Chưa lập gia đình cũng có thể bị xói mòn cổ tử cung

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Những chị em có chu kì kinh nguyệt không ổn định, ngày có kinh nguyệt quá ngắn hay quá dài... đều có thể có nguy cơ bị xói mòn cổ tử cung cao hơn những chị em khác.

Tôi năm nay 28 tuổi, chưa lập gia đình và chưa từng có quan hệ tình dục với ai. Trong lần đi khám phụ khoa vừa rồi, bác sĩ nói tôi có dấu hiệu bị xói mòn cổ tử cung. Tôi rất hoang mang vì nghĩ bệnh này chỉ có thể xảy ra với những người đã từng có quan hệ tình dục mà thôi. Liệu kết quả kiểm tra của tôi có bị nhầm lẫn nào không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (B. Phương)

Trả lời:

Bạn B. Phương thân mến!

Xói mòn cổ tử cung là bệnh phát triển ở cổ tử cung, chủ yếu do viễm cổ tử cung mãn tính kéo dài gây ra. Đây là bệnh thường gặp ở phụ nữ đang độ tuổi sinh sản. Xói mòn cổ tử cung có thể chia làm 3 mức độ là: nhẹ, bình thường và nặng. Xói mòn cổ tử cung chủ yếu là do nhiễm virus khiến biểu mô bên trong bị bong tróc, gây xói mòn. Nó cũng có thể liên quan đến nội tiết tố trong cơ thể.

Chưa lập gia đình cũng có thể bị xói mòn cổ tử cung 1
Những chị em có chu kì kinh nguyệt không ổn định, ngày có kinh nguyệt quá ngắn hay quá dài... đều có thể có nguy cơ bị xói mòn cổ tử cung cao. Ảnh minh họa

Bình thường, những yếu tố như có đời sống tình dục quá sớm, có nhiều đối tác tình dục, quan hệ tình dục không an toàn, phá thai nhiều lần... được coi là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ xói mòn cổ tử cung.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc, chưa lập gia đình hay chưa quan hệ tình dục thì sẽ không bị bệnh. Việc làm sạch "vùng kín" quá mức với các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ không đảm bảo an toàn, có nồng độ khử trùng lớn... có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các vi khuẩn, làm mất cân bằng bình thường trong môi trường âm đạo, gây thiệt hại cho biểu mô ở tử cung ở các mức độ khác nhau và dẫn đến xói mòn cổ tử cung.

Hơn nữa, những chị em có chu kì kinh nguyệt không ổn định, ngày có kinh nguyệt quá ngắn hay quá dài... đều có thể có nguy cơ bị xói mòn cổ tử cung cao hơn những chị em khác. 

Như vậy, cho dù chưa lập gia đình hoặc chưa sinh hoạt tình dục thì chị em cũng nên quan tâm đến bệnh này để biết cách phòng vệ. Nếu phát hiện tiết dịch âm đạo tăng lên, hoặc khí hư có sự thay đổi màu sắc, kết cấu thì nên đến phòng khám phụ khoa để xác định nguyên nhân, kịp thời điều trị.

Bạn nên tập trùng điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ và tham khảo tư vấn của bác sĩ về biện pháp bảo vệ mình, tránh bệnh nặng thêm hoặc tái phát để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của mình nhé.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!
Chia sẻ