Chỉ cần làm việc đơn giản này, con sẽ nhanh biết nói, trí tuệ phát triển

M.P,
Chia sẻ

Bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Con bạn biết nói sớm hay muộn phụ thuộc nhiều vào cách kích thích và giao tiếp với con ngay từ khi chào đời.

Thông thường, giai đoạn từ 11 đến 14 tháng, trẻ bắt đầu bập bẹ phát âm những từ đầu tiên. Đây là thời điểm môi, lưỡi có sự khéo léo, uyển chuyển và não bộ có thể nhận dạng được các sự vật và tên gọi. Mỗi đứa trẻ đều trải qua dấu mốc quan trọng này trong cuộc đời, tuy nhiên, cha mẹ cũng cần đóng vai trò kích thích và giao tiếp với con từ sơ sinh để trẻ sớm tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn.

Chỉ cần làm việc đơn giản này, con sẽ nhanh biết nói, trí tuệ phát triển - Ảnh 1.

Trẻ sẽ dùng tiếng khóc để giao tiếp trước khi biết nói (Ảnh minh họa).

Trò chuyện cùng con

Mẹ hãy dành thời gian giao tiếp với bé một cách tự nhiên, mọi lúc có thể để giúp bé biết nói sớm với một số cách sau đây:

- Gọi tên mọi đồ vật trong nhà: Chẳng hạn như khi tắm, bạn hãy chỉ cho trẻ “đây là dầu gội đầu”. Từ những điều như thế, trẻ sẽ dần dần xây dựng vốn từ vựng cho riêng mình.

- Đọc cho con nghe: Thoạt đầu các con sẽ chưa hiểu những điều bố mẹ đang nói đâu. Tuy nhiên theo thời gian, cách này có thể kích thích các giác quan của trẻ và đồng thời khơi nguồn cảm hứng đọc cho con.

- Chơi trò chơi bắt chước như ú òa: Sẽ giúp con tăng cường khả năng lắng nghe và trò chuyện. Hãy tán thưởng khi bé bắt chước chuyển động và âm thanh của bạn.

Chỉ cần làm việc đơn giản này, con sẽ nhanh biết nói, trí tuệ phát triển - Ảnh 2.

Mẹ hãy dành thời gian giao tiếp với bé một cách tự nhiên, mọi lúc có thể để giúp bé biết nói sớm (Ảnh minh họa).

- Hát cùng con: Trẻ nhỏ đa phần có tâm hồn yêu nhạc bẩm sinh. Vì vậy hát sẽ là cách tuyệt vời để bé làm quen với các dạng âm thanh.

- Tạo ra một cuộc “tán gẫu” thực thụ: Khi bé bi bô, bố mẹ hãy nhớ đáp lại bé với những âm thanh tương tự. Hãy cùng con trò chuyện và tạo ra những “ngôn ngữ vui vẻ”. Sau mỗi câu trả lời của bạn thì dừng lại một chút để bé “đáp lời”, như vậy bé có thể cảm nhận chân thực đây giống như một cuộc hội thoại thật sự với bố mẹ vậy.

Cùng con tập nói những từ đầu tiên

Khoảng 1 tuổi, bé sẽ nói được những từ đơn giản bé bắt chước người lớn. Chẳng hạn như mẹ nói “spaghetti” thì bé lặp lại “gheddi”. 16 tháng tuổi, bé gái đã xây dựng được vốn từ khoảng 50 từ trong khi bé trai là 30 từ. Quá trình phát triển ngôn ngữ của mỗi bé là khác nhau và sự khích lệ của bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong đó.

Giai đoạn này bố mẹ nên đọc sách cho con nghe. Mỗi trang sách, mỗi câu kể, mẹ hãy chỉ vào các hình ảnh, màu sắc và đặt ra các câu hỏi để bé cảm thấy hứng thú hơn.

Chỉ cần làm việc đơn giản này, con sẽ nhanh biết nói, trí tuệ phát triển - Ảnh 3.

Cùng con tham gia các trò chơi cũng giúp kích thích sự phát triển ngôn ngữ ở bé (Ảnh minh họa).

Cùng con tham gia các trò chơi, chẳng hạn như trò nông trại, bạn có thể chỉ cho con các con vật, tên gọi của chúng, tiếng kêu của chúng. Cách này sẽ giúp con mở rộng vốn từ vựng rất nhiều.

Không lập tức đáp ứng yêu cầu của bé vì điều này sẽ vô tình làm chậm thời gian học nói của con. Ví dụ như khi bé chỉ vào chai hoặc bình đựng nước là bạn đã rót nước cho bé ngay, không cần bé phải phát âm ra tiếng nói. Làm như vậy khiến bé rất lười nói và phát âm bởi bé biết là chỉ cần ra hiệu, người lớn cũng hiểu được ý của mình. Bé không bị kích thích phải phát âm và có rất ít cơ hội để nói.

Tập cho con nói thành câu

Lớn hơn một chút con sẽ bắt đầu nói những câu ngắn và từ ghép như “quả bóng” hay “ăn cơm”… Đây là lúc bố mẹ cần tăng độ khó và khích lệ con nói nhiều hơn.

Giờ thì mỗi khi đọc sách, hãy nhờ con miêu tả màu sắc, hình ảnh trong bức tranh. Tuy nhiên không nên cố ép buộc bé, bởi càng thúc ép, trẻ càng lì lợm và không muốn nói.

Hãy tăng độ khó của câu. Ví dụ khi con nói “chó con sủa” thì mẹ có thể đáp lại bằng câu hoàn thiện hơn như “đúng rồi, chó con đang sủa đấy!”.

Xây dựng vốn từ vựng cho con

2 tuổi trẻ sẽ bắt đầu sử dụng nhiều câu phức hơn với các đại từ, tính từ, giới từ. Hãy sẵn sàng cùng con bắt đầu cuộc hội thoại thực thụ. Các mẹo sau đây sẽ giúp bố mẹ luyện tập với bé thật hiệu quả:

- Không phủ nhận hoàn toàn câu nói của con dù có sai mà mẹ có thể đáp lại bằng câu đúng nghĩa hơn. Ví dụ bé nói “bố làm rồi!”, thì bạn đáp lại rằng “đúng rồi, bố vừa đi làm rồi.”

Tuy nhiên, hãy để con sửa sai cho bạn. Giả vờ mắc lỗi chẳng hạn như vừa mặc quần cho con vừa nói “đội mũ vào nào”. Bé con của bạn chắc chắn sẽ khoái chí và cười khúc khích vì lỗi sai của mẹ đấy.

Chỉ cần làm việc đơn giản này, con sẽ nhanh biết nói, trí tuệ phát triển - Ảnh 4.

Đọc sách không giúp bé biết nói sớm mà còn kích thích trí tuệ bé phát triển (Ảnh minh họa).

Khi nói chuyện với con có thể ngừng lại đôi chỗ để nhờ bé hoàn thành câu. Việc này sẽ giúp con có thời gian suy nghĩ, động não để điền vào câu còn thiếu.

- Dẫn bé đến sở thú hoặc nơi bé yêu thích để bé được quan sát mọi thứ xung quanh và yêu cầu con kể lại câu chuyện về chuyến đi đó.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có vấn đề về ngôn ngữ

Hiện nay, khoảng 1/4 trẻ em gặp phải tình trạng chậm nói. Trong đó có đến một nửa số trẻ cần được theo dõi, điều trị. Theo Tiến sĩ Leslie Rescorla, giám đốc Viện Nghiên cứu Trẻ em tại Trường Cao đẳng Bryn Mawr (Mỹ) cho biết: “Khoảng 2 tuổi rưỡi mà trẻ có biểu hiện chậm nói thì cần theo dõi và có sự can thiệp”. Dưới đây là 1 số dấu hiện con bạn có vấn đề về phát triển ngôn ngữ:

- Con chỉ nói những âm tiết đơn hoặc bỏ phụ âm cuối.

- Không thể nói những câu dài hoặc đặt câu hỏi. Không thể sử dụng ngôn ngữ để trò chuyện ngoài những nhu cầu cần thiết.

- Bố mẹ khó hiểu ý con muốn diễn đạt.

Nguồn: Parenting

Chia sẻ