Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng

Cát Tường,
Chia sẻ

Bi kịch ập đến với gia đình chị Nguyệt khi phát hiện con gái 7 tuổi bị bệnh máu trắng. Cả gia đình kiệt quệ trên con đường giành giật sự sống cho con.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (40 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) đã từng cảm thấy cuộc đời thật đủ đầy với kinh tế gia đình thuộc diện trung bình khá, hai vợ chồng hạnh phúc, cùng chung tay cố gắng để nuôi lớn hai con - 1 trai, 1 gái - ăn học nên người. Ấy thế nhưng sự đời vốn thật trớ trêu, con gái chị là bé Nguyệt Vy, sinh năm 2011 không may mắc phải căn bệnh máu trắng. Kể từ đấy, cả gia đình đã phải cùng nhau giành giật sự sống cho Nguyệt Vy khiến mọi nguồn lực đang cạn kiệt từng ngày.

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 1.

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 2.

Dù mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và trải qua muôn ngàn đau đớn khi chữa bệnh, nhưng Nguyệt Vy vẫn luôn tươi cười, lạc quan.

Kể lại bi kịch của gia đình mình, chị Nguyệt vẫn còn run run: "Tối hôm đó, ngày 21/2/2018, con bỗng kêu đau chân dữ dội. Mình nghĩ chắc do về quê con chạy nhảy nhiều nhưng cả đêm hôm đó con đau đến nỗi không thể ngủ được một giây phút nào. Mình bắt đầu lo lắng, linh tính của người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành. Hôm sau chồng mình đưa con đi khám thì kết quả giống như một bản án tử chờ sẵn dành cho con. Con bị mắc bệnh bạch cầu cấp (máu trắng), dòng Lympho thể L2. Tất cả mọi thứ quay cuồng chao đảo và sụp đổ dưới chân mình. Trong mơ cũng không bao giờ dám nghĩ rằng căn bệnh quái ác này lại xảy đến với con gái của mình. Vì con vốn là một đứa trẻ cực kỳ khỏe mạnh và dễ nuôi, không hề ốm vặt như anh trai của con. Từ lúc sinh ra con chưa từng biết đến bệnh viện".

Sau khi phát hiện con bị bệnh hiểm nghèo, chị Nguyệt cho con nhập viện Huyết học truyền máu Trung ương để điều trị. Cô bé 7 tuổi bắt đầu cuộc chiến với sự hồn nhiên trong trẻo rằng "cái con virus vô duyên nào đó vào cơ thể con làm con mệt mỏi, đau chân, đau bụng, làm con chảy máu rồi làm cho tóc con rụng không còn sợi nào". Nguyệt Vy không biết con đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, chỉ cần nghe đến tên ai cũng rùng mình sợ hãi. Những ngày đầu nằm viện con sợ lắm, sợ bị tiêm, sợ bị lấy máu, sợ bị chọc tủy nên mỗi lần nhìn thấy bóng dáng các cô y tá hay bác sĩ, con lại chùm chăn kín mít để trốn. Thế nhưng với bệnh của con, những việc đó diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đã bao lần con vùng vẫy, khóc lóc, đòi về nhà… Nhưng rồi con cũng phải dần thích nghi với cuộc sống đó thay vì sách vở, bạn bè, trường lớp.

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 3.

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 4.

Hai mẹ con chị Nguyệt hiện tại đang ở Hàn Quốc để tiếp cận với phác đồ điều trị tốt hơn.

Những ngày dài truyền hóa chất mệt mỏi với đầy tác dụng phụ như nôn, đi ngoài, sốt cao, phải truyền máu, tiểu cầu. Những lần điều trị đau đớn chọc tủy với cây kim 10cm. Rồi cả những lần tiêm tủy đau buốt sống lưng... Ấy thế nhưng, sau 42 ngày điều trị tích cực, bệnh không thể lui hoàn toàn. Nguyệt Vy ra viện với tỷ lệ tế bào ác còn 7% trong tủy.

Về nhà được 20 ngày, cô bé Nguyệt Vy lại khăn gói vào viện điều trị tiếp theo lịch đã hẹn. Nhưng lúc này, tỷ lệ tế bào ác lại tăng lên 10%. Trải qua thêm 25 ngày truyền hóa chất nặng hơn nhưng tình hình vẫn không hề khả quan. Lần này, bệnh diễn biến phức tạp, chạy vào phổi và khiến Nguyệt Vy bị thêm bệnh nấm phổi. Việc điều trị lại càng vất vả và mệt mỏi hơn.

"Sau đó bác sĩ có nói con thuộc dạng tiên lượng rất xấu, không đáp ứng với hóa trị và chỉ truyền hóa chất đến lần thứ 3, cùng lắm đến lần thứ 4 thì cơ thể sẽ không tiếp nhận được nữa. Loại thuốc có thể đẩy lui tế báo ác tính cho con gái mình rất đắt, ở Việt Nam không bệnh nhân nào được sử dụng. Chính vì vậy, việc ghép tủy cho bé ở Việt Nam cũng không thể thực hiện được do tế bào ác tính vẫn còn. Điều đó có nghĩa là thời gian sống của con không được bao lâu nữa. Cách duy nhất là đưa sang nước ngoài như Hàn Quốc để điều trị và ghép tủy mới có cơ hội cứu sống được cháu", chị Nguyệt ngậm ngùi kể lại.

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 5.

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 6.

Nguyệt Vy vẫn luôn giữ được nụ cười trên môi, chưa nhận thức rõ ràng những hiểm nguy mà cô bé đang phải trải qua.

Vợ chồng chị Nguyệt đã phải tìm hiểu đủ mọi nguồn thông tin, nghĩ ra mọi cách để mong cứu được con. Cuối cùng, chị đã liên hệ được với giáo sư Chul Soo Kim - người đã ghép tủy thành công cho 2 bệnh nhân Việt Nam cũng bị căn bệnh như con gái chị. Giáo sư đồng ý chữa trị cho bé với chi phí dự kiến là 100.000USD (khoảng hơn 2,3 tỷ VNĐ) chưa bao gồm chi phí lưu trú.

"Mình đã đăng tin bán nhà, ô tô cũng đã bán, vay mượn bạn bè, họ hàng nội ngoại hai bên và huy động gần đủ số tiền như giáo sư thông báo. Được sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ phía Hàn Quốc, con gái mình đã nhập viện Incheon Medical Center - nơi giáo sư Chul Soo Kim làm viện trưởng. Nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm ban đầu, giáo sư chuyển bé ngay sang bệnh viện Đại học Inha (là nơi trước đây giáo sư đã điều trị thành công cho hai người Việt Nam) do kết quả rất xấu vì tế bào ác tính trong tủy là hơn 50%", chị Nguyệt chia sẻ thêm về những chông gai trên con đường chữa bệnh cho con.

Nguyệt Vy được điều trị tại bệnh viện Đại học Inha một thời gian, nhưng bệnh không thuyên giảm nhiều và được chuyển ngay sang bệnh viện Samsung Medical Center để tìm hướng điều trị mới. Đây là bệnh viện hàng đầu tại Hàn Quốc về chữa trị ung thư nhưng chi phí cũng cực kỳ đắt đỏ. Chi phí dự kiến khoảng 300.000 USD (khoảng gần 7 tỷ VNĐ) vượt 3 lần so với chi phí dự kiến ban đầu.

Nhìn con đau đớn khôn cùng nhưng vẫn luôn gắng gượng để chiến đấu lại với bệnh tật, vợ chồng chị Nguyệt không cách nào có thể buông tay con được, dù chi phí lớn vượt mọi khả năng của hai vợ chồng. 

Chỉ sau một lần đau chân dữ dội, bé gái Hà Nội chưa từng biết đến bệnh viện đã được phát hiện mắc bệnh máu trắng - Ảnh 7.

Cô bé đang có những kết quả rất tuyệt vời, chuẩn bị bước vào giai đoạn ghép tủy.

Rất may mắn trải qua 2 tháng điều trị tại Hàn Quốc, Nguyệt Vy đã đáp ứng tốt với phác đồ điều trị tại đây và có được các kết quả rất tuyệt vời: "Mẹ con mình đang đến gần hơn với phép màu. Con đáp ứng tốt, rất tốt với phương pháp điều trị tại đây, tế bào ung thư đã được đẩy lui và cơ thể con đã sẵn sàng cho ghép tủy. Đến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên trước sức chống chọi và thể trạng rất tốt của con. Có đợt truyền hóa chất cực mạnh bác sĩ thông báo trước rằng con sẽ rất mệt và đau. Con có cáu gắt, có mệt, có nôn, có chán ăn và nhiều mảng da trên cơ thể bị cháy sém do hóa chất nhưng chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày. Rất nhanh sau đó, con hồi phục và tươi tỉnh trở lại. Một tin vui nữa lại đến. Bác sĩ vừa thông báo đã tìm được tủy phù hợp với con và sẽ thực hiện ca phẫu thuật sau 3 tuần nữa".

Nhưng vấn đề quan trọng lúc này là phải có kinh phí để bé bước tiếp vào giai đoạn ghép tủy: "Hiện tại sức khỏe của con rất tốt, tinh thần rất vui tươi vì con không biết rằng con chuẩn bị bước vào một cuộc đấu tranh sinh tử đầy hiểm nguy. Con chỉ hỏi mình rằng ghép tủy là gì và có đau không. Mình lắc đầu nhưng vội quay đi giấu những giọt nước mắt. Mặc dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn mệt mỏi nhưng mình tin có sự đồng hành giúp đỡ của cả cộng đồng, mẹ con mình sẽ vững vàng bước tiếp", chị Nguyệt khẳng định niềm tin của mình.

Chi phí điều trị ban đầu 2,3 tỷ vốn quá sức, nhưng nay, khi chi phí đội lên gấp 3, phải tròn 7 tỷ mới có thể hoàn thành được ca ghép tủy, vợ chồng chị gần như bế tắc thật sự. Hiện tại, một mặt vẫn để con điều trị tại bệnh viện Samsung, một mặt 2 vợ chồng vẫn cố gắng liên lạc về Việt Nam để tìm được sự hỗ trợ. Không còn cách nào khác, chị Nguyệt phải chia sẻ lại bi kịch của mình lên mạng xã hội (facebook Nguyet Vy), cầu mong sự ủng hộ, giúp đỡ dù nhỏ nhoi từ cộng đồng.

Chia sẻ