Chị chồng - em dâu: Tốt sao cho đủ?

,
Chia sẻ

"Cái váy này em mặc rách rồi mới cho chị à. Chắc đỡ mất công mang ra sọt rác’- nghe chị chồng săm soi chiếc váy mình vừa tặng, Thương tức phát khóc.

Tối qua, Thương đã gọi điện hỏi trước: “Em có cái váy đã mặc được một lần khi đi nghỉ mát. Giờ em mang bầu, bụng to mặc không vừa nữa. Chị mặc hộ em nhé”. Chị chồng cô cười hồ hởi, còn dặn: “Để đó cho chị. Em chị em mình người tương đương, mắc cái gì cũng vừa khít”. Thế mà khi cầm chiếc váy, có mặt cả nhà, chị chồng cô lại nói kiểu ấy. Mẹ chồng Thương còn thêm vào:“Mua váy mới mà mặc. Đáng bao nhiêu”. Chị chồng Thương tỏ vẻ miễn cưỡng, vứt cái váy vào góc ghế nhưng lại không quên mang theo khi ra về.
 

Sau mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mối quan hệ giữa các chị em dâu trong nhà cũng có thể gây nên nhiều phiền phức

Chồng Thương có một người chị gái, cưới chồng và sống cách đó không xa. Biết chồng quý chị gái, Thương cũng muốn lấy lòng chị. Một lần, thấy chị chồng than kém ăn, mệt mỏi, Thương lặn lội đi bốc thuốc bắc biếu chị. Chẳng được chị chồng cảm kích và cũng chẳng được một lời cảm ơn, trái lại, Thương bị chê lên – chê xuống: “Thuốc có mùi mốc hay sao ấy. Không mua cẩn thận thì chết đấy”.

Cơm nước, mọi việc trong nhà, một mình Thương cáng đáng hết. Cứ cách ngày, vợ chồng, con cái anh chị chồng lại sang chơi, có khi ăn, ngủ tại đó nhưng chưa bao giờ, Thương được chị giúp rửa một cái bát. Cô có cảm giác, chị chồng nghiễm nhiên coi chuyện nhà là của em dâu.

Cùng cảnh với Thương, Tiên (quận 1, TP HCM) hết lòng chiều chị dâu nhưng chỉ chuốc lấy bực mình. Hai chị em làm cùng phố. Tiên chủ động rủ chị dâu đi ăn trưa và giành phần trả tiền. Vài lần đầu, cô còn thấy chị dâu thiện chí: “Để chị trả” nhưng nhiều lần sau, ăn xong là chị ngồi hí hoáy điện thoại hoặc báo có việc bận là đứng lên, đi luôn. Tiên bảo, biết thế cô không chiều chị dâu ngay từ đầu để đỡ nhận lại phần thiệt thòi cho mình.

Tốt sao cho đủ

Sau mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mối quan hệ giữa các chị em dâu trong nhà cũng có thể gây nên nhiều phiền phức. Nhiều nàng dâu mới có suy nghĩ đơn giản là cứ hết lòng chiều bố mẹ chồng, chị em chồng là được đền đáp lại. Tuy nhiên, tình cảm có thể diễn biến theo chiều hướng không như nàng dâu mong muốn. Khi ấy, nàng dâu sẽ bị tổn thương vì ai cho đi, cũng mong được nhận lại. Chưa kể nàng dâu có thể trở nên oán ghét vì cách ứng xử không được tế nhị, tâm lý của chị em chồng.

Nguyên tắc là không nên cả nể để chiều ý của cả nhà chồng. Chuyện gì cũng có những giới hạn riêng. Hơn nữa, một người được chiều nhiều, dần dần sẽ thành thói quen, coi đó là chuyện đương nhiên, không cần đáp lại. Tâm lý em dâu mới về phải làm việc này, việc kia, mua cái này, cái kia, còn mình thì hiển nhiên được… nhận không hiếm ở các thành viên trong nhà chồng. Do đó, khi đã tạo thành thói quen thì rất khó để thay đổi. Hoặc nếu nàng dâu có ấm ức muốn thay đổi thì cũng không nhận được sự cảm thông của nhà chồng. Trái lại, có khi còn mang tiếng “dâu hư”, “đổ đốn”… gây sứt mẻ tình cảm.

Vì thế, nàng dâu cần xác định cái gì có thể làm, cái gì có thể từ chối. Cần nêu ý kiến của mình để nhà chồng hiểu và thông cảm với mình hơn.

Theo Ngọc Bình
Mevabe

Chia sẻ