Câu chuyện về người mẹ mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng

Song Trà,
Chia sẻ

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, hãy cùng lắng nghe câu chuyện đầy trắc trở và thương đau của một người mẹ - người nữ chiến sỹ anh dũng thời kháng chiến chống Mỹ.

Chiến tranh đi qua để lại nhiều vết thương, trở thành những miền ký ức ẩn sâu trong tâm khảm nhiều người dân Việt. Và ký ức thuở chinh chiến ấy cứ âm ỉ trong trái tim của một người phụ nữ. Tất cả sự đau đớn, mất mát hiện rõ từng nét trong lời kể, trên khuôn mặt của người mẹ mất đi một cánh tay lúc đang mang thai ở tháng thứ bảy.

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 1.

Cụ bà Lưu Thị Phương (92 tuổi)

Tham gia hoạt động ở xưởng dệt Ba Tâm từ những ngày còn là thiếu nữ. Đến năm 1949, bà được kết nạp Đảng tại đơn vị.

Năm 1950, bà đi học trường Đảng Lê Hồng Phong, sau đó trở về làm quản lý của một đơn vị thời chiến. Tuy nhiên, sau khi mất một cánh tay, không thể tham gia các hoạt động khác nên bà trở về nhà chăm sóc gia đình và xin ra khỏi Đảng. Do mọi giấy tờ đều bị thất lạc nên hiện nay bà không nhận được chế độ trợ cấp nào.

Ngoài người con đã mất, bà Phương có ba người con trai, hiện cụ đang sống cùng con trai út tại thôn 8, Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Giữa gian nhà gạch nóng rát của những ngày cuối hạ, tôi nghe cụ bà Lưu Thị Phương (92 tuổi) kể về câu chuyện xảy ra với mình 66 năm trước. Quá khứ ùa về, đôi mắt mờ ẩn sau chiếc kính đen vẫn không thể che được những dòng nước mắt của bà. Tất cả sự đau đớn, mất mát hiện rõ từng nét trong lời kể, trên khuôn mặt của người mẹ mất đi một cánh tay lúc đang mang thai những tháng cuối.

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 3.

Giữa năm 1954, chuyến đò đưa người dân đi đóng thuế ở bến Xuân Sơn (Quảng Bình) đã bị chìm ngay giữa dòng sông Son bởi đạn bom của giặc Mỹ. Chúng bắn trúng hai chiếc đò chở hơn 20 người từ miền xuôi lên đóng thuế. Khi nghe tiếng máy bay tới sát, những người đàn ông trên đò nhảy xuống rào, để lại ba người phụ nữ cuống cuồng tìm lối thoát giữa chiến trường loạn lạc.

Sau phát súng của giặc, một chiếc đò chìm hẳn còn một chiếc cạnh bờ mới ngập một nửa. Trên chuyến đò kia, ít ai biết có một người phụ nữ đang mang thai bảy tháng.

Chuyến đò Xuân Sơn năm ấy chỉ còn vài người sống. Lúc tỉnh lại giữa cơn bão bom, bà kể rằng chỉ thấy xung quanh mình tràn ngập nước, máu và thóc. Người phụ nữ 27 tuổi sắp đến kỳ sinh nở đã nghĩ đến cái chết, ngay khi biết cánh tay trái của mình không còn. Bởi bà lo rằng, những ngày tháng tiếp theo không biết sẽ sống như thế nào với cơ thể chỉ còn một cánh tay.

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 4.

Bà Phương gầy guộc, lòng quặn thắt khi nhắc lại kỷ niệm chiến trường năm ấy

Nhưng, tình mẫu tử đã không cho phép bà trốn thoát khỏi hiện tại. Nghĩ về đứa con đang lớn dần trong cơ thể, trong cụ lại ánh lên niềm tin. Bà biết mình và con sẽ sống!

“Nhiệm vụ của người mẹ là bảo vệ con, thế nên lúc đó dù bản thân có ra làm sao mệ vẫn cố gắng đến cùng để làm tròn sứ mệnh mà tạo hóa đã ban tặng cho mình. Đến bây giờ nghĩ lại nếu lúc đó sinh con xong mình có chết mệ cũng cam lòng.”

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 5.

Sau khi cố gắng thoát khỏi chiếc đò đang dần ngập sâu hơn, bà đỡ cánh tay sắp rơi của mình và nhìn xung quanh để tìm kiếm sự giúp đỡ. Thế nhưng, nhìn cảnh tượng ghê rợn ấy, chẳng ai dám giúp đỡ dù thương xót. Vai trò của một người mẹ không cho phép bà gục ngã, tiếp tục tìm kiếm sự sống cho mình và đứa con chưa kịp chào đời.

Mất cả một buổi sáng để tìm đường vào trạm xá, bà đến nơi khi cơ thể gần như đã nhũn. Tình trạng vô cùng nguy cấp nhưng cụ vẫn chưa được chữa trị, bởi máy bay bắt đầu áp sát trạm. Nằm trên chiếc băng ca ở hành lang bệnh xá theo lời chỉ dẫn của cô y sĩ, bà bắt đầu thấy đau ở vết thương, cái thai cũng dần khó chịu. Thi thoảng, bà nghĩ đứa con đã chết ở trong.

Giặc Mỹ di chuyển địa điểm bắn khỏi trạm cũng là lúc bà bắt đầu được đưa vào chữa trị. Cô y sĩ cắt bỏ hoàn toàn cánh tay trái là khi bà chìm vào những cơn mê sảng, sốt cao…

Câu chuyện đứt đoạn. Thân mình gầy gò của bà trở nên run rẩy. Dường như bao nhiêu nỗi sợ hãi của quá khứ lại ùa về với bà.

“Đây là cháu muốn kể nên mệ (*) mới kể, chứ bình thường mệ không kể vì sợ lắm, đau lắm…”, bà Phương khẽ nói.

Tỉnh dậy sau cơn mê, bà không tin đó là sự thật. Máu vẫn chảy, những hạt thóc rơi vào vết thương cứ thế nhú mầm xung quanh. Lúc ấy, chồng đang ở chiến trường, chưa rõ sống hay chết. Lá thư nhờ người viết hộ gửi ra mặt trận mãi không có hồi âm. Một mình giành giật lại sự sống cho bản thân và đứa con chưa chào đời. Đó là những ngày thực sự khủng khiếp đối với bà.

“Vết thương thì đau, chồng thì không tin tức. Mệ khóc nhiều nhưng khi nhìn xuống bụng niềm tin lại đến, nước mắt tự ngưng và tự nhủ phải cố gắng sống để được gặp chồng và con.”

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 6.

Nhìn bà quằn quại trong cơn đau, những người xung quanh ai cũng nói bà chỉ sống được thêm 3 đến 7 ngày nữa. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến. Sự nỗ lực và niềm tin bất diệt của một người mẹ, một nữ Đảng viên thời chiến trận đã giúp cụ vượt qua cõi chết, chiến thắng tử thần để trở về với cuộc sống.

"Sau gần hai tháng, lúc vết thương không còn chảy máu cũng là thời điểm con trai đầu lòng của mệ chào đời". Bà Phương kể lại, gương mặt rạng rỡ hé nở nụ cười. Dường như, đó cũng là giây phút hạnh phúc đã từng diễn ra gần 70 năm về trước.

Không lâu sau sinh, bức thư ngày nào của bà đã được đưa tận tay đến tay người chồng ngoài mặt trận. Ông ghé về thăm nhà giữa lúc dời quân lên biên giới Việt - Lào. Giây phút đoàn tụ gia đình ngắn ngủi đó cũng là lúc bà thấy bình yên nhất sau cơn bão bom của giặc.

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 7.

Một lần hiếm hoi bà cởi kính, bởi đôi mắt bà đượm buồn của bà đã không còn nhìn thấy rõ mọi thứ nữa

Đứa trẻ chào đời như một điều kỳ diệu. Song, do khi bị thương bà mất máu quá nhiều nên cháu bé rất yếu. Cậu bé không thể ngồi dù đã gần hai tuổi. Cùng lúc đó, bé đổ bệnh và qua đời. Chồng không ở bên, một lần nữa bà phải gánh chịu nỗi đau một mình.

“Mệ lần tìm hơi ấm của con xung quanh chiếc giường, chiếc võng nhưng không còn nữa rồi. Lúc ấy mệ chỉ biết sống cho qua ngày qua tháng đợi ông về trong lành lặn để nói câu xin lỗi.”

Người phụ nữ ấy tiếp tục chống chọi bằng sức mạnh kiên cường của một người chiến sĩ, một nữ Đảng viên thời chiến với niềm tin vào cuộc sống không bị dập tắt.

“Chiến tranh là chuỗi ngày con người phải sống chung với đạn bom, nếu không kiên cường sẽ bị chìm trong đó. Mất đi một cánh tay, một đứa con nhưng ít nhất mệ vẫn được gặp, chăm sóc và sống cùng đứa trẻ hai năm. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mệ…”

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 8.

Người chồng của bà trở về sau những ngày tháng lăn xả nơi chiến trường, ông quyết định ở nhà đỡ đần cùng vợ xây dựng gia đình. Ông bà có với nhau thêm ba người con trai, nay họ đều đã có mái ấm hạnh phúc riêng.

Tôi hỏi bà về những khó khăn trong cuộc sống thường ngày, bà cười: “Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mệ vẫn tự làm được từ nấu ăn, giặt rũ đến dọn dẹp nhà cửa. Mất một tay nhưng mệ vẫn may vá được, thậm chí lúc còn khỏe vẫn đi hái củi, làm việc như người ta đó thôi. Mình còn trái tim nguyên vẹn tức là mình không bị tàn phế, cứ thế rồi tự tin mà sống!”

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 9.

Tuy chỉ còn một cánh tay, nhưng bà vẫn có thể xoay xở làm hết mọi việc trong nhà

Chặng đường cuối của người mẹ đã từng liều mình giữ lại đứa con thơ giữa đạn bom oanh liệt là chuỗi ngày niềm tin vào cuộc sống vẫn không bị vơi bớt. 92 tuổi, những bước đi chậm rãi ấy luôn kiên trì để được đồng hành cùng những người con, cháu và cả những người bạn già xung quanh. Trong căn nhà nhỏ, ba vẫn luôn tiếp sức cho những người con, cháu của mình thêm niềm tin vào cuộc sống bằng tinh thần của một người chiến sĩ.

“Được sống là hạnh phúc. Dù một mình thì vẫn phải sống. Sống không chỉ cho cuộc đời của riêng mình mà còn cho cả đứa con nhỏ, những người bạn và những người đồng đội xấu số…”

Giờ đây, khi vết thương đã lành hơn nửa thế kỷ nhưng nỗi đau ấy chưa thể nguôi. Ký ức thuở chinh chiến ấy cứ âm ỉ mãi trong trái tim để rồi mỗi khi thời gian điểm chỉ ngày kỷ niệm bà Phương lại nhớ đến đứa con thơ và những người đồng đội của mình.

“Nhớ cái hôm bế thằng bé đi chạy giặc vội dưới khe. Được một tay dành ôm con nên bao nhiêu tã áo phải bỏ lại mà cũng không có ăn. Lần đó con không có đồ thay đành phải lấy áo mẹ quấn vào, cứ thế hai mẹ con ngồi ôm nhau đợi người nhà tới.”

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 10.

Bà Phương cùng cháu nội của cậu con trai Út

Ngày Thương binh liệt sĩ đến gần, thông tin trên báo đài lại khiến lòng nữ Đảng viên thêm xót xa bởi dư âm những nỗi đau, mất mát ở thời chiến vẫn còn. Trái tim ấy vẫn đang hoang hoải nỗi nhớ những người bạn, người đồng đội trong chiếc áo màu xanh người lính.

“Nhớ những ngày ở đơn vị làm việc cùng các anh chị em. Rồi những lần chạy giặc, những bữa cơm cùng mọi người. Bây giờ mệ không biết họ còn sống hay đã chết nữa.”

Bà dừng câu chuyện, run rẩy đội chiếc nón lá, lấy cây gậy chào tôi và ghé qua nhà hàng xóm thăm người bạn già đang đợi. Bà bước đi, nhìn đằng sau không ai biết trái tim người phụ nữ ấy đã không còn được nguyên vẹn bởi những đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra. Một đứa con, một cánh tay và những người đồng đội vẫn luôn sống cùng bà cho đến hết cuộc đời.

Chuyến đò Xuân Sơn sinh tử và câu chuyện về nữ Đảng viên mất một cánh tay vẫn liều mình giữ đứa con trong bụng - Ảnh 11.

Lặng người một lúc, tôi tự hỏi: "Khi cuộc sống thời bình cho chúng ta quá nhiều thứ, liệu ta có còn đủ đức hi sinh và trân trọng nghĩa tình như cha mẹ ngày xưa không?"

(*) Mệ: Bà gọi theo tiếng địa phương


Chia sẻ