Cảnh giác ngộ độc từ đồ chơi của trẻ

,
Chia sẻ

Hầu hết các đồ chơi tại VN hiện nay đều có xuất xứ từ TQ và đã có không ít những trường hợp cấp cứu trẻ ngộ độc do đồ chơi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chính thức nào về các mặt hàng đồ chơi này

Tại thị trường Việt Nam, dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới dịp lễ  Noel nhưng các mặt hàng đồ chơi cho bé trong dịp lễ này đã được bày  bán rộng rãi, và rất đa dạng về chủng loại. Phố Hàng Mã và Lương Văn Can là hai “đại bản doanh” đồ chơi ở Hà Nội. Tại một cửa hiệu như một siêu thị đồ chơi trên phố Hàng Mã, với la liệt ôtô, tàu hỏa, máy bay, búp bê, thú nhồi bông, hươu, nai, ngựa, xe đạp nhựa, bà chủ cửa hàng thành thật: “Gần 100% là hàng TQ. Đồ chơi TQ đã đánh bật mọi loại đồ chơi trên thị trường vì giá quá rẻ”.


Bên cạnh đó, nguy hiểm nhất một vài cửa hàng vẫn bày bán những gói nhựa nở biến hình - một trong những món đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc gây ngộ độc cao. Các gói nhựa này chủ yếu được sản xuất từ nhựa PVC mà theo các nghiên cứu thì chất liệu này đã làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm.

 Hạt nhựa nở trong nước biến hình - gây ngộ độc rất cao cho trẻ

Theo TS Đào Minh Tuấn - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương, hậu quả của loại tai nạn bất ngờ này rất khó lường. Không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do bị ngạt khí. Trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt thì để lại di chứng nặng nề. Trẻ bị ngừng thở kéo dài sẽ gây tình trạng thiếu oxy não dẫn đến di chứng não, sống đời sống thực vật.


Cũng theo TS Đào Minh Tuấn, hơn 100 mẫu dị vật đường thở đang được bảo lưu trong khoa thì có đến gần một nửa là sản phẩm của đồ chơi trẻ em. Phổ biến nhất là chuyện trẻ nhỏ cho vào miệng ngậm rồi nuốt luôn những miếng ghép đồ chơi lắp ráp, một số loại tiền giả hình tròn nhỏ bằng nhựa màu... Lục lạc có hai viên bi tròn hai bên, trống lắc ra âm được làm bằng những thanh nhôm có độ cứng và bén, dễ gây tai nạn cho trẻ em vì nếu kéo mạnh có thể làm sướt tay đến chảy máu...

Theo báo China Daily thì năm ngoái 20% đồ chơi Trung Quốc đã không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng.  Một cuộc điều tra toàn quốc đã cho kết quả: các chất thải công nghiệp gồm sợi thảm bẩn, giấy và vỏ gói mì ăn liền được tìm thấy trong đồ chơi do các nhà máy ở tỉnh Hà Bắc sản xuất! Đồ chơi nhồi bông thì chứa vi khuẩn, thậm chí virus gây bệnh, làm trẻ bị mẩn ngứa và mang bệnh nếu tiếp xúc lâu dài. Một số đồ chơi dễ bị rách và gây chấn thương.

Tuy nhiên, có thể thấy đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn đang được bày bán rộng rãi và là mặt hàng thu hút đối với các bậc phụ huynh và các em nhỏ trong các dịp lễ. Hình ảnh được ghi tại phố Hàng Mã và Lương Văn Can:


Hạt nhựa nở biến hình vẫn xuất hiện tại các sạp đồ chơi


Mẹ con đắn đo chọn đồ chơi và đồ trang trí Noel

Thú nhồi  bông - liệu có an toàn cho trẻ?

Oto, búp  bê cho bé


Đồng hồ Benten - món đồ chơi ưa thích của các cậu  bé "siêu nhân"

Phúc Hiếu
Ảnh: Thanh Thủy

Chia sẻ