Cho con ngủ sau giờ này sẽ làm tăng nguy cơ bé bị chậm lớn, học kém, mất tập trung

Luna,
Chia sẻ

Các chuyên gia khẳng định với trẻ nhỏ, giấc ngủ quan trọng không kém gì dinh dưỡng, và nếu không muốn hại con, bố mẹ cần tập cho bé thói quen ngủ sớm.

Bố mẹ nào cũng biết, và thật ra là rất muốn con mình đi ngủ sớm. Tuy nhiên, trẻ con thì mải chơi nên thích thức khuya theo bố mẹ, và một số người lớn không đủ cương quyết thắng nổi con mình, đành chấp nhận cách lười biếng hơn để khỏi phải đối đầu, rèn giũa, không biết rằng làm thế là tự hại chính mình và hại con.

Bởi đầu tiên, việc tập cho con thói quen ngủ sớm, đúng giờ sẽ giúp các bé có giấc ngủ chất lượng hơn. Nhiều người đến nay vẫn còn nghĩ trẻ thức càng khuya thì sẽ càng mệt, ngủ càng nhanh và say nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu đã chứng minh được điều ngược lại; không chỉ thế, khi ngủ sớm, bé cũng ít bị thức giấc nửa đêm, như lo lắng của nhiều người.

Và điều này rất quan trọng vì thời gian ngủ là lúc các hormone tăng trưởng tự nhiên được sản sinh nhiều. Sự sản sinh loại hormone mang tính quyết định này được cho đạt mức cao nhất vào 3 thời điểm: 10 giờ tối, 12 giờ đêm và 2 giờ sáng hôm sau, nhưng quá trình này chỉ có thể thực hiện trong giấc ngủ, và quan trọng hơn đó phải là giấc ngủ sâu. Và không chỉ tác động đến hormone, giấc ngủ cũng sẽ có những tác động quan trọng khác bên trong cơ thể để giảm thiểu nguy cơ thừa cân, nguy cơ tiểu đường, giúp cơ thể sản sinh đủ cytokines để chống lại vi trùng, vi khuẩn, giảm nguy cơ bị cảm, cúm, mệt mỏi và cả nguy cơ bị chấn thương...

ngủ sớm
(Ảnh: Internet)

Và thế vẫn là chưa đủ với giấc ngủ! Ngoài việc giúp con ngủ ngon hơn, khỏe hơn, hiệu quả phát triển tốt hơn, giấc ngủ còn nuôi dưỡng một điều quan trọng nữa mà bố mẹ nào cũng mong muốn ở con mình, là tính sáng tạo và khả năng tiếp thu. Theo các chuyên gia, những đứa trẻ ngủ sớm có khả năng tập trung tốt hơn và thể hiện tốt hơn trong học tập. Ngoài chuyện mà người bình thường nào cũng có thể nói được là bé được ngủ đủ sẽ tỉnh táo và sảng khoái hơn thì giấc ngủ còn tạo điều kiện cho các tế bào não “đổ rác”, loại bỏ những độc tố có thể gây bệnh và cản trở hoạt động cua não bộ. Nghiên cứu đã cho thấy trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường xuyên ngủ ít hơn 10 tiếng/đêm thì kể cả khi không bị tăng động giảm chú ý bẩm sinh (ADHD), bé vẫn sẽ bị tăng gấp 3 lần nguy cơ bị tăng hoạt động và bốc đồng, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành cũng như sinh hoạt.

Các chuyên gia khẳng định giấc ngủ quan trọng không kém gì dinh dưỡng. Thời gian ngủ của trẻ nhỏ cần có là:

- Trẻ dưới 2 tháng: 10,5-18 tiếng/ngày

- Trẻ 3-12 tháng: 9,5-14 tiếng/ngày

- Trẻ 1-3 tuổi: 12-14 tiếng/ngày

- Trẻ 3-5 tuổi: 11-13 tiếng/ngày

- Trẻ 5-12 tuổi: 10-11 tiếng/ngày

Để đảm bảo thời gian này, rõ ràng trẻ cần đi ngủ trước 9 giờ tối, và muốn như vậy, bố mẹ hãy:

- Tạo những thói quen chuẩn bị đi ngủ, chẳng hạn nếu con bạn có quyển sách yêu thích, hãy đọc cho bé một chương mỗi tối trước khi đi ngủ, bé sẽ trông chờ đến buổi tối hôm sau với chương truyện tiếp theo;

- Tập cho con thói quen tắt các thiết bị điện tử ít nhất 2 tiếng trước khi ngủ, vì ánh sáng xanh từ màn hình cũng sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của bé;

ngủ sớm
Đừng để con vướng vào thói quen xấu của nhiều người lớn hiện đại: phải ôm điện thoại, máy tính bảng trước khi đi ngủ. (Ảnh: Internet)

- Làm gương chứ đừng trêu ngươi con, đừng chỉ ra lệnh cho con tắt đèn đi ngủ trong khi mình thì vẫn nói cười hoặc xem TV ầm ĩ; kể cả bạn chỉ tắt các thiết bị điện tử, vào giường đọc sách thôi cũng đã là tấm gương tốt cho con cái dễ nghe lời. Với mối băn khoăn của hầu hết mọi người lớn: công việc, trách nhiệm, hãy nghĩ rằng giấc ngủ với người lớn cũng không kém phần quan trọng với thái độ và năng suất làm việc. Đảm bảo giấc ngủ của mình thì mọi việc sau đó sẽ dễ dàng trôi chảy hơn đấy, bạn hãy thử mà xem!

Tổng hợp, theo parents
Chia sẻ