Chọn thực phẩm cho bữa cơm nhà ngon, bổ

,
Chia sẻ

Muốn có một bữa cơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng và an toàn thì thực phẩm phải đảm bảo sạch, không độc, không là nguồn lây bệnh. Bữa ăn cũng cần được tính toán một cách kinh tế nhất.

Mẹo chọn thực phẩm sạch

 

Nên thay đổi thói quen sử dụng hạt nêm, nước mắm để chế biến thực phẩm bằng muối iốt. Ảnh: Mai Lan

Cá tươi: mắt trong, mang đỏ tươi, rốn lõm, ít nhớt, thịt chắc, mùi tanh đặc trưng, không có mùi ươn.

Thịt heo, bò: thịt đỏ hồng tự nhiên, chắc, ấn không lõm.

Tôm: vỏ sáng trong, đầu dính chắc vào thân.

Cua: không gãy càng, yếm chắc.

Rau: mua rau sạch tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Nếu mua ở chợ nên chọn rau không giập, ít đất cát, rau còn tươi.

Trái cây: chọn trái chín cây, vỏ còn nguyên vẹn, không giập, cuống tươi.

Trứng: chọn trứng mới (xem ngày sản xuất trên hộp), vỏ trứng nguyên vẹn.

Thực phẩm chế biến sẵn: chọn cơ sở sản xuất uy tín, nhãn hiệu rõ ràng, xem hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn. Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn do nhiều chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu không tốt cho sức khoẻ.

Nếu không thể đi chợ mỗi ngày thì thịt, cá có thể mua một lần mỗi tuần và phải sơ chế ngay. Sau đó chia từng phần đủ để chế biến cho mỗi bữa ăn và cho vào hộp hoặc bao nilông buộc kín, đưa vào ngăn đông của tủ lạnh. Đối với rau, trái cây thì không thể trữ lâu được nên mua mỗi ngày hoặc mỗi 2 – 3 ngày. Rau và trái cây rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch, đợi ráo nước, cho vào bao nilông rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Thức ăn nấu chín còn thừa cần được hâm sôi, để nguội, đậy kín và cho vào tủ lạnh.

Nấu đúng cách để giữ chất bổ

Trước khi chế biến thức ăn phải rửa tay sạch. Rửa dụng cụ chế biến thức ăn sống riêng biệt với thức ăn chín. Dụng cụ ăn uống cũng phải rửa sạch. Thông thường, luộc, hấp, xào sơ là cách chế biến giữ được nhiều dưỡng chất hơn cả. Thịt, cá, trứng nên nấu chín hẳn. Nếu người già và trẻ em ăn thì chế biến mềm để dễ nhai, nuốt. Trứng gà sạch có thể chế biến lòng đào, ốpla, vừa dễ ăn lại bổ dưỡng.

Ăn mấy bữa là hợp lý?

Tùy thuộc lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ và mức độ lao động mà người trưởng thành, khoẻ mạnh cần ăn ba bữa/ngày. Người lao động nặng nhọc, người ốm, cắt dạ dày, trẻ em cần ăn 5 – 6 bữa/ngày. Tuỳ nhu cầu năng lượng từng người mà bữa phụ có thể giàu năng lượng (đối với trẻ đang tăng trưởng, người gầy muốn tăng cân, người lao động nặng) là ly sữa, hũ sữa chua, miếng phômai, chén chè đậu…; hoặc ít năng lượng (đối với người béo muốn giảm cân) là trái thanh long, trái cam, vài múi bưởi, trái ổi, củ sắn (củ đậu)…

Món kho: ăn mặn sẽ không có lợi cho sức khoẻ và dễ bị nguy cơ tăng huyết áp. Hơn nữa, khi kho mặn thì lượng thịt cá ăn vào sẽ ít đi, có thể không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.

Món chiên: thực phẩm chiên sẽ chứa nhiều chất béo, tẩm bột chiên lại càng nhiều béo hơn. Do đó, người muốn giảm cân nên hạn chế cách chế biến này. Chiên ở nhiệt độ cao còn làm thay đổi tính chất dầu ăn. Vì vậy, không nên sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần.

Món nướng: cách chế biến này thơm ngon, phù hợp với người ăn kiêng để giảm cân. Tuy nhiên, không nên ăn món nướng thường xuyên do khó tiêu hoá và chứa các chất độc hại sản sinh trong quá trình nướng ở nhiệt độ cao. Thực phẩm nướng thường chín bên ngoài nhưng bên trong có thể vẫn chưa chín hẳn. Có thể khắc phục bằng cách gói giấy bạc để tránh thực phẩm cháy khi nướng và chỉ nướng lửa nhỏ để thức ăn chín đều.

Các loại rau gia vị như gừng, tỏi, nghệ, tía tô… còn là các bài thuốc tốt. Nên chọn muối iốt thay cho muối thường để các thành viên trong gia đình nhận đủ iốt cho cơ thể (các thực phẩm khác không thể cung cấp đủ lượng iốt cho nhu cầu cơ thể). Cách sử dụng muối iốt cũng như muối thường, chỉ có một khác biệt là không được rang trên bếp và phải bảo quản trong lọ, đậy kín nắp và tránh sức nóng do iốt là chất dễ bay hơi. Nhiều người có thói quen sử dụng hạt nêm, nước mắm thì cũng nên vì sức khoẻ cả nhà, hãy dần dần thay đổi thói quen này bằng cách giảm các gia vị mặn đó và nêm một ít muối vào thức ăn hàng ngày. Lưu ý không nêm mặn vì ăn mặn không có lợi cho sức khoẻ.

 
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng,
trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
SGTT
Chia sẻ