Cậu bé 16 tuổi đột tử vì uống đồ uống chứa caffeine: Chuyên gia nói gì về tác hại của loại chất này?

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Mặc dù khó có thể gây tử vong nhưng uống nhiều đồ uống chứa caffeine có thể gây ra những tác hại không mong muốn.

CNN đưa tin một cậu bé 16 tuổi tử vong sau khi uống cà phê, nước ngọt và nước tăng lực cùng lúc

Theo nguồn tin từ CNN, trong cuộc họp báo ngày 15/5, điều tra viên Gary Watts của quận Richkland cho biết Davis Allen Cripe đã bị đột tử do các vấn đề tim mạch mà caffein gây ra. Nguyên nhân rất có thể là do chứng rối loạn nhịp tim, tim không được bơm đủ máu cho cơ thể và việc lưu thông máu gặp trục trặc, gây ảnh hưởng đến não, tim và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Cậu bé 16 tuổi đột tử vì uống đồ uống chứa caffeine: Chuyên gia nói gì về tác hại của loại chất này? - Ảnh 1.

Cậu bé 16 tuổi tử vong được xác định nguyên nhân là do uống quá nhiều đồ uống chứa caffeine cùng lúc.

Theo Watts, cậu bé đã dùng 3 thức uống có chứa caffein là cà phê latte, Diet Mountain Dew, một loại nước giải khát và đồ uống tăng lực trong khoảng 2 tiếng đồng hồ trước khi gục xuống trong lớp học tại trường trung học Spring Hill vào ngày 26/4. Cụ thể là, Davis mua latte tại cửa hàng đồ ăn nhanh MCDonald vào lúc 12.30. Ngay sau đó, cậu bé uống thêm Diet Mountain Dew và nước tăng lực. Đến 14.30, cậu rơi vào tình trạng bất tỉnh và đến 15.40 thì xác nhận đã tử vong.

Khám nghiệm tử thi cho thấy không có loại thuốc hay rượu nào trong cơ thể cậu bé. Điều này khiến mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo sợ về tác hại của cà phê, nước ngọt và nước tăng lực.

Chuyên gia khẳng định trên lý thuyết không có chuyện caffeine gây tử vong

Chia sẻ về cái chết của cậu bé 16 tuổi do uống nhiều caffeine từ cà phê, nước ngọt, nước tăng lực, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, trên lý thuyết không có chuyện sử dụng đồ uống có caffeine là gây tử vong.

Cậu bé 16 tuổi đột tử vì uống đồ uống chứa caffeine: Chuyên gia nói gì về tác hại của loại chất này? - Ảnh 2.

Mặc dù rất khó có thể gây tử vong nhưng việc uống nhiều đồ uống chứa caffeine có thể gây ra những tác hại không mong muốn.

"Trường hợp tử vong do uống caffeine có thể xảy ra khi chúng ta đã tiêu thụ lượng cực lớn chất này trong cơ thể. Caffeine là chất kích thích thần kinh và phải tiêu thụ một lượng cực lớn, uống rất nhiều, uống liên tục mới có thể dẫn đến tử vong. Do đó, trên lý thuyết, sử dụng caffeine dẫn đến tử vong là điều không thể. Đối với trường hợp cá biệt cũng cần phải huy động điều tra của cơ quan chức năng cũng như phía bệnh viện, bác sĩ trực tiếp thăm khám", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Mặc dù rất khó có thể gây tử vong nhưng việc uống nhiều đồ uống chứa caffeine có thể gây ra những tác hại không mong muốn. Tác hại rõ rệt nhất là caffeine gây kích thích thần kinh, khiến bạn trằn trọc, thao thức, khó có thể rơi vào trạng thái buồn ngủ.

Theo Webmd, caffeine là một chất hóa học được tìm thấy trong cà phê, trà, nước tăng lực và một số loại nước ngọt. Caffeine thường được sử dụng để cải thiện tỉnh táo về mặt tinh thần. Loại hóa chất này kết hợp với thuốc giảm đau như aspirin và acetaminophen dùng để điều trị chứng đau nửa đầu. Caffeine cũng được sử dụng để điều trị hen suyễn, bệnh túi mật, tăng động, thở dốc ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân mắc chứng huyết áp thấp.

Caffeine được sử dụng như một chất kích thích phổ biến của các vận động viên. Theo Hiệp hội Athletic Collegiate (NCAA), caffeine được sử dụng trong giới hạn cho phép, nếu nồng độ urê trên 15mcg /ml là bị cấm. Thông thường thì uống quá 8 cốc cà phê, trong đó có 100mg caffein/ cốc thì bạn sẽ quá vượt ngưỡng caffeine cho phép trong cơ thể và gặp vấn đề lớn về sức khỏe.

Cậu bé 16 tuổi đột tử vì uống đồ uống chứa caffeine: Chuyên gia nói gì về tác hại của loại chất này? - Ảnh 3.

Theo Webmd, caffeine hoạt động bằng cách kích thích hệ thống thần kinh trung ương (CNS), tim, cơ và các trung tâm kiểm soát huyết áp.

Trong ngành công nghiệp thực phẩm, caffeine được sử dụng như một thành phần trong nước giải khát, đồ uống tăng cường năng lượng…

Theo Webmd, caffeine hoạt động bằng cách kích thích hệ thống thần kinh trung ương (CNS), tim, cơ và các trung tâm kiểm soát huyết áp. Caffeine có thể làm tăng huyết áp, nhưng có thể không có tác dụng này ở những người sử dụng nó thường xuyên. Caffeine cũng có thể hoạt động giống như một "viên thuốc nước" làm tăng lưu lượng nước tiểu, nhưng một lần nữa, nó có thể không gây hiệu ứng này ở những người sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, uống caffein trong khi tập thể dục vừa phải cũng không gây ra mất nước.

Caffeine có thể gây mất ngủ, lo lắng và bồn chồn, kích thích dạ dày, buồn nôn và nôn, tăng nhịp tim và hô hấp cũng như các phản ứng phụ khác. Caffeine có thể gây rối loạn giấc ngủ, ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, điều này còn trở nên tồi tệ hơn. Với liều lớn hơn caffeine có thể gây đau đầu, lo lắng, kích động, đau ngực và ù tai.

Để sử dụng những đồ uống có chứa caffein một cách an toàn, chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai và cho con bú sử dụng hàng ngày dưới 200mg caffeine, tương đương 1-2 cốc cà phê. Khi tiêu thụ số lượng lớn hơn, caffeine có thể làm tăng nguy cơ sảy thai cũng như các vấn đề khác. Caffeine có thể truyền vào sữa mẹ nên các bà mẹ đang cho con bú cần hết sức lưu ý. Uống nhiều caffeine có thể khiến phụ nữ nuôi con nhỏ bị rối loạn giấc ngủ, khó chịu và gây hại cho trẻ nhỏ.

Caffeine có thể khiến tình trạng rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực trở nên trầm trọng hơn, gây bất thường trong nhịp đập của tim đối với những người nhạy cảm. Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể đẩy lượng canxi đáng kể ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Do đó, nếu bạn bị loãng xương hoặc mật độ xương thấp cần hạn chế tiêu thụ caffeine, dưới 300mg mỗi ngày (2-3 cốc cà phê). Phụ nữ lớn tuổi có rối loạn di truyền ảnh hưởng đến việc sử dụng vitamin D cần sử dụng thận trọng vì vitamin D và canxi phối hợp để xây dựng xương chắc khỏe.

Chia sẻ