theo cách tiêu cực hơn.

Đặt nguyên tắc cho con là tốt nhưng bên cạnh đó, cần tạo môi trường thoải mái cho con. Một trong số những yếu tố đẩy bé tới hành vi khó chịu là đói, mệt mỏi, buồn bực, bị kích thích quá.... Nếu phát hiện được lý do núp dưới cơn giận dữ, bạn có thể ngăn chặn trước khi nó “nở rộ”.

Chuyên gia tâm lý Mỹ mách mẹ cách ngăn chặn tật xấu của con 1

2. Cho bé chọn lựa

Cho con lựa chọn và quyết định là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa tâm trạng khó chịu của con. Cách làm thật đơn giản. Bạn hãy dùng yêu cầu trực tiếp; chẳng hạn, thay vì nói: “Mặc quần áo vào”, thử nhẹ nhàng: “Con muốn làm việc gì trước? Mặc quần áo hay đi đánh răng?”…

3. Trò chơi hợp tác

Các bé thích nhìn cuộc sống như một trò chơi; vì vậy, sao bạn không thử tận dụng ưu thế này? Hãy chuyển bất cứ mệnh lệnh nào của bạn thành một trò chơi. Một số trò chơi chỉ diễn ra một lần nhưng một số trò khác sẽ trở thành thói quen tốt. Bé thường không mấy hứng thú khi mẹ yêu cầu: “Nhặt đồ chơi rồi bỏ vào giỏ” nhưng lại thích ngay nếu bạn nói: “Mẹ cá là mẹ có thể nhặt hết những chiếc xe màu xanh trước khi con nhặt những chiếc màu đỏ. Chuẩn bị nhé. Bắt đầu”.

Tương tự, thay vì bạn nói nghiêm nghị: “Bỏ đồ chơi xuống và ngồi vào bô ngay”, hãy tạo không khí vui vẻ: “Đến giờ ngồi bô rồi. Mẹ con mình cùng ngồi bô và chơi nhé”. Những trò chơi đơn giản còn có tác dụng thay đổi ngôn ngữ của mẹ và nhờ vậy, bé dễ tiếp thu và bớt cáu kỉnh hơn.

4. Hát một bài

Bạn có thể sáng tác những bài hát đặc biệt và dùng chúng khi cùng bé làm việc nhà như bài hát lúc lau nhà, khi thu dọn đồ chơi, bài hát cho lúc mặc áo, khi tập vẽ…

5. Kể một câu chuyện

Các bé rất yêu thích những câu chuyện. Câu chuyện có thể thu hút sự chú ý của bé và từ đó, bé sẵn lòng làm những gì mẹ yêu cầu. Tránh kể những câu chuyện buồn chán, không mang ý nghĩa giáo dục. Câu chuyện cần giúp bé phán đoán tình huống sắp xảy ra hoặc ca ngợi những đức tính tốt của bé. Có thể kể câu chuyện bạn Thỏ con đến ăn tối nhà bà ngoại, cách bạn Thỏ nói cảm ơn bà và bà ngoại rất tự hào vì bạn đó.

Chuyên gia tâm lý Mỹ mách mẹ cách ngăn chặn tật xấu của con 2

6. Vờ ngốc nghếch

Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc thì không thể giúp con phòng tránh cơn cáu kỉnh. Hãy hài hước hơn, giả vờ như bạn bị ngã, nói cường điệu và những tình huống vui vẻ khác; giả vờ đi nhầm tất chân vào tay của bé khi mặc quần áo… Những tiếng cười làm bé khao khát được hợp tác cùng mẹ hơn.

7. Cho bé vài lời cảnh báo

Với các bé, thật khó chịu khi bị mẹ bắt phải chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Khi bé đang ở giữa một trò chơi thú vị mà bị mẹ gọi đi ăn cơm thì ít bé nào ngay lập tức ngừng trò vui và chạy tới bàn ăn. Bạn có thể giúp bé thay đổi hoạt động bằng cách giúp bé chuẩn bị tinh thần cho hoạt động khác. Nếu muốn gọi bé đi ăn, cần cảnh báo điều đó trước 5 phút; sau đó là 3 phút và 1 phút.

8. Dùng từ khẳng định

Những từ mang nghĩa phủ định mà cha mẹ ưa dùng là: “không”, “đừng” hoặc “dừng lại”… Điều đó là cần thiết nhưng tất nhiên, chúng không giúp bé chấm dứt mắc lỗi. Không những thế, nếu dùng từ kiểu đó thường xuyên thì vấn đề càng nghiêm trọng hơn, bé dễ cáu và thích làm ngược với ý của mẹ.

Hãy tiết kiệm những từ phủ định trong trường hợp cần thiết. Thay vào đó, bạn có thể dùng từ mang nghĩa khẳng định như: “Con có muốn…” hoặc “con thích…”. Cần nói với bé những điều bé thích chứ không phải ghét. Cũng có thể giải thích thay vì cấm đoán; ví dụ, bạn không nói: “Đừng nhảy lên ghế” mà hãy giải thích: “Ghế là để ngồi đấy. Con ngồi trên ghế nhé. Lát nữa mẹ đưa con ra ngoài rồi nhảy”.



Chia sẻ