Chiến thuật "2 phút" rất nhiều cha mẹ áp dụng nhưng không hiệu quả như vẫn tưởng

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Cho trẻ lời cảnh báo đã gần tới lúc phải tắt iPad không giúp ngăn chặn một cơn giận dữ, mè nheo ở trẻ.

Bữa tối đã gần như sẵn sàng và bạn muốn chắc chắn rằng các con đều chuẩn bị ngồi vào bàn ăn. “Hai phút nữa thôi, sau đó chúng ta sẽ tắt iPad đi nhé”, bạn cất cao giọng từ nhà bếp, ý thức một cách rõ ràng về việc nhắc nhở một cách công bằng với con.

Thật không may, một nghiên cứu mới đây cho thấy, chiến thuật thường gặp – và xem ra rất hợp lý này – lại không phải là cách tốt nhất giúp cha mẹ thoát khỏi một cơn hờn giận của trẻ khi buộc phải rời bỏ màn hình yêu thích.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington đã tìm hiểu cách các gia đình quản lý thời gian dành cho các thiết bị điện tử của con cái mình – là những bé đang trong độ tuổi mầm non dựa trên số liệu từ những cuộc phỏng vấn với 27 phụ huynh cũng như ghi chép được thực hiện bởi 28 gia đình khác. Họ phát hiện ra, gần như tất cả các bậc cha mẹ tham gia nghiên cứu, khoảng 93%, đều cho biết, trẻ đều ít nhất vài lần thể hiện cáu giận vì không được xem thiết bị mà chúng yêu thích. Hơn 1/3 cha mẹ thú nhận, kết cục cuối cùng là mâu thuẫn bùng nổ giữa họ và con cái. 

Thực ra, kết luận này không có gì bất ngờ. Nhưng điều thực sự đáng chú ý ở nghiên cứu này chính là cách cha mẹ cố gắng xoa dịu hoặc tránh “đụng độ” với con khi tình huống “đã tới lúc tắt iPad” xảy ra.

Trẻ giận dữ
Lời cảnh báo “Hai phút nữa thôi, sau đó chúng ta sẽ tắt iPad đi nhé” càng khiến trẻ dễ giận dữ hơn.

Theo đó, bản năng của cha mẹ là sử dụng lời cảnh báo – ví dụ như nói với trẻ rằng còn được xem thêm 2 phút nữa trước khi tắt màn hình hay chỉ được xem thêm 1 video clip nữa thôi. Nhưng chiến thuật này thực sự không có tác dụng như mong đợi nếu cha mẹ thực sự muốn chuẩn bị về mặt tinh thần cho con để chuyển từ màn hình iPad sang các hoạt động khác. Trên thực tế, chỉ có 5 phụ huynh cho biết, họ cảm thấy tự tin rằng chiến thuật “2 phút” sẽ giúp trẻ chuyển đổi êm xuôi. Phần lớn phụ huynh không chắc việc này giúp ích được gì, mặc dù họ vẫn tiếp tục áp dụng.

Kết luận này thách thức những kỳ vọng của các nhà nghiên cứu. Họ từng cho rằng, cha mẹ sử dụng lời cảnh báo như trên sẽ ít gây ra cảm xúc giận dữ, hờn dỗi ở trẻ trong giai đoạn chuyển đổi từ đang làm việc mình thích sang làm việc phải làm. Thay vào đó, thông tin mà các nhà khoa học thu thập được lại chứng minh, trẻ thực sự dỗi hờn nhiều hơn khi buộc phải tắt màn hình thiết bị điện tử dù cha mẹ đã đưa ra lời nhắc nhở trước. Nguyên do có thể là cha mẹ sử dụng cảnh báo vì tin rằng trẻ sẽ dễ khởi phát một cơn cáu giận, mè nheo. Hoặc cũng có thể lời cảnh báo kiểu đó cho trẻ thấy, cha mẹ mới là người nắm quyền kiểm soát và vì thế, cảm giác độc lập của trẻ bị tước bỏ.

Dù thế nào thì thông điệp cũng rất rõ ràng: Cảnh báo không phải một cách đáng tin cậy để đảm bảo trẻ không cáu giận, hờn dỗi khi bạn yêu cầu con rời xa màn hình thiết bị yêu thích.

Vậy, biện pháp nào mới hiệu quả? Nghiên cứu trên gợi ý rằng, thiết lập khoảng thời gian dành cho việc xem thiết bị điện tử chính xác và đều đặn có thể giúp sự chuyển đổi diễn ra dễ dàng hơn. Trẻ có xu hướng ít phản kháng nếu biết khi nào, ở đâu và trong bao lâu được tiếp cận với các thiết bị yêu thích, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác. 

Có thể khá bất ngờ nhưng bản thân công nghệ cũng là một giải pháp trong tình huống này. Một số ứng dụng trợ giúp quyền kiểm soát của cha mẹ đối với thời gian dành cho các thiết bị điện tử của trẻ, đưa ra khoảng thời gian nhất định và không xê dịch. Do đó, trẻ ít có khả năng nổi cáu với cha mẹ vì hiểu rằng, đó là một ứng dụng hay một thiết bị, chứ không phải cha mẹ đặt ra giới hạn thời gian đó.

(Nguồn: Todayparents)
Chia sẻ