Câu chuyện ngọt ngào đẹp đẽ bên vòi nước rửa xe của đôi vận động viên khuyết tật

Mộc Cát,
Chia sẻ

Từng được nhiều chàng trai lành lặn đeo đuổi, săn đón nhưng cuối cùng, nữ vận động viên khuyết tật Võ Thị Thu Thuận lại chọn người đồng đội hiền lành, tốt bụng để cùng nhau viết nên câu chuyện tình yêu tuyệt vời.

Hai năm nay, đôi vợ chồng trẻ Võ Thị Thu Thuận (30 tuổi, quê An Giang) và Mã Phước (34 tuổi, quê TP.HCM) hành nghề rửa xe tại nhà ở đường Xóm Đất (Q.11, TP.HCM). Mỗi khi có khách, người chồng bị teo chân trái lom khom dùng vòi xịt, cô vợ cũng bị mất một chân lấy giẻ ra lau phụ chồng. Người dân ở đây yêu quý họ vì nghị lực, tinh thần vượt lên số phận dù cơ thể gặp khiếm khuyết. Nhưng ít ai biết được cả hai là những tuyển thủ điền kinh đã từng mang về vinh quang cho thể thao nước nhà.

4
Đôi vợ chồng vận động viên khuyết tật rửa xe.

Hai cơ thể, một số phận

Đến nhà hai vợ chồng khi đang đông khách, nên chỉ mình chị Thuận tiếp chuyện chúng tôi, anh Phước vẫn tranh thủ xịt nước rửa xe. Nhìn chồng, người phụ nữ 30 tuổi mỉm cười: “Chân ảnh yếu nên cứ cà thọt tàn tàn vậy đó. Chậm nhưng được cái kỹ, nên khách quen ghé hoài”.

Nhớ lại những ngày đã qua, chị Thuận không thể ngờ mình lại có cuộc sống như hiện tại. Chị kể, tuổi thơ của chị cũng êm đềm, nhẹ nhàng như bao đứa trẻ thôn quê khác tại An Giang. Thế nhưng năm 13 tuổi, biến cố đầu đời đến trong một vụ tai nạn giao thông, cướp đi của chị chiếc chân trái.

10
“Từ một đứa bé có thể tung tăng chạy nhảy hoá thành một người khuyết tật, dĩ nhiên cảm giác lúc đó cực kỳ kinh khủng. Phải mất một thời gian rất dài mình mới có thể bình tâm lại, quen với việc có mặt của chiếc chân giả” - Chị Thuận nhớ lại.

16 tuổi, Võ Thị Thu Thuận theo gia đình lên Sài Gòn, xin vào một trường hướng nghiệp khuyết tật học vi tính, rồi chuyển dần sang học may. Tại đây, chị gặp anh Mã Phước, người cũng đang học vi tính, bị teo chân trong một cơn sốt vào năm 3 tuổi.

Như một cơ duyên, trong quá trình học nghề, chị Thuận và anh Phước lại được một người thầy giới thiệu vào Trung tâm Văn hoá – Thể thao quận Tân Bình. Ban đầu, cô gái có phần e ngại khi thấy thân xác mình không được lành lặn như người thường, đi đứng còn không vững lấy gì chơi thể thao. Nhưng theo thời gian, năng khiếu thiên bẩm bộc lộ, Thu Thuận ngày cảng tỏ ra vượt trội ở bộ môn điền kinh. Còn chàng trai hơn cô 4 tuổi – Mã Phước, cũng âm thầm lầm lũi tiến theo sau. Thời gian gắn bó cùng nhau khiến hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm.

11
Chị Thuận trong một lần đi thi đấu. (Ảnh: NVCC)

12
Sau lưng chị, người chồng luôn dõi theo. (Ảnh: NVCC)

Lúc đầu chỉ xác định làm bạn thôi. Ai dè một thời gian thì ảnh đeo đuổi rồi nói yêu mình. Hồi đó bị tật mà quen toàn người lành lặn mới ác, nên khi nghe hai đứa quen, gia đình cũng không ủng hộ. Nhưng mình vẫn quyết định đến với ảnh, vì nghĩ hai đứa số bị tật giống nhau nên có gì cũng dễ san sẻ cho nhau” – chị Thuận tiếp lời.

Cứ thế, tình yêu phát triển sau những lần tập ném lao, đẩy tạ, ném đĩa. Năm 2006, lần đầu tiên cả hai cùng được chọn vào đội tuyển điền kinh khuyết tật thành phố để thi đấu giải toàn quốc, cuộc đời họ chuyển sang ngã rẽ mới.

3

Chị Thuận thành công khi thi đấu điền kinh, gặt hái nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà.

Chị Thuận mỉm cười: “Hồi đó thấy tướng mình ốm yếu nên ảnh khi dễ, cứ hay chọc quê. Nhớ nhất là năm 2008, lúc đấu giải ở Huế, ảnh cười hà hà, khích mình giỏi thì có huy chương đi, rồi ảnh tặng cho món quà. Mình nói đã hứa thì phải giữ lời nha. Rồi mình làm luôn một lèo ba cái huy chương đồng. Lúc lên bục nhận thưởng, mình nhìn ảnh mà cười đắc chí lắm”.

Vậy mà đến lúc thực hiện lời hứa, chị Thuận bất ngờ khi món quà người yêu tặng là một chiếc vòng vàng cực kỳ đắt tiền. Và món trang sức ấy như lễ vật cầu hôn của chàng trai, để ít lâu sau đó hai người thành đôi.

Cuộc sống hạnh phúc của đôi vận động viên khuyết tật hành nghề rửa xe. (Clip: Mộc Cát - Lê Khanh)

Quả ngọt…

Lấy nhau xong, cả hai lại phải chịu thử thách không gian lẫn thời gian, bởi cô vợ thường xuyên thi đấu xa nhà. 10 năm trời bước chân vào làng thể thao, Võ Thị Thu Thuận đã có cho mình 4 kỳ Asean Para Games cùng nhiều lần tham dự  những giải mang tầm châu lục. Con số trên dưới 40 chiếc huy chương các loại là thành tích mà bất cứ người lành lặn nào nhìn vào cũng phải choáng ngợp.

9

Cả gia đình hạnh phúc trong đám cưới "hấp hôn" ngày 20-10 vừa qua tại Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Nhưng khi hết giải, cả hai lại phải trở về cuộc sống mưu sinh thường nhật. Học nghề xong, chị Thuận xin vô cắt chỉ tại một công ty may. Công việc chẳng có gì đáng ngại, nhưng hễ bước vào công ty, những tiếng bàn ra tán vào nhắm vào chiếc chân trái của chị lại phát ra. Mặc cảm, nên sau một tuần lễ, chị Thuận ngậm ngùi xin nghỉ việc. Người chồng cũng chẳng khá khẩm hơn với chiếc bằng tin học trên tay. Đi thử việc chỗ nào, chủ  cũng đặt ra những yêu cầu rất khó khăn...

5

Không xin được việc làm, anh Phước buộc lòng phải tìm việc trái nghề.

Không tìm được việc đúng chuyên môn, anh Phước kiên trì xin vào làm tại một tiệm kim hoàng, còn chị Thuận trở về luyện tập điền kinh. Mọi chuyện tưởng đã thuận lợi thì đùng một cái, biến cố lại ập đến.

Năm 2013, khi đang thi đấu tại Myanmar, chị Thuận nghe tin dữ tại quê nhà, anh Phước bị tai nạn giao thông, chấn thương nặng ở tay và chân. Nhưng kể từ lúc này, người chủ tiệm vàng lại bỏ mặc, không đoái hoài gì đến anh như trước. Trở về nước lo liệu cho chồng, chị Thuận chán nản, nghĩ cuộc đời sao dễ thay lòng đổi dạ quá. “Hồi cưới nhau hai vợ chồng xác định sẽ không sinh con cho khỏi vướng bận. Nhưng đến khi chồng gặp chuyện, tự dưng mình lại nghĩ phải có một đứa con, để khi buồn tủi gì còn ôm nó mà thủ thỉ được. Máu mủ của mình chắc sẽ không rẻ rúng mình như người dưng”.

1

Biến cố xảy đến năm 2013 khiến họ quyết định có con.

Trời không phụ lòng người, năm 2014, quả ngọt cuối cùng cũng đến khi cô bé Mã Võ Thanh Ngân đáng yêu ra đời.

Cuộc sống ngắn ngủi lắm, phải biết trân trọng

Có con rồi tự dưng mình chững lại. Không muốn đi chơi, đi thi đấu xa gì hết. Vì đi đâu cũng thấy nhớ con. Chồng mình cũng vậy” – chị Thuận nói.

Khi vết thương đã lành hẳn, anh Phước nghĩ về công việc để nuôi sống vợ con. Sẵn nhà có tiệm rửa xe, các em lại muốn nghỉ, anh Phước bảo họ chuyển lại cho mình.

Mới đầu cũng thấy vui vui. Nhưng được vài bữa ê ẩm cả người, vì rửa xe phải đứng liên tục. Đến mùa mưa càng khổ, cơn nhức mỏi hoà vô vất thương tái phát khi trái gió trở trời, thấu da thấu thịt luôn” – anh Phước chia sẻ.

6

Giờ đây hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề rửa xe.

Nhưng sợ vợ con đói, anh phải cố sức làm. Nhờ sự siêng năng nhiệt tình, làm việc kỹ lượng, chẳng mấy chốc tiệm rửa xe đã có nhiều mối quen. Có người còn thương, rửa xe có hai chục ngàn mà đưa luôn gấp đôi, gấp rưỡi. Nhờ vậy, cuộc sống của hai vợ chồng cũng dần ổn định.

14

Dù chậm nhưng anh Phước làm rất nhiệt tâm.

13

Có hôm rửa đến 40 chiếc xe, hai vợ chồng mệt bở hơi tai.

Phụ chồng lau xe suốt ngày nhưng có lúc "ngứa nghề", chị Thuận lại đem những tấm huy chương ra xem. Sợ để lâu bám bụi, sẵn có đồ nghề, chị lấy vòi xịt khô làm sạch luôn cho chúng. Có nhìn hình ảnh ấy mới thấy cuộc sống hiện tại của đôi vợ chồng trẻ bình yên và viên mãn thế nào.

8

Những chiếc huy chương là niềm vui và động lực tiếp lửa cho hai vợ chồng.

Chị Thuận tâm sự, cuộc đời ngắn ngủi lắm, phải biết trân trọng nó, làm được gì mình cứ làm. Nhiều khi đuối lắm nhưng nghĩ đến con phải ráng thôi. Đôi khi khách chọc hai đứa rửa xe chung nhìn lãng mạn quá, chị lại bật cười: lãng mạn thì phải hẹn hò ngoài công viên, đi du lịch, ăn uống trong siêu thị chứ sao lại chồng rửa vợ lau tối mặt tối mũi.

2

Họ đang sống với tinh thần lạc quan nhất, vì cuộc đời, vì con.

Ấy vậy mà dù ngụp lặn trong mớ bọt tuyết và nước bắn tung toé, cả chồng lẫn vợ điều điềm nhiên tự tại. Không cần mấy chục tấm huy chương treo lủng lẳng trong nhà, bản thân hai người đã tự phát ra những tia sáng chói loá rồi. 

Chia sẻ