Chuyên gia gợi ý cách ứng xử giúp bố mẹ bớt to tiếng và quát tháo con

Chan,
Chia sẻ

Việc to tiếng có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ phụ thuộc vào độ thường xuyên và mức độ nghiêm trọng trong lời quát nạt của cha mẹ.

Một bà mẹ 2 con tâm sự: "Năm ngoái là thời gian cực kỳ căng thẳng của tôi bởi công việc và cả chuyện gia đình và tôi đã gặp bao rắc rối không đáng có với chúng. Gần đây, tôi đã tới một buổi hội thảo cha mẹ, họ đã mô tả những hậu quả mà to tiếng có thể gây ra với các con và điều đó đã làm tôi nghĩ lại về cách cư xử của mình.

Con gái lớn của tôi có vẻ không quá bận tâm khi tôi to tiếng và cứ nói một câu nó đáp trả một câu. Có lẽ tính con bé khá giống tôi. Nhưng con trai nhỏ của tôi nhạy cảm hơn rất nhiều và tôi biết thằng bé rất buồn mỗi khi tôi to tiếng. Con trai tôi từng vẽ một bức tranh gia đình và trong bức tranh nó vẽ tôi đang la hét. Tôi cảm thấy thật áy náy.

Tôi đã làm tổn thương thằng bé phải không? Tôi cũng đang cố hết sức để bình tĩnh hơn nhưng hầu như việc tôi quát con vẫn tái diễn, dù tôi là người thừa nhận mình không hoàn hảo trước. Liệu có lời khuyên nào cho vấn đề của tôi không?".

Chuyên gia gợi ý cách ứng xử giúp bố mẹ bớt to tiếng và quát tháo con - Ảnh 1.

Con trai tôi từng vẽ một bức tranh gia đình và trong bức tranh nó vẽ tôi đang la hét (Ảnh minh họa).

Trước khi bàn đến việc cần giải quyết mâu thuẫn gia đình một cách bình tĩnh thì chúng ta đều biết rằng làm cha mẹ là một "công việc" nhiều áp lực và hầu hết cha mẹ cảm thấy bực mình, to tiếng với con.

Việc to tiếng có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ phụ thuộc vào độ thường xuyên và mức độ nghiêm trọng trong lời quát nạt của cha mẹ. Nhưng đôi lúc vài lời quát nạt có thể không gây hại chút nào mà thậm chí lại rất ích lợi.

Tuy nhiên, những lần to tiếng thường xuyên và quá mức sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của bé cũng như tình cảm giữa cha mẹ và các con.

Tiến sĩ John Sharry - một nhà công tác xã hội và nhà tâm lý trị liệu, đồng phát triển các chương trình Parents Plus đã phân tích cho các bố mẹ hiểu được cụ thể tác động của những lời quát tháo tới trẻ nhỏ và gợi ý cách ứng xử thông minh:

Chuyên gia gợi ý cách ứng xử giúp bố mẹ bớt to tiếng và quát tháo con - Ảnh 2.

Áp lực của việc làm cha mẹ khiến bố mẹ dễ nổi cáu với con (Ảnh minh họa).

"Tình thương mến thương"

Điều quan trọng nhất trong một gia đình chính là tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Nếu phần lớn thời gian bạn yêu thương, gần gũi với các con, thì đôi lúc bạn có nóng nảy hoặc la ó không phải là điều gì quá tệ. Thi thoảng, việc bạn to tiếng có ích cho trẻ, nó giúp trẻ thấy cha mẹ chúng như những người bình thường, cũng có lúc bực bội, cũng buồn rầu. Điều này sẽ giúp chúng cảm thấy ổn hơn khi chúng cũng có cảm xúc tức tối hoặc tự mình gây ra lỗi nào đó.

Thêm nữa, nếu bố mẹ biết tự mình chịu trách nhiệm với cảm xúc và thái độ của mình, biết nói lời xin lỗi con, bố mẹ sẽ tự nhiên trở thành những hình mẫu lý tưởng cho con trẻ, để trẻ học cách kiểm soát cơn giận của mình cũng như kiềm chế khi xung đột.

Giúp con giải quyết

Như người mẹ trên đã phát hiện ra: con trai tiếp nhận cơn giận của cha mẹ một cách khác biệt. Còn con gái chị có cá tính giống mẹ, cô bé có thể cãi lại và tự phòng vệ khi con bé thấy mẹ cáu với nó.

Nghĩa là cuộc xung đột ở đây có vẻ cân bằng hơn và cô bé có thể không tiếp nhận những tiêu cực mà người mẹ đã nói. Tuy nhiên, con trai có vẻ nhạy cảm hơn và dễ bị tổn thương hơn, thằng bé để bụng những lời tiêu cực của mẹ.

Để giúp con trai đối mặt với vấn đề này, người mẹ cần giúp thằng bé hiểu rõ cơn giận của mẹ không hề nhằm vào bé và động viên bé bộc lộ bản thân với mẹ nhiều hơn. Ví dụ, người mẹ có thể theo dõi thái độ con trai sau khi nói với con: "Mẹ xin lỗi vì đã bực mình, chỉ là chúng ta đang rất vội tới trường" rồi động viên cậu bé nói ra tâm trạng của mình. Hãy để thằng bé nói ra những gì mình nghĩ và tự khẳng định mình nếu cần. Có lẽ thằng bé sẽ nói rằng: "Thật không công bằng khi mẹ đổ lỗi cho con" hoặc "Con không thích to tiếng",... Cố gắng kết thúc những xung đột sau này bằng một cái ôm và nhắc thằng bé nhớ rằng bạn luôn yêu thương nó.

Khuyến khích con thể hiện cảm xúc nhiều hơn và lắng nghe con hơn sẽ giúp trẻ rất nhiều và có thể hàn gắn, chữa lành những tổn thương không đáng có trong những lần mẹ to tiếng.

Chuyên gia gợi ý cách ứng xử giúp bố mẹ bớt to tiếng và quát tháo con - Ảnh 3.

Chọn nói ra cảm xúc của mình cho con hiểu hơn là thể hiện bằng hành động (Ảnh minh họa).

Ngăn chặn các cuộc xung đột

Song song với việc trò chuyện và dung hòa những lần cãi cọ, điều đầu tiên cần chú ý đó là giảm tối đa số lần cáu gắt. Để làm điều này, bố mẹ cần phải suy nghĩ về những tình huống nào đã khiến mình tức giận và thực hiện từng bước để giải quyết những vấn đề đó. Ví dụ, nếu vội vã vào buổi sáng sớm khiến bạn bực mình thì bạn có thể thiết lập một lịch biểu hợp lý hơn, như vậy bạn sẽ có nhiều thời gian hơn. Hoặc nếu bạn để ý rằng bạn rất mệt mỏi vào cuối ngày do bị quá tải, bạn có thể sắp xếp lại một ngày để mình bớt bận rộn hơn hoặc có thể nghỉ ngơi 15 phút để xốc lại tinh thần trước khi bản thân bị căng thẳng quá mức.

Điều quan trọng là chủ động và thay đổi các quy trình làm việc để bố mẹ tránh được những vấn đề tương tự xảy ra hết lần này tới lần khác.

"Có kế hoạch tác chiến"

Cũng sẽ rất hiệu quả nếu bạn vạch ra một kế hoạch cụ thể để vượt qua những áp lực thường thấy của các bậc cha mẹ. Mục đích là để có nhiều phương án hơn, chúng sẽ cho phép bạn đối phó với các thử thách như sự nóng giận, hành vi không tốt và dần giúp bạn dần bình tĩnh hơn.

Ví dụ: Bạn có thể tạm dừng và hoãn lại tình hình một chút khi nhận thấy cảm xúc sắp bùng nổ hoặc có thể nói với trẻ cảm xúc hiện tại của mình hơn là thể hiện bằng hành động: "Nhìn này con, mẹ bắt đầu mất bình tĩnh rồi, ta nên dừng lại và bình tĩnh một chút".

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các biện pháp có hiệu quả hơn việc nổi cáu: "Hoặc là con hãy giúp mẹ thu dọn đồ đạc, còn không thì sẽ không được xem TV nữa" hay "Khi hai con biết chia sẻ với nhau thì lúc đó mới được động vào đồ chơi "...

Nguồn: The Irish Time

Chia sẻ