Chàng trai 24 tuổi nguy kịch sau cơn sốt cao: Cảnh báo 20% dân số Việt có vi khuẩn gây ra căn bệnh này

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Thống kê cho thấy có khoảng 10-20% dân số mang loại vi khuẩn này tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng. Thậm chí khi xảy ra dịch, tỉ lệ này có thể lên đến 40-50%.

Thông tin này được cho biết trong một báo cáo khoa học tại Hội nghị Công tác tuyến năm 2018, diễn ra ở BV Quân y 175 (TP.HCM).

Theo đó vào giữa năm 2018, tại Quân đoàn 3 bất ngờ xuất hiện một ổ dịch bệnh nhiễm não mô cầu. Có 16 trường hợp đã chuyển đến Bệnh viện (BV) Quân y 211 (tỉnh Gia Lai). Trong đó, có một bệnh nhân rất nặng.

Đột ngột sốt cao và cứng gáy, nam quân nhân nguy kịch

Bệnh nhân tên Lê Hữu Th. (24 tuổi) phát bệnh với biểu hiện đột ngột sốt cao, đau đầu buồn nôn, cứng gáy, ban xuất huyết rải rác ngoài da.

Sau khi được Quân y đơn vị nhận định bị viêm màng não mô cầu, bệnh nhân được sơ cứu và chuyển ngay đến BV Quân y 211 vào rạng sáng ngày hôm sau.

Lúc nhập viện, anh Th. lơ mơ, tiếp xúc chậm, sốt cao, ban nổi ngoài da có dấu hiệu hoại tử, phải theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Các BS đã xử trí cách ly, tiêm kháng sinh, đặt đường truyền tĩnh mạch và kết hợp rất nhiều thuốc chuyên biệt.

Chàng trai 24 tuổi nguy kịch sau cơn sốt cao: Cảnh báo 20% dân số Việt có vi khuẩn gây ra căn bệnh này - Ảnh 2.

Bệnh nhân vào cấp cứu tại BV Quân y 175.

Tuy nhiên bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, tình trạng suy đa cơ quan nặng dần. Nổi bật là tình trạng rối loạn huyết động, suy thận cấp, rối loạn đông máu nặng. Trước tình hình này, Cục Quân y đã xin hỗ trợ từ BV Quân y 175 (Bộ Quốc phòng)

Tiến hành hội chẩn cấp cứu giữa 2 BV, các BS nhận định bệnh nhân bị viêm não mô cầu nặng, nguy cơ suy đa cơ quan tiến triển, đặc biệt là tình trạng xuất huyết nội tạng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Ekip điều trị đã truyền huyết tương đông lạnh kết hợp truyền khối hồng cầu cùng nhóm, vitamin K, đồng thời huy động máu tươi và tiểu cầu từ người nhà và các đồng đội của bệnh nhân.

Sau xử trí này, anh Th. đáp ứng một phần về huyết động tuy nhiên tình trạng suy đa cơ quan và rối loạn đông máu không cải thiện nhiều, suy hô hấp nặng hơn. Bệnh nhân có chỉ định thông khí xâm nhập, truyền máu tươi và lọc máu liên tục.

Chàng trai 24 tuổi nguy kịch sau cơn sốt cao: Cảnh báo 20% dân số Việt có vi khuẩn gây ra căn bệnh này - Ảnh 3.

Một bệnh nhân bị viêm màng não mô cầu nặng được cứu sống.

Sau 24 giờ lọc máu và điều trị tích cực, tình trạng suy đa cơ quan của bệnh nhân dần thuyên giảm, thận hồi phục hoàn toàn, không còn tình trạng chảy máu tại các nơi tiêm truyền.

Tiếp tục duy trì các biện pháp điều trị, 80 giờ sau khi bắt đầu lọc máu bệnh nhân thoát sốc, rút ống nội khí quản và qua giai đoạn nguy hiểm.

Sau 16 ngày điều trị, theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân ổn định.

10-20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu

BS Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc BV Quân y 175 cho biết, 16 trường hợp được đưa về BV Quân y 211 trong vụ dịch do não mô cầu xảy ra tại Quân đoàn 3 đều trong độ tuổi 20-21. Trong đó một số trường hợp xét nghiệm dịch não tủy có não mô cầu typ B.

Bệnh viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hay nhiễm khuẩn huyết. Bệnh có thể gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Chàng trai 24 tuổi nguy kịch sau cơn sốt cao: Cảnh báo 20% dân số Việt có vi khuẩn gây ra căn bệnh này - Ảnh 4.

Nhờ điều trị kịp thời, bệnh nhân này đã thoát chết và phục hồi nhanh, cử động được tay chân tốt.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bị nhiễm khuẩn. Khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm virus đường hô hấp khác.

Bệnh xảy ra rải rác hoặc thành dịch ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu vào mùa đông xuân.

Nhiễm não mô cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi. Những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư…) và có cơ địa suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Trong quá khứ, Châu Phi nói chung và khu vực Sahara là nơi có các vụ dịch lớn xảy ra như vụ dịch năm 1996-1997 có 250.000 người mắc và 25.000 ca tử vong. Vụ dịch năm 2009 tại 14 nước châu Phi với hơn 88.000 người mắc và trên 5.300 trường hợp tử vong.

Ở Việt Nam vào năm 1976, vụ dịch do não mô cầu nhóm C gây ra làm 1.015 người mắc. Từ 2012-2016 cả nước có 650 ca bệnh.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước chỉ có 10 ca dương tính não mô cầu nhưng vẫn có người tử vong.

Theo các BS, ước tính khoảng 10-20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng. Khi có dịch, tỉ lệ này có thể lên đến 40-50%.

Chàng trai 24 tuổi nguy kịch sau cơn sốt cao: Cảnh báo 20% dân số Việt có vi khuẩn gây ra căn bệnh này - Ảnh 5.

BS cho biết nguyên tắc chung trong điều trị bệnh do nhiễm não mô cầu là chẩn đoán sớm, sử dụng kháng sinh, hồi sức tích cực và cách ly bệnh nhân.

Biểu hiện bệnh viêm não mô cầu bao gồm:

Nhiễm trùng rõ: Sốt cao đột ngột, rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu.

Có dấu hiệu ở màng não – não: Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng, rối loạn ý thức, co giật, hôn mê. Ở trẻ nhỏ có thể gây tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm.

Ban xuất huyết hoại tử hình sao: Xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới.

Nếu chậm trễ, bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào sốc, đông máu nội mạch rải rác, suy thượng thận, suy đa tạng và có thể tử vong trong vòng 24 giờ.

Điều trị bệnh não mô cầu

Theo BS Vũ Đình Ân, khoa Hồi sức tích cực BV Quân y 175, nguyên tắc chung trong điều trị bệnh do nhiễm não mô cầu là chẩn đoán sớm, sử dụng kháng sinh, hồi sức tích cực và cách ly bệnh nhân.

Thời gian điều trị kháng sinh tối thiểu từ 7-14 ngày hoặc 4-5 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng huyết động ổn định, xét nghiệm dịch não tủy bình thường.

Các biện pháp hỗ trợ khác là hạ sốt, an thần, chống phù não, đảm bảo hô hấp, hồi sức tuần hoàn, lọc máu liên tục.

Để phòng chống bệnh này, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân (rửa tay, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn), nơi ở và tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để thăm khám.

Với nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm việc thực hiện cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc, khử khuẩn đồ dùng và chất thải, dịch tiết mũi họng của bệnh nhân.

Chia sẻ