Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị

TOÀN NGUYỄN - ẢNH: ABU NGUYỄN,
Chia sẻ

Hiếu chẳng bao giờ tưởng tượng một ngày mở mắt dậy anh không còn được nhìn thấy thế giới xung quanh, phải làm quen với bóng tối và luôn sợ hãi mỗi khi nghe tiếng động lạ. Nhưng mọi thứ rồi cũng qua giờ đây anh là giám đốc của 2 cơ sở massage khiếm thị ở Sài Gòn.

Cuộc đời luôn tồn tại những bước ngoặc màu đen, ở đó chúng ta loay hoay với số phận để rồi phải lựa chọn dừng lại hay bước đi trên một hành trình mà chẳng biết sẽ về đâu. Giống như cái buổi sáng ngày 27/7/2007 mà Hiếu nói với tôi rằng anh sẽ không bao giờ quên, cái ngày đã cướp đi đôi mắt và hoài bão của chàng giáo viên trẻ.

Khi mọi thứ bỗng chốc nhuộm màu tối đen.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu (1988) sinh ra ở Tiền Giang hiện đang làm giám đốc của cơ sở massage khiếm thị Ánh Dương.

Từ cậu nhóc 12 tuổi ăn trộm gà trốn lên thành phố...

Hiếu chẳng bao giờ tưởng tượng một ngày mở mắt dậy anh không còn được nhìn thấy thế giới xung quanh, phải làm quen với bóng tối và luôn sợ hãi mỗi khi nghe tiếng động lạ. Nhưng mọi thứ rồi cũng qua, giờ đây anh là giám đốc của 2 cơ sở massage khiếm thị ở Sài Gòn, là người tạo công ăn việc làm cho gần 30 người có cùng cảnh ngộ với mình.

Mặc một chiếc áo sơ mi giản đơn, một chiếc quần tây đã cũ màu, nhìn Hiếu thật chẳng giống một ông chủ. Anh chàng bình dân đến nỗi lần đầu gặp Hiếu tôi đã tưởng anh là nhân viên giữ xe của tiệm, để rồi dáo dác tìm kiếm một anh Hiếu giám đốc sang trọng nào đó.

Hiếu sinh ra trong một gia đình đông anh em ở Tiền Giang. Cha anh suốt ngày rượu chè say xỉn, một mình mẹ phải đi buôn bán nuôi cả gia đình. Thương mẹ vất vả, năm 12 tuổi, Hiếu nghỉ học rồi tìm cách trốn lên Sài Gòn để tìm tương lai.

"Ăn trộm con gà của mẹ bán được 70.000 đồng, rồi tôi đón xe trốn lên thành phố. Đi xin việc ở khắp nơi nhưng không ai nhận vì còn quá nhỏ tuổi. May mắn có 1 hãng nhựa trên đường Lò Gốm nhận vào làm, họ trả cho tôi 15.000 đồng/ngày và cho ăn 1 bữa. Có lần ông chủ hỏi: Ủa sao mày không về nhà? Tôi nói: Con không có chỗ để về. Thế là ổng sắp xếp cái kho cho tôi ngủ lại" - Hiếu nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên thành phố.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 2.

Anh chàng lên thành phố để tìm tương lai.

Nhờ làm việc chăm chỉ, Hiếu được gia đình ông chủ quý mến. Họ đã tạo điều kiện để anh được đi học văn hoá hệ bổ túc. Hiếu tin rằng chỉ có học mới có thể thay đổi được tương lai của bản thân, nên dẫu khó khăn đến đâu anh cũng phải cố gắng đi đến cùng con đường này. Anh chàng học tập mỗi ngày một giỏi, nên được nhà trường chuyển lên hệ chính quy, sau đó thì đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM, sau đó được bố trí về dạy thể dục tại trường THCS Lê Hồng Phong (Vũng Tàu).

... đến thầy giáo mù đi bán trái cây

Làm việc ở Vũng Tàu được 3 năm, Hiếu và bạn gái đã nghĩ đến chuyện kết hôn thì bất ngờ anh gặp chuyện. Hiếu bị sốt cao, mọi người đưa vào viện nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Anh được đưa lên bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM) khi tình trạng sức khoẻ đã rất yếu, không ăn không uống được, bác sĩ phải nối ống để đưa thức ăn vào cơ thể.

Bạn gái của Hiếu ban ngày đi làm, ban đêm vào viện chăm sóc anh. Suốt 3 tháng trời chữa trị, sức khoẻ của Hiếu đã hồi phục, nhưng đôi mắt thì vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng. Cái cảm giác mọi thứ xung quanh bỗng chốc tối đen như mực, không thể tự mình làm bất cứ điều gì thật sự rất kinh khủng. Hiếu tự tử để kết thúc những chuỗi ngày đau khổ, nhưng may mắn anh được cứu sống.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 3.

Hiếu bị teo dây thần kinh thị giác, khiến đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng.

"Sau khi xuất viện, tôi nghỉ công việc dạy học và đi bán trái cây ở vỉa hè. Người dân ở đường Nguyễn Đình Chi (quận 6) ai cũng biết ông thầy dạy thể dục mù bán trái cây. Tôi nói giá rồi người mua tự cân tự đưa tiền" - Hiếu kể lại.

Thời gian đó bạn gái anh vẫn thường xuyên đến chăm sóc, thế nhưng mỗi lần cô đến đều bị anh đuổi về. Hiếu nói: "Tôi thật sự không muốn làm khổ cô ấy, giờ đây mắt tôi đã mù loà, tương lai không biết như thế nào, nếu cưới tôi cô ấy sẽ khổ". Nhưng tình cảm là thứ không thể dùng lý trí để cân đong, dẫu Hiếu mù loà nhưng bạn gái của anh vẫn không vơi chút tình nghĩa. Cô dẫn anh về nhà ra mắt ba mẹ, họ nhìn cậu con rể tương lai rồi thở dài: "Mày lấy thằng mù này làm chồng hả?".

Hai vợ chồng về sống với nhau được một năm thì một buổi sáng nọ, Hiếu không còn nghe tiếng vợ nữa. Nghe đâu gia đình đã bắt cô ấy về để lấy chồng khác, giàu hơn. Thôi thì duyên của họ đến đây thì hết.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 4.

Nghĩa vợ chồng dang dở nhưng Hiếu vẫn trân quý những kỷ niệm đã qua. Chiếc nhẫn trên tay anh là một kỷ niệm anh luôn lưu giữ bên mình.

Vì mình cũng mù nên thương người mù

Sau đổ vỡ hôn nhân, Hiếu chuyển sang đi bán vé số trên đường Lê Trọng Tấn (Tân Bình). Anh bảo người khiếm thị bán vé số khổ lắm, gặp người ngay thì không sao chứ gặp người xấu thì họ lừa, tráo vé số. Bữa đó Hiếu bị một nhóm thanh niên giựt hết vé số rồi đạp té xuống Kinh 19/5, may mắn lúc đó có một cô giáo trong trường khuyết tật nhìn thấy nên đã kịp thời cứu anh. Từ đó Hiếu theo cô học nghề massage.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 5.

Hiếu được học nghề massage ở trường dành cho người khuyết tật.

Buổi sáng đi học nghề, buổi chiều Hiếu đi bán vé số để có tiền trang trải cuộc sống. Sau khi thành nghề, Hiếu cùng một người bạn khiếm thị mở ra một phòng massage nhỏ lấy tên là Cho Bạn Cho Tôi. Từng phải trải qua những ngày tháng gian khổ khi bị giựt vé số, bị lừa lọc vì mù loà nên Hiếu hiểu và thương cho những khó khăn mà người khiếm thị đang đối mặt.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 6.

Anh còn chịu khó đi học thêm cách bấm huyệt chữa bệnh.

"Có rất nhiều người khiếm thị học hành cao, có kiến thức, có đạo đức nhưng không được nhận vào làm những công việc tốt chỉ vì rào cản về thị lực. Chính vì thế cuộc sống rất bấp bênh. Người khiếm thị cũng chỉ muốn như bao người bình thường khác, được làm việc mà mình thích và tự nuôi sống bản thân. Nhưng điều đó thật sự khó" - Hiếu tâm sự.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 7.

Người khiếm thị không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp.

Cũng vì điều đó mà Hiếu luôn nỗ lực để có thể giúp được càng nhiều người cùng cảnh ngộ càng tốt. Một thời gian sau công việc thuận lợi, anh thành lập Ánh Dương để tạo điều kiện cho hơn 30 nhân viên là người khiếm thị có công việc ổn định. "Ánh Dương là ánh sáng của người khiếm thị, ánh sáng tinh thần để dẫn lối chúng tôi đi trên con đường của mình" - Hiếu lý giải về tên gọi của công ty.

Khi nói đến massage, người ta vẫn thường liên tưởng đến những dịch vụ nhạy cảm, chính vì vậy công việc của các bạn khiếm thị ở đây đôi lúc cũng còn khó khăn.

Việc kinh doanh quy mô lớn vốn không phải việc đơn giản, ngoài sự hỗ trợ của bạn bè người thân, Hiếu phải luôn làm việc quần quật từ sáng đến tối mịt để có thể duy trì hoạt động công ty. Bên cạnh đó ở Việt Nam, khi nói đến massage người ta vẫn thường liên tưởng đến những dịch vụ nhạy cảm, chính vì vậy công việc của các bạn khiếm thị ở đây đôi lúc cũng còn khó khăn.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 8.

Hiện Ánh Dương có cơ sở ở quận 10 và quận 7. Tạo việc làm cho gần 30 nhân viên khiếm thị.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 9.

Danh ca Khánh Ly là thần tượng lớn của Hiếu. Có lần cô Khánh Ly đã gửi lời động viên đến các bạn khiếm thị ở Ánh Dương, và hứa khi nào có dịp về Việt Nam sẽ ghé qua thăm các bạn.

Không có ông chủ và nhân viên - Vì tất cả là một gia đình

Chị Dung trước đây từng phải ngồi ở vỉa hè bán khẩu trang, tăm bông để nuôi 2 con nhỏ, giờ đây cuộc sống của chị đã ổn định hơn rất nhiều nhờ công việc ở Ánh Dương. Chị bảo: "Tụi mình không mong được xã hội thương hại hay trợ cấp gì, chỉ mong muốn có thể sống được bằng chính công sức mà mình bỏ ra, như bao người bình thường khác". Chị Dung hay những cô cậu bán vé số, sinh viên nghèo khiếm thị đã và đang làm việc ở Ánh Dương luôn cố gắng được xã hội công nhận năng lực của mình.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 10.

Chị Dung là một trong những người gắn bó với Ánh Dương từ những ngày đầu.

Hiếu đã từng mất đi rất nhiều thứ hoài bão, tuổi trẻ và cả một mái ấm, nhưng giờ đây anh luôn hạnh phúc với những gì đang có. Ở ngôi nhà này không có ai làm chủ, cũng chẳng có ai là nhân viên, chỉ có những người thân trong một gia đình lớn. Họ ăn cùng nhau, đi du lịch cùng nhau, giỡn cùng nhau như thể anh em ruột thịt. Bởi đơn giản họ có một điểm chung - bóng tối.

Mất đi ánh sáng, không có nghĩa là mất đi tất cả. Ta chỉ là kẻ thất bại khi đánh mất chính mình.

Câu chuyện cảm động phía sau cơ sở massage ở Sài Gòn với nhân viên và ông chủ đều là người khiếm thị - Ảnh 11.

Có lần một bạn nhân viên trong tiệm hỏi Hiếu: "Anh Hiếu ơi, anh là người sáng mắt rồi trở thành người khiếm thị, anh trả lời cho em một câu hỏi được không? Màu xanh nó như thế nào hả anh?...

Chia sẻ