Chữa ung thư theo lang băm: Mất tiền, nguy tính mạng

Theo Sức khỏe đời sống,
Chia sẻ

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ bắt gặp không ít trường hợp bệnh nhân ung thư mù quáng tin theo lời thầy cúng, thầy lang, tin theo truyền miệng nhịn ăn, thải độc (detox), niệm chú, bùa ngải... khiến "tiền mất tật mang", đến viện thì đã muộn.

Giành giật sự sống từng ngày...

Như Báo Sức khỏe&Đời sống số ra 161, ngày 7/10/2016 đã có bài viết Chữa ung thư bằng thuốc nam, khối u to nhanh chiếm hết ổ bụng bé 4 tuổi về trường hợp bé trai 4 tuổi mắc u nguyên bào thần kinh được người nhà cho đi chữa bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc khiến bệnh ngày một trầm trọng hơn, khối u từ 8cm to nhanh chiếm hết ổ bụng của bé. Ngày 14/10, TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương cập nhật thông tin cho biết, hiện nay tình trạng của bé đã qua cơn nguy kịch.

"Bé đáp ứng điều trị tốt, từ chỗ "ngàn cân treo sợi tóc" giờ đã ngồi ăn được, chơi ngoan, hết phù, tim phổi ổn định, giảm vàng da, men gan vẫn tăng nhưng có giảm, điện giải ổn định, bụng xẹp xuống, u nhỏ lại rõ rệt, hạch thượng đòn trái di căn đã tan hết. Bé đã hoàn thành hoá trị đợt I và đã qua cơn nguy kịch..."- TS. Hương thông tin.

Trước đó, bé nhập viện ngày 6/10 trong tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng. TS. Hương cho biết: Nguy kịch nhất là ngày và đêm 10/10, bé gào khóc vì đau, khối u chèn ép, choán toàn bộ ổ bụng, suy hô hấp thậm chí có lúc thở ngáp, suy tim, vàng da tắc mật, phù toàn thân, rối loạn điện giải, Bilirubin gần 200, Albumin huyết thanh giảm, men gan tăng cao... Bé đã được các y bác sĩ, điều dưỡng viên giỏi của khoa Nhi, Bệnh viện K cấp cứu vô cùng vất vả giành giật sự sống cho bé.


Bé trai đã qua cơn nguy kịch, có thể ngồi ăn được, chơi ngoan. Trong ảnh, TS Hương gần gũi thăm hỏi cháu bé.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống , TS. Hương cho hay, sau đợt điều trị này, bé sẽ được về nhà nghỉ ngơi trong vài ba hôm nữa, sau đó tiếp tục tiến hành hóa trị đợt 2. Tổng cộng phải tiến hành 7 đợt hóa trị, mỗi đợt cách nhau 3 tuần.

Chứng kiến trường hợp bệnh nặng "thập tử nhất sinh" của bé trai này, nhiều y bác sĩ tỏ ra căm phẫn và xót xa trước tình trạng lang băm lộng hành, và sự cả tin của người dân chỉ vì người nhà tin theo lang băm mà khiến cho bé mất đi cơ hội điều trị. Không chỉ có vậy, trong quá trình điều trị, các bác sĩ còn bắt gặp không ít các trường hợp bệnh nhân ung thư mù quáng tin theo lời thầy cúng, tin theo truyền miệng nhịn ăn, thải độc (detox), niệm chú, bùa ngải... khiến "tiền mất tật mang", đến viện thì đã muộn.

Bệnh nặng vì tin theo thầy lang, thầy cúng...

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe&Đời sống , PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, trên thực tế có rất nhiều bệnh nhân ung thư, đặc biệt là người bệnh ở các vùng sâu vùng xa do hiểu biết hạn chế, dẫn tới những ngộ nhận sai lầm về chữa trị bệnh ung thư. Nhiều người bệnh nghe theo lang băm, thầy lang, thầy cúng để cúng bái hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc dùng các biện pháp điều trị không chính thống. Chỉ đến khi bệnh nặng họ mới đến bệnh viện thì đã muộn, lúc này các bác sĩ không còn cách nào khác là dùng các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ dùng thuốc kéo dài được chừng nào hay chừng đó và đương nhiên những trường hợp đó không thể chữa khỏi bởi quá muộn.


PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương động viên bệnh nhân ung thư yên tâm điều trị.

Bên cạnh đó, theo PGS. Thuấn, cũng có một số bệnh nhân không tuân thủ được liệu trình điều trị vì rất nhiều lý do như: hiểu biết hạn chế, khó khăn trong kinh tế, hoặc do tác dụng phụ trong quá trình điều trị làm cho người bệnh sợ và bỏ điều trị. Và một khi đã bỏ điều trị như vậy thì hiệu quả sẽ không thể nào bằng việc người bệnh tuân thủ và được áp dụng biện pháp điều trị tới nơi tới chốn.

Trước thực tế có rất nhiều người dân tin và chữa bệnh theo quảng cáo, theo truyền miệng về các bài thuốc đông y không rõ nguồn gốc khiến người bệnh mất tiền oan mà bệnh không khỏi, TS. Trần Thái Hà, Trưởng khoa Châm cứu xoa bóp dưỡng sinh, BV Y học cổ truyền Trung ương khuyến cáo, người dân không nên tin theo quảng cáo mà hãy tìm đến những cơ sở điều trị uy tín như các bệnh viện y học cổ truyền, các phòng khám y học cổ truyền đã được Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý, cấp phép. Chỉ khi có cơ sở pháp lý, có đơn vị chủ quản như vậy thì y đức và trình độ chuyên môn của những người thầy thuốc điều trị cho người bệnh mới đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Chia sẻ