Ngán vì mẹ chồng “biếng việc nhà, chăm việc xóm”

Nguyễn Hằng,
Chia sẻ

Chị xót xa nhìn mẹ chồng hăm hở lội mưa gió đi công tác xã phường.

Không phải người ta cứ mang chuyện mẹ chồng nàng dâu ra để xoáy sâu và làm cho khoảng cách đó ngày càng lớn mà đơn giản rằng “không có lửa làm sao có khói”. 

Sinh ra trong một gia đình trí thức, Ngọc Quỳnh được mẹ dạy bảo cẩn thận từng tình huống ứng xử khi về nhà chồng. Nhưng có một điều mà cả Quỳnh và mẹ đều không lường trước được là chị có một bà mẹ chồng … “không được bình thường”. Và chị chưa hề có được sự chuẩn bị nào để “đối phó” với tình huống dở khóc dở cười này. 

Bà Nga, mẹ chồng chị chẳng bận tâm đến bất cứ chuyện gì. Mối lo lắng duy nhất của bà là “có gì ăn cho sướng miệng”, “có quần áo mới để thay đổi” và bà thích đi họp. Bà cứ ngỡ mình là cán bộ về hưu, "ta đây thiên hạ". Thế là bà đăng ký hết làm chức này đến làm chức nọ ở phường xã. Người ta ới bà từ việc đi quét rác đầu ngõ đến phát 200 cái thiếp mời họp này nọ cho từng hộ gia đình. 

Bà luôn tự hào kể, trước vì làm trưởng phòng này nọ nên bây giờ "ai giao cho việc gì, bà cũng làm được hết" (Ảnh minh họa)

Chị xót xa nhìn mẹ chồng hăm hở lội mưa gió đi công tác xã phường. Từ ngày ở với mẹ chồng, chưa bao giờ mẹ giúp vợ chồng chị một việc gì trong gia đình. Từ việc lớn đến việc bé, Quỳnh đều phải lo lắng, thu xếp. Hai vợ chồng đi làm về muộn, nhưng mẹ chồng chị vẫn cứ ung dung… hết "công tác" đến ngắm trời ngắm đất. 

Đi làm về, Quỳnh lại tất tả đi chợ nấu cơm. Có lần, chị quên mua hành, chi nhờ mẹ chồng trông hộ ấm nước để ra chợ, đến lúc về thì ấm đã cháy thành than, trong khi bà thì đang ngồi kỳ cụi lạch cạch máy tính viết "báo cáo báo mèo" hộ hàng xóm.

Bà luôn tự hào kể, trước vì làm trưởng phòng này nọ nên bây giờ "ai giao cho việc gì, bà cũng làm được hết". Rồi, một đợt mẹ chồng chị gầy rộc đi, con trai cả của bà cứ vặn vẹo thằng em: "Chú bắt bà làm việc nhà quá sức hay sao mà bà lại xanh xao thế này?" 

Anh đâu có biết, đêm nào bà cũng lọ mọ viết hết báo cáo này đến báo cáo khác cho tổ dân phố. Bà đang tranh chức tổ trưởng tổ dân phố và chủ tịch hội phụ nữ... Nhìn bà say sưa "công tác" mà chẳng để ý tới sức khỏe, nhiều khi vợ chồng Quỳnh bực bội nhưng chẳng biết làm gì!

Đã thế, mẹ chồng chị lại hay gợi ý các con mua hoa quả, bánh trái, thậm chí cả quần áo để biếu hàng xóm, biếu "đồng nghiệp" tại khu dân cư của mẹ. Thời gian đầu, chị cũng chiều ý mẹ chồng, nhưng dần dần, chị cảm thấy mình như kiệt sức đâm ra cáu bẳn. 

Nhớ lời mẹ dặn trước khi đi lấy chồng, chị đành ngậm ngùi nín nhịn, không dám "ý kiến ý cò" mẹ chồng nửa lời. Duy chỉ có điều, khi bạn bè kể có mẹ chồng chu đáo, hay nhìn cảnh mẹ chồng nàng dâu ấm áp thuận hòa, nỗi tủi thân trong chị lại dâng lên. Chị thầm mơ mộng: “ước gì…” 

Bỗng một ngày, mẹ chồng Quỳnh thủ thỉ: “Dạo này ở khu mình hay có trộm cắp lắm. Họ chỉ nhăm nhe vào mấy cái đám cưới. Tý nữa các con kiểm tra xem được bạn bè mừng bao nhiêu rồi vàng bạc gì đưa mẹ cầm giúp, lúc nào cần thì ới một tiếng là mẹ đưa ngay. Thôi thì cứ cẩn tắc vô áy náy con ạ!”.

Thấy mẹ chồng quan tâm như vậy nên không suy nghĩ gì nhiều, sau bữa cơm tối, hai vợ chồng chị đưa 50 triệu cùng cái vòng, cái nhẫn vàng nhờ bà cầm hộ. Rồi khi đến ngày sinh nở, chị xin mẹ lại một nửa số tiền để chuẩn bị đồ đạc trong phòng cho em bé. Chị tá hỏa khi bà ráo hoảnh: “Mẹ cho mấy bà hàng xóm mượn rồi. Mấy bà ý đang muốn kinh doanh nên mẹ có ít góp ít. Mẹ dù gì cũng là cán bộ có tiếng. Không cho vay, thể diện đâu nữa mà dòm mặt mọi người”…

Đến nước này, chị chẳng biết phải thế nào... 
Chia sẻ