Cậu bé 13 năm không thể ngẩng đầu cuối cùng cũng có thể nhìn đời như bao người khác nhờ 2 người xa lạ

Luna,
Chia sẻ

Trước ca phẫu thuật, mọi chuyện khó khăn đến độ bố mẹ của cậu bé thậm chí thừa nhận họ thà để con chết đi còn hơn phải tiếp tục cuộc sống thế này.

Mahendra Ahirwar, 13 tuổi, sống tại Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, vốn sinh ra cũng giống mọi đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi dần lớn lên, một tình trạng hiếm gặp khiến các cơ cổ và xương của Mahendra dần yếu đi, vẹo sang một bên, khiến đầu của cậu cũng không thể ở vị trí bình thường mà gần như “rơi xuống” - không ai có thể hình dung được - 1 góc đến… 180 độ. Tình trạng này cũng đồng nghĩa với việc Mahendra chỉ có thể ngồi, không thể đi hay đứng, và luôn cần giúp đỡ khi ăn uống hoặc vệ sinh.

tật vẹo cổ
Mahendra sinh ra tưởng như mọi đứa trẻ bình thường khác, nhưng hóa ra chẳng may lại bị dị tật bẩm sinh. (Ảnh: Internet)

tật vẹo cổ
Khó ai có thể tưởng tượng được tình cảnh khổ sở mà cậu bé này và gia đình đã phải chịu đựng suốt 13 năm. (Ảnh: Internet)

Và tất cả những điều khốn khổ đó của cuộc đời Mahendra đã thay đổi hoàn toàn nhờ một người lạ sống cách gần 6.500km. Người lạ đó chính là Julie Jones, chuyên viên nhân sự tại một trường trung học ở Liverpool, sau khi biết chuyện, chị đã tích cực gây quỹ 12.000 bảng Anh cho cuộc phẫu thuật giúp Mahendra có thể làm được điều mà những đứa trẻ khác có thể làm: đi học.

“Đây là một phép thần! Cổ của con tôi đã thẳng lại và cuộc đời của nó rồi đây sẽ khác hẳn,” Bố của Mahendra, anh Mukesh, 41 tuổi, cho biết, “Trước đây, mỗi lần nhìn con là tôi lại đau lòng. Chúng tôi tưởng đã mất Mahendra rồi. Trước đây khi cổ bị cong, thằng bé quá nhút nhát đến nỗi còn chẳng dám nói năng, nhưng giờ chúng tôi có thể thấy con mình đang ngày càng tự tin hơn. Thằng bé giờ đang rất hạnh phúc, nó nói có thể cảm nhận được sự khác biệt và rất thích điều đó.”

tật vẹo cổ
Mahendra cùng gia đình, lần đầu tiên thật sự có thể cảm nhận niềm hạnh phúc. (Ảnh: Internet)

Thật ra trước đó, Mahendra đã được bố mẹ đưa đi tìm cách chạy chữa, đã gặp nhiều bác sỹ nhưng bị cho rằng mãi mãi sẽ phải sống với chiếc cổ vẹo. Mọi chuyện khó khăn đến độ bố mẹ của cậu bé thậm chí thừa nhận họ thà để con chết đi còn hơn phải tiếp tục cuộc sống như vậy. Chị Sumitra, 36 tuổi, cho biết,”Tôi không thể nhìn Mahendra phải chịu đựng thêm nữa. Thằng bé không thể tự làm gì, chỉ ngồi trong góc phòng suốt ngày. Không hề có cuộc sống, không hề có sự sống. Tôi phải bế con đi mọi nơi, như một đứa bé, nhưng sau này khi thằng bé lớn hơn, tôi sẽ làm điều đó như thế nào? Nếu bác sỹ không thể chữa cho con tôi, tốt nhất là Chúa Trời hãy đón con đi.”

Trước khi cuộc phẫu thuật được thực hiện, Mahendra hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ cho cậu ăn, tắm rửa, mặc quần áo. Mahendra cũng chỉ có thể ở nhà một mình, không có bạn bè, trong khi các chị em của cậu bé là Manisha 14 tuổi và Surendra 11 tuổi đều đã đi học, người anh lớn Lalit 17 tuổi thì đang tìm việc làm.

Tuy nhiên, may mắn là câu chuyện về Mahendra được lan truyền, và bác sỹ phẫu thuật cột sống Rajagopalan Krishnan tại bệnh viện Apollo, Delhi, đề nghị giúp đỡ. Việc phẫu thuật này được tiến hành với nhiều bước phức tạp, đầu tiên là phải mở trước cổ của Mahendra, để hở hoàn toàn đốt sống cổ, bác sỹ Krishnan sau đó sử dụng các mô ghép xương từ vùng chậu của chính cậu bé để thay lên cổ, và lắp một đĩa kim loại để giữ cổ thẳng.

Vị bác sỹ này cho hay, “Lần đầu tiên gặp Mahendra, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là tình trạng của cậu bé này đã bị bỏ mặc đến 12 năm trời, không hề được chẩn đoán chứ không nói đến điều trị. Tôi chắc chắn mình có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của cậu bé này, để cậu bé sẽ có thể nhìn thế giới này một cách thẳng thắn đàng hoàng chứ không phải lộn ngược như trước đây.”

Nhưng có lẽ chỉ một mình bác sỹ Krishnan cũng sẽ lực bất tòng tâm nếu không có một người khác cũng vô cùng quan trọng, có công vô cùng lớn trong việc đổi đời cho Mahendra là chị Julie. Bản thân cũng có hai con, chị cho biết: “Nhìn những tấm ảnh của Mahendra, tôi chỉ có thể nghĩ về chính con trai mình, và tôi sẽ cảm thấy ra sao nếu chẳng may điều như vậy xảy đến với con tôi.”

tật vẹo cổ
Bác sỹ Rajagopalan Krishnan (Ảnh: Internet)

tật vẹo cổ
và chị Julie Jones, 2 ân nhân giúp Mahendra có thể thực hiện được điều không tưởng. (Ảnh: Internet)

7 tháng sau ca phẫu thuật, cậu bé Mahendra được trở về nhà, cổ vẫn thẳng như trông đợi của tất cả mọi người. “Hạnh phúc đã tìm được chúng tôi sau ca phẫu thuật của Mahendra. Tôi cảm thấy được ban phúc quá lớn,” Anh Mukesh chia sẻ khi giờ Mahendra đã được học viết. “Mẹ của thằng bé và tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cho nó đi học trước đây, bởi điều đó là không thể. Nhưng giờ, chúng tôi có trách nhiệm giúp con được nhận sự giáo dục, vì con đã có thể rồi.”

Sự thành công của ca phẫu thuật và sự phục hồi của Mahendra cho đến lúc này cũng khiến bác sỹ Krishnan vô cùng hạnh phúc. “Giờ cậu bé đã có thể giữ thẳng đầu, các phim chụp X-ray cũng không cho thấy bất cứ vấn đề gì. Tôi bất ngờ một cách đầy hài lòng trước tiến triển này. Việc cấy ghép phức tạp ở một đứa trẻ độ tuổi này rất dễ thất bại nên được nhìn thấy cậu bé hồi phục như vậy thật sự tuyệt vời. Cậu bé có vẻ đã thay đổi rất nhiều, từ chỗ trầm lặng thiếu tự tin trở thành một cậu trai trẻ hướng ngoại và hoạt bát hơn, gia đình cũng cho biết là không cần trông coi quá nhiều nữa.” Ông cho biết thêm. “Tôi sẽ tiếp tục khám cho Mahendra sau mỗi 3 tháng. Tôi cho cậu bé này sẽ phải thực hiện thêm phẫu thuật vào một ngày nào đó, và sẽ cần gặp thường xuyên hơn về vấn đề ấy. Nhưng vào lúc này, tôi mong cậu bé có thể sống một cuộc đời bình thường và thoải mái hơn nhiều so với 12 năm trước đây.”

tật vẹo cổ
(Ảnh: Internet)

Theo dailymail
Chia sẻ