"Cho em gần anh thêm chút nữa" và 2 nhân vật phụ đáng nhớ

Thủy Linh,
Chia sẻ

Tính nhân văn của "Cho em gần anh thêm chút nữa" còn đến từ dàn nhân vật phụ, chính là những mảnh ghép làm nên cuộc sống đa chiều của bộ phim.

Đầu tháng 12 này, Cho em gần anh thêm chút nữa đã lấy đi nhiều nước mắt khán giả với cảm xúc về tình yêu, gia đình trong tác phẩm. Ngoài tình yêu đôi lứa, khán giả xem Cho em gần anh thêm chút nữa rồi sẽ thấy những hoàn cảnh, khía cạnh khác trong cuộc sống. Có những con người  bề ngoài của họ thật gai góc, ngang tàng, mạnh mẽ, nhưng hóa ra bên trong, họ vẫn khao khát được sống thật với bản thân mình, được tự do làm điều mình muốn.

kieu-minh-tuan1
Kiều Minh Tuấn hóa thân thành "chàng trai thích may vá" luôn muốn theo đuổi ước mơ của mình nhưng bị phản đối.

Đó là cậu Phú, ông cậu chỉ biết rượu chè lô đề cờ bạc của Kai. Được diễn viên Kiều Minh Tuấn khắc họa, cậu Phú hiện lên như một kẻ "bám váy mẹ", ăn mặc nhếch nhác, lại lười biếng. Anh ta muốn làm việc này việc kia, nói chuyện thì "đao to búa lớn" nhưng thực chất chỉ là… chém gió. Từ đầu đến cuối, Phú chỉ giống một nhân vật gây cười, lớn tồng ngồng rồi mà vẫn ở nhà ăn cơm mẹ nấu, chưa biết tương lai sau này ra sao. Người xem cười rồi sẽ lắc đầu ngán ngẩm, không biết anh chàng có phải "tấm gương xấu" cho cậu cháu không nữa?

Tuy nhiên, đến gần cuối, khán giả mới "ngã ngửa" trước ước mơ rất giản dị của Phú. Hóa ra gã đàn ông trông thô kệch, to cao là thế lại chỉ mong muốn được theo đuổi nghề… may vá. Anh yêu công việc tạo ra những chiếc túi xách xinh xắn, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ. Đáng tiếc, bà mẹ của Phú (tức bà nội Kai) – giống như muôn vạn bậc phụ huynh Việt Nam khác – không đồng ý cho cậu con trai "đường đường một đấng nam nhi" của mình được làm cái nghề vốn bị coi là chỉ dành cho phụ nữ. Bởi vậy, Phú đành cắn răng hoang phí cuộc đời mình lêu lổng, phá làng phá xóm, ảnh hưởng đến cả gia đình.

kieu-minh-tuan2
Đến khi được mẹ chấp nhận sở thích "con gái" của mình, cậu Phú hạnh phúc vô biên.

Câu chuyện của Phú cũng là điển hình cho số phận của nhiều người, vì một lẽ nào đó đã không thể theo đuổi ước mơ. Các bậc phụ huynh thì quá coi trọng "sĩ nông công thương", luôn ép uổng con cháu mình phải theo học những ngành "sang chảnh" bất kể có phù hợp với năng lực hay không, để rồi uổng phí cả đam mê và tài năng cả đứa trẻ vào một nghề nghiệp mà nó không ưa. Sự thực, không có nghề nào trong xã hội là thấp kém, và chỉ cần có đam mê cùng tài năng, bạn sẽ thành công ở bất cứ lĩnh vực nào.

Một mảnh đời đáng nhớ nữa là Leo, cô bạn của Rin do Khả Như đóng. Xuất hiện không nhiều trên màn ảnh, ban đầu, Leo để lại ấn tượng như một cô tomboy cá tính, thậm chí có phần cộc cằn. Trái với Rin luôn tươi cười và ăn diện kiểu "bánh bèo", Leo trưởng thành hơn, lạnh lùng hơn. Cũng không có may mắn được cha mẹ bao bọc như Rin, Leo sớm phải tự bươn chải kiếm sống bằng nghề bán bánh tráng trộn ngoài cổng trường.

kieu-minh-tuan2
Khả Như "manly" trong "Cho em gần anh thêm chút nữa".

Thế nhưng, cô bé này chẳng bao giờ tị nạnh với Rin về điều đó. Trái lại, cả hai là bạn bè thân thiết, Leo còn rất "trượng nghĩa" khi luôn giúp đỡ Rin, che chở cho Rin. Ai cũng tưởng Leo mạnh mẽ, cứng cỏi lắm, cô có thể vượt qua bất kỳ sóng gió nào như một "nam nhi" chân chính. Nhưng không, những phân đoạn cuối phim đã tiết lộ nỗi niềm riêng của Leo. Hóa ra cô bé đó cũng rất yếu mềm và tủi thân. 

Không có cha mẹ ở bên, Leo phải tự đối đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống. Có lẽ đã rất nhiều lần, Leo mong được có một gia đình đủ đầy như Rin, để cô có thể vô tư tận hưởng tuổi thơ không lắng lo. Thế nhưng, nỗi bất hạnh không làm cho Leo trở nên xấu xa. Trái lại, cô bé vẫn mở rộng tấm lòng, bao bọc cả những mảnh đời chắp vá hơn mình. Leo là hiện thân rất đẹp của lòng nhân ái, khi mà mọi khắc nghiệt của cuộc đời không thể bào mòn những phẩm chất tuyệt vời của cô.

kieu-minh-tuan4
Một Leo tốt tính dù cuộc đời không suôn sẻ.

Và thế là, mỗi nhân vật phụ lướt qua màn hình hóa ra đều mang một câu chuyện thú vị. Có lẽ vì vậy mà sau khi xem xong phim, nhiều người vẫn nhớ đến Phú, đến Leo như những nhân vật độc lập có cá tính, chứ không phải chỉ là cái nền mờ nhạt.
Chia sẻ