"Chẳng có cuộc ly hôn nào mà khiến cả 2 đều thấy hài lòng vì đơn giản cùng có mặt ở đây đã là cả 1 sự đau lòng rồi"

Kẹo,
Chia sẻ

"Mỗi người hiểu đối phương theo 1 kiểu và không ai chịu lắng nghe ai thì bảo sao chả có cuộc ly hôn mang phong cách 'cô dâu 8 tuổi này'", anh D đưa ra quan điểm.

Giữa vụ ly hôn hot hơn cả chuyện showbiz của "vua cà phê" Trung Nguyên, dân tình lại được phen bộc lộ hết quan điểm. Những cuộc tranh luận gay gắt không kém trên tòa án, những ý kiến trái chiều, nhận xét bình luận về cặp vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cuốn cộng đồng mạng đi theo hai "phe" khác biệt. Nhưng không phải ai cũng có thể phân tích công bằng và khách quan như người đàn ông này - 1 người chồng, người cha không hề cao siêu hay nổi tiếng.

Mới đây, một người đàn ông có tên T. D đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên trên trang cá nhân. Anh viết như sau: "Hòa chung không khí của dân tình, tôi muốn kể cho các ông nghe cuộc tranh luận nảy lửa của vợ chồng tôi tối nay. Vợ tôi đọc bài báo vụ ly hôn cà phê Trung Nguyên xong bảo chồng: 'Đấy anh thấy chưa, một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới. Đàn bà bản lĩnh có khác, nói chỉ có chuẩn'. Tôi độp luôn: 'Họa thằng đấy bị thần kinh. Rất tiếc anh không phải đại trượng phu, anh chỉ đang tập tu'. Thế mà vợ tôi nó sưng vác mặt lên tuôn 1 tràng nào là đàn ông các anh bạc, phụ nữ phải hi sinh thế nọ thế kia. Ok tôi không phủ nhận công lao của phụ nữ nhưng kiểu ngồi ngoài đường mà nói chuyện trong nhà nhà người ta rồi đánh đồng ai cũng như ai thì không thể chấp nhận được.

Chẳng có cuộc ly hôn nào mà khiến cả 2 đều thấy hài lòng vì đơn giản, có mặt ở đây đã là cả 1 sự đau lòng - Ảnh 1.

Ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo.

Nếu nói về chuyện ly hôn của ông Vũ bà Thảo, tôi thấy chẳng có ai sai mà cũng chẳng có ai đúng. Là 1 người đàn ông, cũng là cha của 4 đứa con, cũng từng đam mê ngồi thiền, chỉ có điều, tiền của tôi chỉ bằng 1 phần con con của ông Vũ thôi. Tôi không bênh ông Vũ cũng chẳng 'nằm dưới gầm giường' nhà ông ấy nhưng cùng là đàn ông với nhau tôi hiểu được phần nào những tâm tư của ông Vũ.

Tôi thấy nhiều người nói ông Vũ có vẻ không cần tiền nhưng lại khăng khăng đòi 70% cổ phẩn, thế là hèn. Người ta cũng bảo ông vô trách nhiệm với con cái, ông dở điên dở khùng nên vợ mới đề phòng nhưng tôi nghĩ hành động của ông ấy không phải vì tiền. Có thể vì những lý do cá nhân, vì những tâm tư không thể giãi bày, ông mới chọn cách tìm nơi thanh tịnh ẩn mình. Nhưng tôi tin chắc ông Vũ phải tin tưởng vợ có thể quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái ông ấy mới lên núi. Người đàn ông đôi khi có những suy nghĩ, những điều khó nói mà không dễ dàng tìm được người sẵn sàng lắng nghe. Nhất là khi ông ấy không còn cảm thấy được tiếng nói chung với vợ.

Theo kinh nghiệm của tôi, vệc bất đồng quan điểm trong cách kinh doanh cũng là yếu tố tàn phá tình cảm vợ chồng ghê gớm. Nên tôi ngẫm rồi, vợ chồng không thể làm chung nghề, mệt mỏi lắm. Lúc nào cũng căng đầu với những chiến lược kinh doanh, nuôi tâm huyết, cuối cùng thứ cần 'nuôi' thì lại cứ chết dần. Thế nên, tôi mạnh dạn khẳng định ông ấy quyết liệt với vợ để chứng minh vị thế, danh dự, tâm huyết với Trung Nguyên của mình. Chứ nếu vì tiền đơn thuần ông Vũ đã không tuyên bố với vợ: 'Không ai tranh giành với cô, tiền là của cô, của các con hết', cái ông ấy cần là cổ phần, để "đứa con Trung Nguyên" của ông ấy không rơi vào tay ai khác. Mà đúng thật, chả ai thấu hiểu 'con' bằng 'cha đẻ'. Chứ không ông mang tiếng xấu làm gì?

Chẳng có cuộc ly hôn nào mà khiến cả 2 đều thấy hài lòng vì đơn giản, có mặt ở đây đã là cả 1 sự đau lòng - Ảnh 2.

Anh T. D bày tỏ quan điểm.

Còn bà Thảo, người thì bảo bà tham, người bảo phụ nữ kiểu gì cũng thiệt thòi nhất. Nhưng đứng trên phương diện của bà ấy, tôi cho rằng tham cũng có cái lý của tham. Là vợ, ai mà chịu được chồng mình đột nhiên bỏ đi biệt tăm 6 năm trời rồi buông xuôi với tất cả, về nhà lại lạ kì, bí ẩn. Tôi mà là bà ấy tôi còn tưởng tượng ra đủ kiểu ấy chứ. Đúng là bà Thảo ôm mộng lớn chứ không đơn thuần là đòi quyền lợi cho các con, nếu chỉ là cấp dưỡng thì tiền là đủ rồi chứ ham hố mấy cái cổ phần làm gì. Tóm lại ai cũng có công, và ai cũng muốn độc chiếm cái thành quả từ công mình bỏ ra.

Mỗi người hiểu đối phương theo 1 kiểu và không ai chịu lắng nghe ai thì bảo sao chả có cuộc ly hôn mang phong cách 'cô dâu 8 tuổi này'. Ông thì thấy bà lộng quyền, tham lam, không chịu an phận, bà lại nghĩ ông thay đổi kì lạ chứng tỏ không tâm thần thì cũng ngoại tình, có kẻ khác xúi giục. Ông thì nghĩ đến những thứ cao siêu, triết lý đạo đức, tầm nhìn không thể tầm thường nhưng bà lại chỉ nhăm nhăm vào thực tế, vào những thứ 1 là 1 mà 2 phải là 2.

Tôi nhớ Tiến sĩ Lê Thẩm Dương từng nói: 'Lấy vợ khôn cũng tuyệt vời đấy, nhưng đến lúc nó nổi cơn khôn thì thằng đầu tiên nó lừa là chính mình'. Nói vui vậy thôi chứ tôi không ám chỉ bà Thảo hay ai cả. Điều tôi muốn nói là tư duy và lối suy nghĩ muôn đời của đàn ông và đàn bà là không thể thay đổi. Đàn ông thích lấy vợ đẹp, uyên bác chút nhưng vẫn phải đảm đang, có thể giỏi giang, tự lập nhưng cần biết vị trí của mình là đằng sau chồng, làm chồng sang chứ không phải ngồi sánh ngang với chồng. Còn đàn bà, kiểu gì cũng phải mạnh mẽ, lúc nào cũng bật chế độ đề phòng, chồng có biểu hiện lạ là thu vén tài sản nhằm có lợi cho mình, cho con ngay.

Đấy, cho nên là chả ai sai cả, và cũng chẳng có cuộc ly hôn nào mà khiến cả 2 đều thấy hài lòng vì đơn giản, có mặt ở đây đã là cả 1 sự đau lòng. Thế nên, các ông ạ, việc của chúng mình là cứ cố mà nghĩ 'làm gì để nhiều tiền' trước đã rồi mới thấm được đến đoạn 'tiền nhiều để làm gì'. Đến khi hiểu được chân lý ấy thì cố mà bấm bụng: 1 lần dắt tay nhau lên phường là đủ rồi, đừng lên tòa thêm nữa".

Ý kiến của anh D như nói lên cả nỗi lòng của người làm chồng, làm vợ. Vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên vẫn chưa đến hồi kết dù ông Vũ, bà Thảo đã đưa nhau ra tòa không biết đến bao nhiêu lần trong suốt 4 năm qua, nhưng những bài học hôn nhân của họ để lại khiến nhiều người phải suy ngẫm. Hôn nhân là cả một chặng đường dài, cùng nhau vượt khó, xây dựng những tháng ngày hạnh phúc bên nhau không có nghĩa quá khứ tươi đẹp ấy sẽ còn nguyên giá trị ở hiện tại.

Vậy nên dù là bao nhiêu năm vợ chồng tình nghĩa, có mất niềm tin, không thể tiếp tục chung sống, không cùng xây đắp tương lai thì cũng đừng làm mòn đi những năm tháng đã cùng nhau đi qua. Hãy để chút kí ức đẹp làm hành trang cho các con, làm niềm an ủi cho bản thân mỗi người để cả 2 có thể thanh thản mà bước tiếp, mỉm cười nhớ về nhau như 1 trong những giai đoạn đáng nhớ của cuộc đời. Hết yêu thì buông, hết tình thì bỏ mà hết nghĩa thì nhẹ nhàng mà bước đi, không hận, không oán, không thù hằn, ấy mới là chân ái.

Chia sẻ