Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 2

ZKNIGHT,
Chia sẻ

Nhiều người cho rằng cấy ghép tử cung là không cần thiết, bởi vô sinh không phải là một tình trạng đe dọa tính mạng.

Các cuộc phẫu thuật mang tính chất xác định giới tính đầu tiên được thực hiện cách đây 50 năm, dĩ nhiên, bắt nguồn từ mong muốn của người chuyển giới. Mặc dù vậy, niềm tin văn hóa cũng đóng vai trò một phần. Tất cả mọi người khi đó đều cho rằng con người chỉ có 2 giới tính, nam và nữ. Theo đó, giới tính của một người nên khớp với cơ quan sinh dục và sinh sản mà họ có.

Ý tưởng lúc đó cho rằng, thứ mà người chuyển giới cần ở những lần can thiệp y tế là để chuyển đổi giới tính của họ, từ nam thành nữ hoặc nữ thành nam. Và giới được định nghĩa bằng cơ quan sinh dục hoặc sinh sản”, nhà nhân chủng học Eric Plemons đến từ Đại học Arizona cho biết.

Tuy nhiên, những quan niệm cũ về giới tính cho tới nay đã lỗi thời. Xã hội đang dần chấp nhận một bản đồ giới tính đa dạng hơn, với hàng chục giới tính khác nhau ngoài nam và nữ. Nhờ đó, phẫu thuật giới tính cũng sẽ trở nên phổ biến và quyền năng hơn.

Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 2 - Ảnh 1.

Một bảng phân chia nhận dạng giới tính, có tới hàng chục giới tính khác nhau

Plemons cho biết các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đang cân nhắc xem, liệu họ có nên xây dựng bộ phận sinh dục kép cho những người chuyển giới có nhu cầu đó hay không - ví dụ, một số người đàn ông chuyển giới muốn tạo hình dương vật, nhưng họ cũng muốn giữ lại một phần âm đạo.

Những công nghệ mới chắc chắn có thể tăng cường khả năng phẫu thuật cho người chuyển giới. Ngay bây giờ, một người đàn ông chuyển giới có thể lựa chọn cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần vú, cắt bỏ tử cung, và tạo hình dương vật.

Phụ nữ chuyển giới có thể trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, nhận mô cấy ngực, cắt bỏ một hoặc cả hai tinh hoàn, tạo hình âm đạo. Hầu hết các nghiên cứu hiện nay đều tập trung vào mục đích nâng cao tính an toàn và hiệu quả của các loại hình phẫu thuật này.

Ví dụ, một số bác sĩ phẫu thuật sử dụng Da Vinci, một công cụ phẫu thuật bằng robot, để thực hiện phẫu thuật giới tính. Lí do vì robot có thể hoạt động chính xác hơn bàn tay con người trong các thủ thuật. Các kỹ sư y sinh thì đang muốn thiết kế được các thủ thuật tái tạo tốt hơn, nhờ đó, người chuyển giới có thể được tạo hình vú, âm đạo, dương vật và tinh hoàn giống thật hơn.

Nghiên cứu tế bào gốc cũng góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Các nhà khoa học đã biết cách nuôi tế bào phát triển thành cơ quan trong phòng thí nghiệm. Trong nỗ lực này, Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina đã thực hiện cấy ghép thành công âm đạo và niệu đạo.

Anthony Atala, bác sĩ dẫn đầu của dự án, cho biết họ hiện đang nghiên cứu để tạo ra được tới 30 cơ quan khác nhau bao gồm bàng quang và khí quản.

Để phát triển các cơ quan ghép trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã lấy mô nuôi cấy ban đầu từ chính người nhận, qua đó giảm nguy cơ cấy ghép bị đào thải. Collagen được sử dụng để tạo hình cho các mô phát triển thành cơ quan.

Thí nghiệm của bác sĩ Atala với các cơ quan nuôi trong phòng thí nghiệm vẫn đòi hỏi nghiên cứu sâu hơn và kiểm tra tác động lâu dài với người nhận cấy ghép. Nhưng trong tương lai gần, chúng có thể sớm trở nên phổ biến hơn.

Đối với Caleb Wilvich, tất cả những tiến bộ này điều này rất thú vị. "Nếu tôi có thể vẫy cây đũa thần, sẽ không chỉ là cấy ghép tử cung, mà tôi còn muốn cả việc trao đổi cơ quan cấy ghép. Vì nhiều lí do khác nhau, những người không muốn có tử cung, âm đạo, dương vật hoặc vú có thể tặng những bộ phận cơ thể đó cho người khác".

Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 2 - Ảnh 2.

Một âm đạo được nuôi từ tế bào trong phòng thí nghiệm của bác sĩ Atala

Các ca cấy ghép tử cung công khai trong một vài năm qua ở Mỹ và Châu Âu chỉ dành cho đối tượng là phụ nữ, những người là phụ nữ thực sự. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng đã có những lần phụ nữ chuyển giới được thử nghiệm thủ thuật này.

Vào năm 1931, một người phụ nữ chuyển giới đã được ghép tử cung vào cơ thể nhưng đã chết vì biến chứng. Tại thời điểm thập niên 30 của thế kỷ trước, kết quả đó dường như là tất yếu, khi các liệu pháp ức chế miễn dịch chống đào thải tạng ghép chưa được phát triển.

Bây giờ cho đến một tương lai khi cấy ghép tử cung trở nên phổ biến, chưa biết phụ nữ chuyển giới có thể được ủng hộ để ghép tử cung hay không. Câu trả lời nằm ở việc điều đó có lợi gì và có thực sự cần thiết cho họ, khi cái giá phải trả là rất lớn, không chỉ tiền bạc mà còn liên quan đến cả đạo đức.

Nhiều người cho rằng cấy ghép tử cung là không cần thiết, bởi vô sinh hoặc người chuyển giới không có con không phải là một tình trạng đe dọa tính mạng, mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của họ.

Trước đây, đã từng có những nghiên cứu xác nhận người chuyển giới có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, bằng cách tiếp cận các biện pháp y khoa dành cho họ, chẳng hạn như sử dụng hooc-môn, phẫu thuật chuyển giới.

Trong tương lai, những phụ nữ chuyển giới có thể sử dụng những nghiên cứu này để làm mạnh luận điểm của mình, chứng minh rằng cấy ghép tử cung có thể cải thiện sức khỏe tinh thần đồng thời hoàn thành trọn vẹn quá trình chuyển giới của họ. Nó là một phẫu thuật cần thiết về mặt y tế, và nếu vậy sẽ được bảo hiểm chi trả.

Mặc dù vậy, nghiên cứu của Plemons cho thấy nhiều người chuyển giới vẫn chỉ thường quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ bề ngoài, hơn là các thủ thuật tái tạo giới tính phức tạp. Lý do, người chuyển giới phẫu thuật thẩm mỹ, bởi họ muốn được người khác công nhận giới tính của mình và được đối xử theo giới tính đó.

Do vậy, nếu xét trên khía cạnh tâm lý này, phẫu thuật thẩm mỹ có thể là điều có ý nghĩa hơn. Plemons đã nghiên cứu các loại hình phẫu thuật tái tạo khuôn mặt cho phụ nữ chuyển giới, liên quan đến việc chỉnh mũi, má, lông mày và môi theo thiên hướng nữ tính hơn.

Ngoài ra, còn có các phương pháp khác như tẩy lông bằng laser, trị liệu hooc-môn. Nhiều phụ nữ chuyển giới nói rằng việc nữ giới hóa bề ngoài là ưu tiên hàng đầu, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách mọi người nhìn nhận và đối xử với họ.

Nếu chịu khó lắng nghe những bệnh nhân chuyển giới, [bạn sẽ nhận ra] phẫu thuật sinh dục có thể không phải là thứ khiến họ thay đổi nhiều nhất”, Plamons nói.

Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 2 - Ảnh 3.

Phẫu thuật thẩm mỹ có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tâm thần của người chuyển giới

Các loại hình phẫu thuật như chỉnh hình khuôn mặt, cấy ghép vú có ảnh hưởng trực tiếp đến cách mà phụ nữ chuyển giới được nhìn nhận. Nghiên cứu chỉ ra nó có tác dụng với sức khỏe tâm thần của người chuyển giới. Nhưng hầu hết các bác sĩ và công ty bảo hiểm vẫn coi đó là phẫu thuật thẩm mỹ, không thuộc nhóm cần thiết về mặt y tế.

Để kết thúc vấn đề này, vẫn chưa rõ rằng liệu các ca cấy ghép tử cung có thể được phân loại vào nhóm cần thiết về mặt y tế cho phụ nữ chuyển giới hay không.

Các nhà giới tính học và một số nhà hoạt động xã hội cũng bắt đầu tranh luận rằng bản thân giới tính có tính chất bị ấn định bởi xã hội. Nhiều người (ước tính khoảng 1/1.000) sinh ra trong tình trạng lưỡng tính, với bộ phận sinh dục hoặc nhiễm sắc thể giới tính không rõ ràng. Nhưng họ đã bị chỉ định những cuộc giải phẫu xác định giới tính từ khi còn là một đứa trẻ, chưa ý thức được vấn đề này.

Do vậy, nhiều người lưỡng tính đang đấu tranh chống lại các cuộc phẫu thuật, họ muốn trẻ em lưỡng tính được quyền chọn giới của mình sau này, khi chúng lớn lên và đủ nhận thức. Hoặc người lưỡng tính cũng có quyền duy trì tình trạng của mình nếu họ muốn.

Sự thật là những người chuyển giới thường sống trong một thể xác pha trộn giữa nam và nữ. Điều này làm phức tạp hơn lập luận cho rằng một thủ tục cụ thể như cấy ghép tử cung là cần thiết về mặt y tế.

Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 2 - Ảnh 4.

Với phẫu thuật cấy ghép tử cung, người chuyển giới sẽ có hi vọng mang thai và sinh con

Thay đổi toàn bộ cơ thể và chủ nghĩa tự do hình thái

Không chỉ là việc cấy ghép tử cung, hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang phát triển nhiều kỹ thuật thay đổi hình dạng và cấu trúc con người. Trong tương lai, các công cụ này chắc chắn sẽ trở nên an toàn, đa dạng và quyền năng hơn. Khi đó, mọi người có thể thay đổi hình dạng và cấu trúc cơ thể của mình dễ dàng và bất kể bao nhiêu lần họ muốn.

"Liệu có tốt không khi một người có thể tinh chỉnh cơ thể liên tục, không giới hạn số lần để tìm kiếm một bản thân tốt nhất với mình? Tôi không nghĩ sẽ có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi đó", Plemons nói. "Đó một phần dựa trên cách chúng ta định nghĩa những gì thì không đúng với con người".

Valkyrie Ice McGill là một phụ nữ chuyển giới và là người bênh vực chủ nghĩa tự do hình thái (Morphological freedom). Tự do hình thái đề cập đến quyền tự do can thiệp cơ thể mình theo ý thích nhờ công nghệ y tế, và coi đó là một trong những quyền cơ bản của con người.

Khi nói đến ý tưởng thay đổi cơ thể liên tục để tìm kiếm một bản thân tốt nhất dành cho mình, McGill tỏ ra rất hứng thú. Cô ấy nói khi nhìn chính mình trong gương, cô chỉ thấy một sinh vật cổ tích, cao vỏn vẹn 1m5 với sừng và móng tay- chính xác là một con succubus (nữ quỷ chuyên quan hệ tình dục với đàn ông đang ngủ).

Nhưng trong thực tế, McGill được thừa nhận là một người đàn ông cao gần 2m, lông lá "giống như một con khỉ đột", cô nói. Chỉnh sửa cơ thể đối với McGill là một giấc mơ suốt đời. Ước mơ ấy đã dẫn cô tới ranh giới của những tưởng tượng, rằng con người có thể dùng công nghệ thay đổi cơ thể mình như thế nào.

"Chúng ta có thể tái tạo lại mọi bộ phận trên cơ thể con người: răng, xương, bất cứ thứ gì", McGill hào hứng nói. "Điều mà chúng ta còn vướng mắc ở thời điểm này là làm sao đưa tất cả những kỹ thuật này vào thành một công cụ duy nhất: robot phẫu thuật Da Vinci, cỗ máy có thể quét 3D cơ thể của bạn, sau đó, lên kế hoạch cho một loại loạt các thủ tục vi phẫu để dần dần biến bạn thành một người khác".

Đó là những gì McGill nghĩ về tự do hình thái. Người có mắt xám, thay đổi cấu trúc xương, có móng guốc thậm chí là mọc cánh, tất cả không nằm ngoài trưởng tượng của cô. Những gì mà McGill nhìn thấy hoàn toàn khác biệt với những quy luật di truyền mà chúng ta phải tuân theo ở hiện tại.

Nhưng tựu chung lại McGill cũng có một ý tưởng về tự do phẫu thuật: Rằng hình thái học khi sinh ra không phải lựa chọn của chính chúng ta. Và tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, khi đủ trưởng thành, chúng ta có thể chọn cho mình bất kỳ một hình thái nào chúng ta muốn.

"Tôi có khuynh hướng cực đoan", McGill thừa nhận - cô ấy không biết liệu có vị bác sĩ nào đồng ý rằng con người nên làm những điều này hay không, hoặc nó có phù hợp với đạo đức không.

Cấy ghép tử cung, sinh con và ước mơ lớn nhất trong đời người chuyển giới - Phần 2 - Ảnh 5.

Người có mắt xám, thay đổi cấu trúc xương, có móng guốc thậm chí là mọc cánh, tất cả không nằm ngoài trưởng tượng của McGill, một người theo chủ nghĩa tự do hình thái

Tại thời điểm này, rõ ràng McGill chỉ đang nằm mơ giữa ban ngày. Những thay đổi hình thái học mà cô nghĩ đến là không thể thực hiện được trên cơ thể người. Cô ấy thậm chí còn không đủ tiền để điều trị hooc-môn, chứ chưa nói đến phẫu thuật chuyển giới hay thay đổi hình thái học.

Cũng bởi vậy, McGill dành rất nhiều thời gian cho Second Life, một game thực tế ảo trong đó người chơi có thể chọn và thiết kế tùy thích nhân vật của mình. Đối với cô, mơ mộng về một tương lai - ở đó giới tính không phải thứ gì đó cố định, thậm chí các loài còn có thể phối trộn lại được - không phải là một vấn đề đạo đức.

Đó là một cách để McGill thoái khỏi cuộc sống thực tại của mình.

"Nếu tôi chỉ có thể đau khổ khi trở thành một cầu thủ bóng bầu dục cao gần 2m và trông như một con gorilla, tôi thà trở thành một con succubus hạnh phúc và dễ thương trong Second Life. Tại sao không? Nó chẳng ảnh hưởng ai cả?", McGill nói.

"Tôi không làm bất kỳ ai bị tổn thương. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm để không còn phải nhìn vào gương và hét lên trong đau khổ".

Tham khảo Futurism

Chia sẻ