Câu chuyện của hàng trăm đứa trẻ dương tính với HIV và sự chối bỏ của cộng đồng như một "bản án tử hình"

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Hơn 800 trẻ em Pakistan phải đối mặt với bản án tử treo lơ lửng trên đầu sau khi xét nghiệm dương tính với HIV. Phóng viên Ben Farmer của tờ Telegrap đã gặp gỡ những gia đình trong tâm bão đại dịch HIV chưa từng có tiền lệ này.

Trong căn nhà gỗ chật chội mà Khatoon chung sống với 5 gia đình khác tại ngôi làng hẻo lánh ở ngoại ô Ratodero, tỉnh Sindh, 22 người đã được chẩn đoán mắc HIV, 17 trong số đó là trẻ em.

Không ai trong số họ từng nghe nói về virus HIV trước tháng 4 năm nay, hay biết cách thức lây nhiễm bệnh như thế nào. Giờ họ biết nhiều hơn một chút, ngoại trừ thực tế họ đang mang trong mình căn bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong. Và họ phải di chuyển cả quãng đường dài để mua thuốc trong khi hàng xóm láng giềng không ngừng xa lánh họ.

Người goá phụ 43 tuổi giải thích: "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một căn bệnh như vậy. Chúng tôi chưa từng nghe đến nó".

Bản thân Irshad Khatoon bị nhiễm virus gây căn bệnh AIDS cùng với con gái và 2 cháu của mình. Cùng với chẩn đoán gây sốc nặng cho toàn thể gia đình, những người như Khatoon chợt nhận ra, họ bị cả cộng đồng chối bỏ.

dua-tre-bi-HIV-1

Câu chuyện tương tự xảy ra tại ngôi làng gần đó, Thango Bozdar. Tại đây, 21 người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, 3 trong số đó là trẻ em. Khi cha mẹ đưa những đứa trẻ ra ngồi dưới một tán cây giữa thời tiết nóng nực lên tới 49 độ C, một số vẫn khỏe mạnh, sống động, trong khi một số khác, như Mohammad Ilyas, phải dựa vào vai cha, tỏ rõ sự hốc hác và kiệt quệ.

Mới 3 tháng trước thôi, vùng quê miền Nam Pakistan này trở thành trung tâm của một đợt bùng phát HIV gây choáng váng cho toàn bộ thị trấn và gióng lên hồi chuông báo động với các quan chức y tế cộng đồng.

Đợt bùng phát HIV này được cho là bắt nguồn từ các phòng khám lang băm bất hợp pháp, những tay bác sĩ cẩu thả sử dụng lại kim tiêm nhiễm bẩn và do đó, làm lây lan virus cho bệnh nhân. Tính tới cuối tháng 7, số ca nhiễm HIV đã lên tới 1.000, và chiếm 80% trong số này là trẻ em. Quá nhiều trẻ mắc HIV khiến các đợt bùng phát dịch bệnh khác không thể so sánh với lần này.

dua-tre-bi-HIV-7

Vào những ngày đầu bùng phát dịch HIV, hồi cuối tháng 4 năm nay, cả thị trấn chìm trong hoảng loạn khi hàng trăm người túm tụm trước một trung tâm kiểm nghiệm tạm thời được dựng lên và kết quả dương tính được xác nhận mỗi ngày. Nhưng khi cơn sốc dịu lại và số ca mắc mới giảm đi, người dân lẫn quan chức y tế lại phải đối mặt với bài toán hậu chẩn đoán HIV xét về lâu về dài ở nơi vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nghèo đói, suy dinh dưỡng và thiếu giáo dục.

Với các nhân viên y tế cộng đồng và chuyên gia dịch tễ học, còn có một mối lo ngại nữa: Những gì được phát hiện tại Ratodero có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Một người dân Ratodero, bác sĩ Imran Akbar Arbani, chính là người đầu tiên phát hiện có thứ gì đó đáng lo ngại và liên tục lên tiếng cảnh báo. Vị chuyên gia về ngành tiết niệu này đã thực hành ngành y suốt 15 năm nay tại trị trấn 300.000 dân này.

Trường hợp đầu tiên mà bác sĩ Arbani tiếp nhận khiến ông lo sợ về một đại dịch chưa từng có là bé gái tên Emaan Fatima. Cô bé tới phòng khám của ông vào cuối tháng 2, khi trải qua đợt sốt kéo dài mà rất nhiều bác sĩ khác đã không thể giúp hạ sốt. Nghi ngờ có chuyện nghiêm trọng với hệ miễn dịch của cô bé 15 tuổi, bác sĩ Arbani giới thiệu Fatima tới một phòng xét nghiệm để kiểm tra nguy cơ HIV.


Bác sĩ bắt đầu gửi những bệnh nhân khác đi xét nghiệm HIV và còn sốc hơn nữa khi ông nhận được kết quả. Trong vòng 20 ngày, thêm 20 bệnh nhân nữa được xác nhận dương tính với HIV. Bác sĩ Arbani quyết định thông báo cho giới truyền thông địa phương.

Gul Bahar Sheikh, phóng viên kênh Sindh TV News, là một trong những nhà báo đầu tiên đưa tin về đại dịch này. Trước đó, Sheikh đã đọc một bài viết trên mạng xã hội, trong đó, người đàn ông phàn nàn rằng, con gái 17 tháng tuổi bị nhiễm HIV của mình đã không được điều trị. Khi Sheikh liên hệ với người đàn ông này, anh được biết, có 5 gia đình khác cũng trong tình trạng tương tự.

Bản tin thời sự đầu tiên phát vào tuần cuối cùng tháng 4 làm dấy lên nỗi lo lắng, hoảng sợ trong dân chúng. Theo ghi nhận từ các quan chức y tế, các trường hợp mắc HIV trước đây ở Ratodero chủ yếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, người nghiện ma tuý.

Nhà báo Sheikh bày tỏ: "Toàn bộ thành phố choáng váng và kinh ngạc. Người ta liên tục hỏi có chuyện gì vậy. Nhưng vấn đề bất ngờ nằm ở chỗ: Cha mẹ âm tính với HIV, còn con cái lại dương tính".

Khi tin tức lan đi, một trung tâm xét nghiệm do chính phủ lập nên đã tiếp đón tới 1.800 người/ngày và đôi khi 50-60 người được thông báo dương tính với HIV.

dua-tre-bi-HIV-4

Các quan chức y tế nhanh chóng chỉ đích danh thủ phạm. Rất nhiều trẻ em bị nhiễm HIV từng được Muzaffar Ghanghro - bác sĩ nhi duy nhất của Ratodero - điều trị. Bác sĩ này làm việc ở một bệnh viện công địa phương nhưng đồng thời cũng sở hữu một phòng khám tư rất đông khách.

Người dân đưa con cái bị ốm của mình tới gặp bác sĩ Ghanghro và thường được cho tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Câu chuyện gây chấn động nhất mà phóng viên Sheikh từng đưa tin đột nhiên trở nên gắn bó mật thiết với chính cuộc sống của anh theo nghĩa tồi tệ. Bác sĩ Ghanghro là người đã điều trị cho cả 7 đứa con nhà Sheikh.

Cùng vợ vội vã đưa con đi xét nghiệm, Sheikh phát hiện ra con gái nhỏ nhất trong gia đình, bé Rida Batool, mới 2 tuổi, dương tính với HIV.

"Đây thực sự là một tấn bi kịch. Khi tôi đang nỗ lực để tìm hiểu vụ việc, tôi không nhận ra, căn bệnh đó cũng đã có mặt trong chính ngôi nhà mình", Sheikh thổ lộ.

Kết quả dương tính với HIV của con gái nhỏ khiến cô bé bị chính họ hàng, người thân của anh xa lánh. "Hai vợ chồng tôi đều đã được giáo dục về căn bệnh này. Chúng tôi ôm con, yêu con nhưng khi họ hàng chúng tôi tới, họ đẩy con sang một bên", Sheikh nghẹn ngào nói.

dua-tre-bi-HIV-5

Bác sĩ Ghanghro đã bị bắt và buộc tội cố ý làm lây lan căn bệnh thế kỷ. Cơn giận dữ của cộng đồng địa phương càng trở nên dữ dội khi sự thật được phanh phui: Bản thân Ghanghro cũng bị nhiễm HIV. Một nhóm điều tra sau đó đã bác bỏ cáo buộc bác sĩ này cố ý làm lây nhiễm căn bệnh. Tuy nhiên, Ghanghro vẫn bị buộc tội là nguồn cơn chính gây ra đại dịch và được tại ngoại nhưng chịu sự quản thúc.

Hiện làm việc tại một trung tâm y tế vùng sâu vùng xa, Ghanghro khẳng định với phóng viên Telegraph rằng, ông không làm gì sai, không bao giờ dùng chung kim tiêm cho các bệnh nhân. Là một bác sĩ có bằng cấp hẳn hoi, Ghanghro cho biết, ông không thể thực hành một việc thiếu an toàn như vậy. Ông cũng tin mình bị nhiễm HIV trong một lần truyền máu khi bị mất bàn chân trong vụ tai nạn giao thông 3 năm trước.

Rác thải y tế cũng không được xử lý một cách an toàn. Ống tiêm thậm chí còn được tái chế tại chợ và bán lại. Các thiết bị nha khoa không được tiệt trùng, dao cạo râu của thợ cắt tóc và quy trình truyền máu được tổ chức vô cùng yếu kém đều góp phần dẫn tới nguy cơ lây lan căn bệnh mà hình thức lây nhiễm chính là qua máu.

dua-tre-bi-HIV-8

Các chuyên gia y tế thuộc Chương trình Kiểm soát AIDS của Pakistan thừa nhận rằng, họ không biết bắt đầu từ đâu. Không có đủ thuốc hay nhân viên để xử lý cuộc khủng hoảng này. Nhiều cha mẹ phàn nàn việc họ không nhận được thuốc và phải di chuyển quãng đường 20km từ Ratodero tới Larkana để mua thuốc.

Hiện, các quan chức y tế phủ nhận việc không đủ nguồn lực để đối phó với đại dịch. Họ khẳng định, một cơ sở y tế chuyên điều trị bệnh nhân đang được dựng nên. Hơn một nửa bệnh nhân vẫn tiếp tục nhận thuốc ARV điều trị HIV và phần còn lại cũng sẽ như thế ngay khi họ được điều trị các bệnh nhiễm trùng khác như lao phổi.

Bất chấp những lời trấn an trên, ước tính 25 trẻ em dương tính với HIV đã thiệt mạng kể từ khi được chẩn đoán. Tất cả đều thuộc vùng quê mà tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và tình trạng suy dinh dưỡng vốn rất nghiêm trọng.

dua-tre-bi-HIV-6

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là không chỉ ở Sindh, có thể còn có những đợt bùng phát HIV ở nhiều nơi khác mà chưa được phát hiện. Tiến sĩ Fatima Mir, chuyên gia sức khỏe trẻ em tại Đại học Agha Khan, bày tỏ: "Sự thật là các biện pháp kiểm soát bệnh nhiễm trùng ở Larkana không khác là mấy so với những thành phố còn lại của Pakistan. Có sự cẩu thả, có tình trạng không đảm bảo an toàn khi tiêm. Kiến thức cơ bản về kiểm soát bệnh nhiễm trùng, thậm chí ở các bác sĩ có bằng cấp chứng nhận, còn rất nghèo nàn".

Theo ước tính của Liên hợp quốc, 160.000 người bị nhiễm HIV ở Pakistan vào năm ngoái, so với 67.000 trường hợp năm 2010. Nhưng việc xét nghiệm còn rất hạn chế, vì vậy, số liệu thực có thể cao hơn rất nhiều. Cho tới tháng 3 năm nay, chỉ có 1.400 trẻ em từng được đăng ký với chương trình kiểm soát AIDS quốc gia và kể từ đó, chỉ tính riêng Ratodero, đã có thêm 800 ca bệnh nhi mắc được phát hiện.

Khi quan sát con gái nhỏ chơi đùa trong ngôi nhà của mình nằm ở tầng trên một tiệm giày, Sheikh lo sợ viễn cảnh một thế hệ mắc HIV sẽ cần nhiều hơn thế, không chỉ là thuốc. Anh lo sợ hàng trăm đứa trẻ sẽ lớn lên trở thành người bên lề xã hội, từ khi một chiến dịch giáo dục cộng đồng giúp mọi người hiểu được cách thức lây truyền của bệnh.

"Điều tôi lo sợ là ngày càng nhiều người thiệt mạng vì căn bệnh và thậm chí những người như chúng tôi, dù được điều trị nhưng con cái sẽ phải đến trường trong mặc cảm bị ghét bỏ".

Xem bài gốc trên Telegraph tại đây.

Chia sẻ