Câu chuyện thực về hôn nhân trời Tây khiến chị em phải giật mình tỉnh ngộ và thôi chỉ ngồi đó than trách đàn ông Việt

Thu Hương,
Chia sẻ

Đừng so sánh vì mọi sự so sánh đều khập khiễng...

Đàn ông Tây – đàn ông Việt, có lẽ đến nay đã có không ít các quan điểm được đưa ra bàn luận, so sánh điểm "hơn – kém" giữa họ. Thực tế thì cho dù là đàn ông đến từ đâu, họ cũng có những ưu nhược điểm riêng, chẳng có ai là hoàn hảo.

Mới đây, một nữ Việt kiều Đức đã có một bài viết so sánh giữa đàn ông Tây và đàn ông Việt khá thú vị. Dựa trên một câu chuyện do chính mình chứng kiến, cô đã đưa ra quan điểm riêng của mình về sự san sẻ, thấu hiểu giữa vợ và chồng trong gia đình. Cô cho rằng chính từ vai trò của người vợ dẫn đến thái độ của người chồng, chứ không phải xuất phát từ nguồn gốc Tây hay Việt.

Muốn nhận thì hãy mạnh dạn cho đi – điều khiến đàn ông Tây được các chị em “chết mê” hóa ra lại xuất phát từ người vợ - Ảnh 1.

Hiện tại, giữa đàn ông Tây và đàn ông Việt luôn có rất nhiều sự so sánh. (ảnh minh họa)

Cô viết:

Trước khi kể, em nói trước em không phải người sính ngoại, chỉ là có gì hay ở nước bạn thì mình học hỏi thôi!

Em ở Đức, làm nails. Hôm qua em có 1 bạn khách mới sinh con được 20 ngày đến làm móng, cả chân và tay. Cả chân và tay vị chi khoảng 2 tiếng.

Mình hỏi:

- Em bé mày để đâu? Sao không mang theo?

- Tao có, tao mang theo nhưng chồng của tao đang đẩy con đi dạo. Tao vừa cho em bé bú xong nên tao nghĩ 2 tiếng ở đây là ok rồi.

Cái mình thấy ở đây là mới sinh 20 ngày nhưng khách mình đã ra ngoài, uống 1 ly Starbucks cỡ to nhất, đầy đá, chả kiêng cữ gì, chưa hiểu sau này nó có bị buốt răng không?

Còn vấn đề thứ hai nữa mình thấy và muốn đề cập đến là: Đàn ông Tây và đàn ông Việt. Cuối cùng thì ai hơn?

Câu trả lời của mình là: đàn ông không phải là thứ có thể mang lên bàn cân so sánh.

Mình nói ví dụ cho các bạn nghe những gì mình trông thấy như thế nào.

Về trách nhiệm: Đàn ông Tây sẵn sàng giúp đỡ vợ khi cần thiết, bao gồm lau dọn nhà, trông con cho vợ đi làm tóc, làm móng, nấu ăn...

Nhưng: Hãy nhìn xem cái cách người vợ người đàn ông ấy cư xử thế nào với chồng họ? Họ Sẵn sàng chia tiền ăn, tiền nhà, tiền xe và trăm thứ tiền cùng chồng. Vì khách của mình nói: Tao cũng đi làm, chồng tao cũng đi làm nên tao nghĩ cả 2 bọn tao cùng có trách nhiệm với cuộc sống của bọn tao.

Mình có nói với khách về đàn ông Việt:

- Mày biết không, ở Việt Nam, đàn ông là trụ cột gia đình, mọi chi phí sinh hoạt, nhà cửa, xe cộ... Tất cả đều do đàn ông chi trả.

Khách của mình thốt lên:

- Thật không vậy? Tại sao? Nhưng nếu thế thật chắc hẳn đàn ông Việt rất giàu hay sao? Nếu thật sự như vậy tao sẽ cho con gái của tao lấy đàn ông Việt!

Các bạn thấy không? Mỗi người lại có 1 cách nhận thức về sự hạnh phúc khác nhau. Đàn ông Việt là trụ cột gia đình, ngày 8 tiếng đi làm kiếm tiền về đưa cho vợ nhưng rất nhiều bạn lại còn muốn hơn nữa, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, lãng mạn... Các bạn luôn lấy cái đẹp đẽ nhất của chồng nhà người khác, đắp và so sánh vào chỗ thiếu hụt của chồng nhà mình, nhưng trong khi bản thân mình cũng chưa được 10 phân vẹn 10 thì tại sao lại muốn chồng mình tròn vành vạnh? Có bao giờ các bạn suy nghĩ thử, hãy chia sẻ công việc, gánh nặng cùng với chồng thì chồng mình sẽ chia sẻ gánh nặng công việc cùng với vợ chưa.!?

Bạn khách đó rất hay đến cửa hàng mình, vừa làm, vừa chia sẻ cuộc sống. Bạn đó năm nay 36 tuổi, đẻ con đầu năm 34 và đẻ đứa thứ hai năm 36. Bạn ấy nói vẫn còn quá trẻ để làm mẹ. Bạn đó có 1 tiếng nghỉ trưa nên hay đến làm móng vào buổi trưa và hay cùng gọi chồng đến cùng vì chồng làm gần đó. Một cách rất nhẹ nhàng như: Anh có thể đến để chọn màu cho em được không, em muốn gặp để hỏi buổi sáng nay của anh thế nào và chúng ta có thể bàn về bữa tối?

2 vợ chồng cùng được nghỉ 1 tiếng buổi trưa rồi quay lại công việc, cuộc sống cũng cứ thế mà trôi qua. Vào những ngày lễ, mình hỏi: mày đã chuẩn bị gì cho chồng của mày chưa? Nó nói tao đã chuẩn bị rất kĩ và đầy đủ rồi, tao nghĩ sẽ rất là thiệt thòi nếu như ngày lễ chỉ có mình tao được nhận quà, vì thế tao luôn chuẩn bị cả quà cho chồng tao vào những ngày lễ hoặc dịp gì đó...

Tóm lại, mình nhận thấy cuộc sống là chuỗi dài của sự công bằng, sẻ chia. Muốn nhận lại thì hãy mạnh dạn cho đi, hãy tin tưởng người đàn ông mình đã chọn. Đừng so sánh vì mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Muốn nhận thì hãy mạnh dạn cho đi – điều khiến đàn ông Tây được các chị em “chết mê” hóa ra lại xuất phát từ người vợ - Ảnh 2.

Có một thời gian, rất nhiều phụ nữ Việt lựa chọn kết hôn với đàn ông Tây. Trong đó không thiếu ngôi sao trong giới showbiz. (ảnh minh họa)

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến bình luận về quan điểm mà tác giả đưa ra. Có chị em cho rằng bài viết quá chí lí khi nhắc đến một khía cạnh của cuộc sống hôn nhân. Bởi lẽ đã là vợ chồng thì cần phải san sẻ với nhau mọi thứ chứ không chỉ đơn thuần là sống cùng dưới một mái nhà. Có ý kiến lại gay gắt cho rằng quan điểm này hoàn toàn không đúng, vì thời hiện đại này không còn chị em nào chấp nhận ở nhà để chồng nuôi nữa, họ cũng có công việc riêng của họ và sẵn sàng đóng góp công sức xây dựng gia đình cùng chồng.

Liên hệ với tác giả bài viết, được biết cô là Thanh Mai (24 tuổi) hiện đang sống và làm việc tại Đức. Mai cho biết cô đã lập gia đình và có 2 con. Bài viết trên được cô viết ngẫu hứng và chia sẻ trên mạng xã hội vì muốn chia sẻ một phần quan điểm sống của mình.

Thấy có khá nhiều ý kiến trái chiều, phản bác cho rằng Mai đang nhìn sự việc quá phiến diện, cô gái 24 tuổi chỉ nhẹ nhàng cho rằng mỗi người có một quan điểm riêng. Mai không gay gắt khi đề cập đến một vấn đề nào đó, cô chỉ kể lại những gì mình nhìn được, nghe được và hiểu được.

"Bài viết của mình không mang tính chất so sánh, mình chỉ kể chuyện, đây hoàn toàn là những gì khách hàng của mình kể cho mình nghe. Trong bài mình cũng không nói 100% đàn ông Việt làm trụ cột gia đình. Rất nhiều người hiểu nhầm ý của mình. Thực ra mình chỉ muốn viết ra cho mấy bạn hay so sánh, chồng Tây – chồng Việt đọc và hiểu thôi, rằng: muốn nhận lại thì phải học cách cho đi", Mai chia sẻ.

Chia sẻ