Chỉ trong 1 tuần Hà Nội có 6 ca viêm não Nhật Bản

Theo Infonet,
Chia sẻ

Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội vừa thông báo, tính đến ngày 25/6, thành phố ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Số mắc gia tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca bệnh.

Các chuyên gia cho biết, đây là bệnh hay gặp vào các tháng mùa hè, đặc biệt ở những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng TP tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; đôn đốc cùng các đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỉ lệ theo quy định; hướng dẫn chuyên môn về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật Bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện thị xã.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện điều trị bệnh; khi phát hiện ca bệnh cần thông báo cho trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã hoặc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng lưu ý điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.

Ngủ màn tránh muỗi đốt cũng là một trong những khuyến cáo phòng tránh viêm não Nhật Bản.

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.

Biểu hiện của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).

Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh viêm não Nhật Bản B bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt; thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng; tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên trẻ phải được tiêm đủ liều. Thông thường với các vắc-xin khác chỉ cần tiêm một mũi là đã có hiệu lực bảo vệ trẻ (dù thấp); vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản thì ngược lại. Nếu các bé chỉ tiêm một mũi vắc-xin thì không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Chia sẻ