Lật lại kỳ án

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm

Đinh Hương,
Chia sẻ

Chị em nhà Papin và vụ giết người kinh hoàng đã để lại một dấu ấn đẫm máu trong lịch sử tội phạm Pháp. Nhiều người cho rằng vụ giết người này cũng là một sự phản kháng của tầng lớp thấp cổ bé họng bị áp bức trong xã hội.

Christine và Léa Papin sinh ra trong gia đình nghèo khổ tại một ngôi làng gần Le Mans, miền Tây nước Pháp. Bố họ là một kẻ nghiện rượu và vũ phu, mẹ họ lại thường xuyên bỏ mặc nên Christine và Léa chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống. Mặc dù cách nhau 7 tuổi nhưng hai chị em họ có mối quan hệ vô cùng gắn kết. Họ còn có một người chị cả, Emilia, nhưng người này đã vào tu viện sống sau khi bị bố cưỡng bức.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 1.

Lớn lên trong một gia đình bạo lực, hai chị em họ thường xuyên phải chứng kiến và chịu đựng sự bạo hành và lạm dụng triền miên từ người bố.

Christine và Léa lớn lên trong một gia đình không lành lặn, họ phải liên tục chứng kiến và chịu đựng những cảnh tượng bạo lực và những kiểu lạm dụng khác nhau từ bố. Chính vì khoảng thời gian đen tối này, cộng với sự suy sụp tinh thần sau khi bố mẹ ly hôn, hai chị em Christine và Léa đã phải vào trung tâm trị liệu tâm thần để giúp họ lấy lại cân bằng cảm xúc.

Mối quan hệ giữa Christine và Léa là không thể tách rời. Ngay cả khi ở trong trung tâm trị liệu, họ rất hiếm khi được gặp hay nói chuyện với nhau nhưng dường như có một sợi dây vô hình nào đó liên kết hai chị em với nhau, từ hành động đến cảm xúc đều có sự tương đồng. Nhiều người không biết nhìn vào vẻ bề ngoài và sự kết nối giữa Christine và Léa sẽ cho rằng họ là cặp song sinh có "tâm linh tương thông".

Sau khi được thả tự do, Christine và Léa trở thành người giúp việc trong các hộ gia đình. Dĩ nhiên họ luôn làm việc cùng nhau. Năm 1926, họ vào làm việc trong dinh thự của René Lancelin, một luật sư về hưu sống ở thị trấn Le Mans. René sống cùng vợ - phu nhân Léonie, và cô con gái út Geneviève. Căn biệt thự 2 tầng xinh đẹp này cũng chính là nơi diễn ra vụ án mạng kinh hoàng làm rúng động cả nước Pháp không lâu sau đó.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 2.

Christine và Léa là cặp chị em không thể tách rời.

Vào làm tại đây, Christine và Léa phải phục dịch chủ nhà 14 tiếng mỗi ngày, một tuần có nửa ngày được nghỉ ngơi. Đây cũng là cường độ lao động bình thường đối với người hầu nói chung, Christine và Léa có vẻ như không hề than phiền điều gì. Cả ngày họ chỉ biết cắm mặt vào làm việc không nói chuyện hay tiếp xúc với ai khác. Dường như ngoài chị em của mình, Christine và Léa không có hứng thú nào cả với những người hay sự việc bên ngoài.

Ông chủ René chẳng mấy bận tâm đến điều đó miễn là các người hầu cứ hoàn thành tốt công việc của mình. Năm tháng yên ả trôi qua. Cho đến một đêm đầu tháng 2 năm 1933, phu nhân Léonie có hẹn với chồng tại nhà một người bạn để ăn tối nhưng mãi không thấy xuất hiện.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 3.

Hiện trường đẫm máu khiến cho bất kỳ ai chứng kiến cũng phải khiếp sợ.

René vội chạy về nhà kiểm tra thì phát hiện toàn bộ căn nhà của ông ta ngập trong bóng tối, chỉ có một chút ánh nến le lói ở phòng người hầu. Tất cả cửa nhà đều bị khóa và mọi thứ khiến cho René nghi ngờ có điều gì không hay đang diễn ra.

René nhanh chóng thông báo cho cảnh sát đến phá cửa vào nhà. Họ không biết rằng một cảnh tượng hãi hùng đang chờ đợi họ phía sau cánh cửa ấy. Mô tả của Jacques Lacan, một nhà tâm lý học và tâm thần học Pháp miêu tả đó là "một bể máu kinh hoàng thể hiện một cách sinh động nhất về sự tàn bạo của hai người giúp việc". Vợ và con gái của René đã bị sát hại vô cùng dã man. Họ bị đập vào đầu cho đến chết, đôi mắt bị móc ra, gương mặt bị phá hủy không thể nhận ra, cơ quan sinh dục của hai nạn nhân cũng bị phá hoại nghiêm trọng.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 4.

Đám tang của phu nhân Léonie và con gái út Geneviève rình rang cả một con đường.

Trong lúc đó, chị em Papin nằm khỏa thân trên giường bên trong căn phòng dành cho người hầu như chờ đợi định mệnh đến với mình. Khi cảnh sát ập vào phòng, Christine và Léa ngay lập tức nhận tội giết người với khuôn mặt lạnh tanh, không tỏ ra một chút hối hận. Hung khí của vụ án cũng được cảnh sát tìm thấy trong nhà, bao gồm một con dao làm bếp, một cây búa và một cái ấm nước.

Sau khi đưa Christine và Léa về đồn cảnh sát, cả hai bị nhốt trong hai buồng giam tách biệt. Sự chia cách này khiến cho Christine trở nên hoảng loạn tột độ. Tinh thần không ổn định, Christine bắt đầu có biểu hiện không kiểm soát được bản thân. Trong một lần nổi cơn điên, Christine đã cố móc mắt của mình ra. Sau sự việc này, Christine bị trói tay trong chiếc áo bó của bệnh nhân tâm thần và được sự canh giữ nghiêm ngặt hơn.

Trong lời khai với cảnh sát, Christine cho biết vào hôm xảy ra sự việc, cô ta cũng trải qua một cơn điên giống hệt như vậy và tất cả những hành động của cô chính là do căn bệnh tâm thần gây nên.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 5.

Chị em Papin trong phiên tòa xét xử năm 1933.

Vụ án của chị em Papin đã khiến cả nước Pháp được một phen chấn động. Vụ án thu hút sự quan tâm đông đảo của giới trí thức thời đó khi họ lập luận rằng vụ giết người này chính là biểu hiện rõ ràng nhất của cuộc đấu tranh giai cấp, khi những thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội vùng lên tìm lại sự công bằng cho mình. Họ tin rằng do thời gian làm việc khắt khe, điều kiện sống tồi tàn cộng thêm thái độ của gia chủ đối xử với họ không ra gì, chị em Papin mới trở nên phẫn uất đến như vậy.

Một số nhà tâm lý học nghiên cứu về vụ án này lại cho rằng chị em Papin mắc phải chứng tâm thần có tên là folie à deux. Đây là một hội chứng rối loạn có thể hiểu nôm na là "điên có đôi" hoặc rối loạn tâm thần chia sẻ. Sự gắn kết mật thiết của Christine và Léa đã dẫn đến những ảo giác, hoang tưởng, sự kích động bạo lực… cùng với nhau.

Tháng 9 năm 1933, phiên tòa xét xử hai chị em Papin diễn ra tại tòa án Le Mans thu hút rất đông công chúng đến xem và hồi hộp chờ đợi kết quả cuối cùng. Tòa án kết luận Christine là kẻ chủ mưu của vụ giết người man rợ và Léa chỉ tham gia một cách thụ động dưới sức ảnh hưởng của chị gái. Thực tế cho thấy, Christine chính là người mắc phải rối loạn tâm thần và là người thống trị trong mối quan hệ của hai chị em. Léa bị chị mình chi phối đến mức tính cách của bà hoàn toàn bị hòa lẫn trong tính cách của Christine.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 6.

Chị em Papin được tin là đã mắc phải hội chứng rối loạn tâm thần chia sẻ.

Chị em Papin bị kết tội giết người. Christine bị phán án tử hình bằng cách treo cổ nhưng sau đó giảm xuống còn tù chung thân. Trong thời gian thi hành án, Christine bắt đầu trở nên điên loạn khi bị tách khỏi em gái. Bà ta không chịu ăn, không chịu ngủ và rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề. Thời gian sau đó, Christine được chuyển qua một bệnh viện tâm thần để điều trị nhưng đến năm 1937, bà ta đã qua đời vì chứng suy nhược cơ thể.

Léa bị tuyên phạt 10 năm tù giam và được trả tự do vào năm 1941 do cải tạo tốt. Bà sử dụng danh tính mới, trở về sống một cuộc đời bình yên bên người mẹ già đã xa cách bấy lâu nay. Có tin tức nói rằng Léa qua đời vào năm 1982 nhưng nhiều người khá hoang mang khi năm 2000, một bộ phim tài liệu "In Search of the Papin Sisters" nói về chị em Papin của đạo diễn Claude Ventura đã khẳng định họ tìm thấy Léa. Lúc này Léa đã bị liệt nửa người và không thể nói chuyện được sau một trận động kinh.

Chị em Papin: Hai cô hầu gái tâm thần và vụ giết người đẫm máu vẫn gây ám ảnh nước Pháp sau 85 năm - Ảnh 7.

Cặp chị em sát nhân trở thành nhân vật kinh điển trong nhiều vở kịch, bộ phim và tác phẩm nghệ thuật.

Vụ án chị em Papin trở thành một vụ giết người kinh điển trong lịch sử tội phạm nước Pháp, sau này đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà trí thức, nhà tâm lý và tâm thần học. Bên cạnh đó, sự u ám và ghê rợn của vụ án cũng trở thành chất liệu sáng tác cho nhiều vở kịch, phim, bài hát và tác phẩm nghệ thuật.

(Tổng hợp)

Chia sẻ