Hà Nội có nhiều ngày ô nhiễm hơn hẳn TP.HCM do có mùa đông

Chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình,
Chia sẻ

Sự thực có phải Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới hay không? Vì sao có những ngày chỉ sau một cơn mưa thì chỉ số chất lượng không khí Hà Nội chuyển thành xanh (tốt) ngay?

Lời giới thiệu: Trong tháng 9, tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM có nhiều ngày lên đến mức nguy hiểm cho sức khỏe. Thậm chí đã có những thông tin cho rằng Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới.

Sự thực có phải Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới hay không? Vì sao có những ngày chỉ sau một cơn mưa thì chỉ số chất lượng không khí Hà Nội chuyển thành xanh (tốt) ngay? Vì sao TP.HCM có nhiều khu công nghiệp, dân số và lượng xe cộ cũng đông hơn nhiều Hà Nội lại có chỉ số không khí tốt hơn?

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình từ Hà Nội. Ông là cử nhân ngành Hóa dầu tại Liên Xô và Thạc sĩ ngành Kỹ thuật môi trường, học viện Công nghệ châu Á (AIT). Ông làm tư vấn cho các dự án môi trường.

Chuyên gia môi trường giải thích các nguồn gây ra ô nhiễm không khí, một trong số đó là thời tiết - Ảnh 1.

Chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình.

Không phải chỉ dân ta thấy Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới mà các công dân Bangkok, Seoul, Bắc Kinh, Ulanbatar, Jakarta... cũng thấy họ ô nhiễm nhất.

Câu hỏi ở chỗ: Ô nhiễm nhất là ở thời điểm nào và dựa trên bảng xếp hạng của ai. Chuyện này cũng giống như một dạo Việt Nam được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới. Muốn xếp kiểu gì cũng được.

Nhưng ở Hà Nội trong đợt cuối tháng 9 và trước đó ở TP Hồ Chí Minh thực sự có vấn đề về ô nhiễm không khí.

Các tác nhân gây ra ô nhiễm: Khí, bụi, vi khuẩn và nhiệt

Ô nhiễm không khí bao gồm nhiều tác nhân như khí ô nhiễm (SO2, NOx, CO...), bụi, vi khuẩn và nhiệt. Các nguồn phát sinh ra các chất ô nhiễm trên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bao gồm phương tiện giao thông, đun nấu, xây dựng, bụi bốc từ đường phố, hoạt động công nghiệp trên địa bàn thành phố, các hoạt động ngoài địa bàn thành phố và tự nhiên.

Các hoạt động trên địa bàn thành phố đóng góp chủ yếu cho hàm lượng chất ô nhiễm không khí trong thành phố, tuy mỗi thời điểm tỉ lệ có khác nhau nhưng luôn trên 50%.

Các hoạt động ngoài địa bàn thành phố hay còn gọi là nguồn vận chuyển từ xa đến cũng hết sức phong phú, bao gồm hoạt động công nghiệp thường xuyên, hoạt động nông nghiệp thường xuyên và không thường xuyên.

TP.Hồ Chí Minh có hoạt động cảng với tàu bè tấp nập phát ra bụi khác hẳn Hà Nội. 

Đợt vừa qua mọi thứ ầm ĩ vì nghi ngờ đốt rơm rạ xung quanh đã đóng góp vào ô nhiễm không khí ở Thủ đô. Thậm chí một phần bụi cháy rừng ở Indonesia đã đi rất xa để đến được TP Hồ Chí Minh. Những nguồn đó có khoảng thời gian tác động ngắn chỉ vài ngày đến chất lượng không khí. Nguồn bụi tự nhiên còn bao gồm bụi từ biển do những hạt muối và bụi từ thực vật với hàm lượng rất nhỏ.

Riêng nguồn vi khuẩn thì rất gần, chỉ là cái hắt hơi của một nhân viên trong phòng làm việc đã đủ vi khuẩn cúm "dùng cho cả phòng". Cho đến nay, tác nhân vi khuẩn trong không khí gây tác hại trực tiếp nhất, thậm chí lo lắng nhất ví dụ như dịch SARS chẳng hạn. 

Mỗi người hàng năm có thể không phải đi khám bệnh lần nào do bụi PM2.5 nhưng hầu như đều dính bệnh cúm một vài lần mà môi trường phát tán chính là không khí chứa những hạt nước và bụi chứa trong đó vi khuẩn. Nhưng, vi khuẩn lại dễ bị tiêu diệt khi ở ngoài trời.

Chuyên gia môi trường giải thích các nguồn gây ra ô nhiễm không khí, một trong số đó là thời tiết - Ảnh 2.

So sánh chỉ số bụi mịn Hà Nội và TP HCM 2017 (Nguồn: Đào Nhật Đình)

Mùa Đông khiến Hà Nội có nhiều ngày trong tình trạng "tím ngắt"

Trái với suy nghĩ của nhiều người, nguyên nhân gây ô nhiễm không chỉ bao gồm các nguồn phát sinh ra tác nhân ô nhiễm như ở trên mà còn phụ thuộc vào thời tiết và mùa. Sự phụ thuộc vào thời tiết mạnh đến mức nhiều khi lu mờ cả nguồn phát sinh.

Trong những ngày gió lặng (dưới 2 m/s) và bị nghịch nhiệt, hầu như không cần thêm nguồn phát sinh bụi nào ngoài nguồn nội sinh thì cả thành phố Hà Nội lần TP Hồ Chí Minh đều có hàm lượng bụi trong không khí cao hơn mức cho phép. Cả hai thành phố sản xuất ra lượng bụi tương đương nhau, thậm chí TP Hồ Chí Minh phát sinh nhiều hơn do xe cộ nhiều hơn.

Tuy nhiên, do địa hình và vị trí khá đặc biệt, Hà Nội có nhiều ngày ô nhiễm hơn hẳn TP Hồ Chí Minh. Còn bụi ở TP Hồ Chí Minh phần lớn thời gian được gió và không khí đối lưu khuếch tán lên cao và gió đẩy ra ngoài, hòa loãng đủ để ở mức thấp.

Đối lưu là hiện tượng không khí sát mặt đất nóng hơn và bốc thẳng lên cao, hòa loãng khí ô nhiễm. Còn gió thì không cần giải thích cũng thấy được chức năng hòa loãng ô nhiễm. Vào những ngày trời đêm ít mây, gió lặng, mặt đất nguội đi nhanh hơn không khí thì điểm ô nhiễm cao nhất rơi vào lúc sáng sớm vì cả hai phương pháp hòa loãng đều không làm việc. Thời gian Hà Nội bị như vậy nhiều hơn hẳn TP Hồ Chí Minh.

Những đợt ô nhiễm không khí vào mùa đông ở Hà Nội kéo dài cả tuần, thường là sau khi kết thúc một đợt gió mùa Đông Bắc và chuẩn bị đón đợt gió mùa mới. Những đợt đó người Hà Nội đeo khẩu trang che kín mặt, trước là vì rét, nay là chống bụi. Những khẩu trang xe máy to tướng chỉ ngăn được một ít bụi mịn nay có vẻ sẽ phải nhường chỗ cho những khẩu trang chuyên chống bụi mịn đã có bán khắp nơi. Tất nhiên là giá khác.

Chuyên gia môi trường giải thích các nguồn gây ra ô nhiễm không khí, một trong số đó là thời tiết - Ảnh 3.

So sánh chỉ số bụi mịn Hà Nội và TP HCM 2018 (Nguồn: Đào Nhật Đình)

Đồ thị dựa trên số liệu đo đạc ở trạm Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh, quy về trung bình tháng, cho thấy hai năm 2017, 2018 ở TP Hồ Chí Minh không có tháng nào vượt quy chuẩn Việt Nam, trong khi Hà Nội năm nào cũng có ba đến bốn tháng mùa đông có hàm lượng bụi trung bình tháng vượt quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam về không khí xung quanh.

Máy của Hoa Kỳ lại tính AQI theo mức chuẩn của Hoa Kỳ là 35 micrgram/m3 so với 50 microgram/m3 của Việt Nam nên những ngày vượt theo AQI của sứ quán và lãnh sự quán còn nhiều hơn nữa.

Đồ thị đó cũng cho thấy cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có mức ô nhiễm không khí cao hơn vào mùa đông so với mùa hè. Đó thuần túy là quan sát và thống kê được, còn để giải thích hiện tượng đó đã có rất nhiều nghiên cứu mà chưa đưa ra được lý do thuyết phục nào chung cho cả hai thành phố. Mỗi thành phố có những đặc điểm riêng và những đặc điểm đó mang tính thời điểm nên đi tìm một lời giải thích chung gần như bất khả thi.

Chỉ riêng việc xem trong thời điểm như cuối tháng 9/2019 vừa qua ô nhiễm ở Hà Nội có bao nhiêu phần trăm là do đốt rơm, bao nhiêu do giao thông, bao nhiêu do thời tiết cũng đã không lý giải nổi. Bởi vì đóng góp của rơm chỉ về chiều tối, trong khi đóng góp của giao thông lại là ban ngày, đóng góp của thời tiết lại thay đổi hàng giờ. Ngoài ra lượng khí phát thải từ đốt rơm hay giao thông lại tiếp tục phát sinh lượng bụi thứ cấp không hề nhỏ. Cho đến nay chúng ta chưa nghiên cứu được về quá trình sản sinh bụi thứ cấp trong dòng chảy thời gian và thời tiết.

Giải pháp?

Nếu bàn đến giải pháp chúng ta thấy ngay là chúng ta chỉ có thể giảm nguồn phát chứ không thể tác động đến thời tiết. Chúng ta cần có hệ thống quan trắc tốt hơn. Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí ban hành năm 2016 cũng nhằm vào các nguồn phát sinh. Việc Kế hoạch Hành động 2016 chỉ đặt ra chỉ tiêu đối với các nguồn thải lớn cũng hợp lý vì sức của chúng ta mới chỉ đến đó.

Điểm lại, hai thành phố lớn đều đã làm được một số việc cụ thể như loại bỏ nhà máy điện than, di chuyển nhà máy công nghiệp có lò hơi ra khỏi địa bàn, rửa bánh xe tải trước khi ra khỏi công trường, dẹp bớt bếp than tổ ong, nâng chuẩn khí thải từ lúc chưa có gì qua Euro 2 và nay là Euro 4...

Những bước tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều vì nó động đến các nguồn phi tập trung, là công ăn việc làm của hàng triệu dân và động đến những điểm yếu của nền kinh tế mà quan trọng nhất là ngân sách.

Việt Nam không thể có kế hoạch giảm ô nhiễm khả thi như Trung Quốc vì thu nhập đầu người của Việt Nam còn kém xa Trung Quốc.

Nhìn sang Bangkok, Thái Lan chúng ta có thể thấy họ đã áp dụng những gì chúng ta mơ ước: chuyển nhiều xe chạy dầu và xăng sang chạy khí tự nhiên hay LPG. Họ đã xây được ba tuyến đường sắt đô thị mà lúc nào cũng đông cứng người đi, hàng triệu người đã bỏ phương tiện cá nhân để dùng phương tiện công cộng. Họ đã loại bỏ hoàn toàn đun nấu than. Họ chủ yếu phát điện bằng khí đốt và thủy điện (mua của Lào). Thế nhưng ô nhiễm không khí không giảm. Nhìn thế để thấy việc giữ cho ô nhiễm không tăng đã là thành công và nhận định đường đi đến không khí sạch còn rất dài.

Chia sẻ