Cháu bé sinh trên máy bay được đặt tên theo cơ trưởng

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Sáng 5-3, tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng, mẹ con của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (26 tuổi, Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam) được vây quanh bởi rất nhiều người đến chung vui sau khi nghe tin chị sinh trên máy bay vào chiều hôm trước.

Gia đình chị Nga và con trai được sinh ra trên máy bay tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng sáng 5-3 - Ảnh: Đoàn Cường

Gia đình chị Nga và con trai được sinh ra trên máy bay tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng sáng 5-3 - Ảnh: Đoàn Cường

Dù mới sinh nhưng chị Nga rất tỉnh táo ngồi nói chuyện với mọi người.

Theo chị Nga, do thai nhi được hơn 8 tháng, dự sinh vào ngày 26-3 tới nên vợ chồng chị từ Bình Dương về quê chuẩn bị sinh nở. Do thêm cháu nhỏ mới 19 tháng tuổi, không tiện đi xe đò, vợ chồng chị mua vé máy bay giá rẻ để về.

“Nhưng sau khi lên máy bay khoảng 15 phút, tôi bị ra ối dù không có dấu hiệu đau bụng” - chị Nga kể.

“Khi nước ối ra nhiều, vợ chồng hoảng quá nên la toáng lên và báo tiếp viên” - anh Dương Văn Võ Phúc, chồng chị Nga, tiếp lời.

Sau khi các tiếp viên dùng loa thông báo và một bác sĩ người nước ngoài cùng đi trên máy bay nhận lời giúp, chị Nga “vượt cạn” thành công.

“Lúc đó vợ chồng tôi cũng lo lắm, nhưng bác sĩ nắm tay động viên đừng lo lắng vì có bác sĩ đây rồi. Và thật là may mắn, chỉ gần 25 phút sau cháu bé chính thức ra đời, với cân nặng 2,7kg” - chị Nga vui vẻ nói.

Để ghi nhớ một kỷ niệm để đời, chị Nga cho biết vợ chồng chị đặt tên ở nhà cho cháu là Jetstar - tên hãng hàng không mà vợ chồng chị đi, còn tên trên giấy khai sinh sẽ là Xuân Đăng, tên của cơ trưởng chuyến bay.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Huệ - tiếp viên trưởng chuyến bay này - cho rằng đó là khoảnh khắc “căng thẳng nhất” trong 23 năm làm tiếp viên hàng không của mình.

“Chị Nga nhỏ con nên bụng cũng không lớn lắm, lại có giấy của bác sĩ cho biết thai 30 tuần, giấy miễn trừ cũng đã có nên mọi thứ bình thường” - chị Huệ nói. Thế nhưng khi máy bay đã bay bằng ở độ cao 10.000m, chồng chị Nga chạy đến thông báo “vợ em vỡ ối rồi”.

“Tôi nghe khách báo mà hết cả hồn, nhưng ngay lập tức thông báo với cơ trưởng rồi đề nghị rao tìm bác sĩ trên chuyến bay hỗ trợ” - chị Huệ kể.

Và sau khi một nữ bác sĩ người nước ngoài, bà Fiona Sutton Julia, xung phong trợ giúp, một nữ hành khách người nước ngoài khác cũng đứng lên tự giới thiệu mình là tiếp viên của Hãng hàng không Air France (Pháp) đề nghị được cùng các thành viên tổ bay hỗ trợ cho sản phụ sinh con. Vài phút sau, cháu bé đã ra đời, mọi người vỗ tay ầm ĩ và hàng loạt lời chúc mừng.

Theo chị Huệ, lúc đó rất căng thẳng. Ai cũng lo bởi vì thai nhi chỉ mới 30 tuần tuổi, mình chẳng có kinh nghiệm gì.

“Em bé chào đời môi hồng hào và mẹ khỏe mạnh, tôi như dỡ bỏ được một tảng đá đè nặng, bởi nếu có biến cố gì thì không biết làm sao để trở tay kịp” - chị Huệ cho biết.

Do máy bay đang giảm độ cao, cơ trưởng đã báo tình hình với các bộ phận ở mặt đất yêu cầu hỗ trợ bác sĩ, xe cứu thương chờ sẵn nên nữ bác sĩ Fiona Sutton Julia đã quyết định không cắt dây rốn cho hai mẹ con mà để chờ đưa vào bệnh viện.

16g15, máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, chị Nga và em bé được đội ngũ bác sĩ, đại diện Jetstar Pacific cùng xe cứu thương trực sẵn chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng để tiếp tục chăm sóc.

“Nếu không có vị bác sĩ kia, không biết kết quả của sự việc thế nào” - chị Huệ nhớ lại.

Theo kế hoạch, tổ bay của chị Huệ phải hoàn tất 4 chặng bay nhưng do “quá căng thẳng”, sau khi về TP.HCM cả tổ bay đã đề nghị tạm nghỉ.

Chia sẻ