Cảnh báo từ BS viện Nhi Đồng 1: Dịp Tết, nhiều trẻ nhập viện, nguy kịch vì "tử thần" này

Phạm An,
Chia sẻ

Ngoài hóc các loại hạt ngày tết, trẻ em còn hay nhét chúng vào tai, mũi khiến đường thở bị tổn thương nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong trong tích tắc.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như – Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng, BV Nhi Đồng 1 TPHCM, thì số lượng trẻ bị hóc, bị dị vật đường thở tăng cao vào dịp tết. Trong đó, trẻ thường bị sặc, hóc các loại hạt dùng trong ngày tết như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ,… lên đến hàng trăm ca mỗi ngày.

Hóc dị vật thường gặp ở những trẻ độ tuổi mẫu giáo, tiểu học,… khi trẻ vừa ngậm các hạt này trong miệng vừa đùa giỡn, trò chuyện chúng vô tình hít thẳng hạt vào phổi. Đây là trường hợp nguy hiểm nhất, dễ gây ra tử vong ngay nếu không được cấp cứu kịp thời.

BS Như cho biết: "Hạt khiến trẻ bị hóc nhiều nhất là hướng dương và hạt bí. Trẻ bị hóc có thể tử vong trong tích tắc nếu như người lớn không phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đã có trường hợp khi trẻ được đưa vào bệnh viện thì đã tái tím không thể cứu chữa. Vì vậy, hóc đường thở là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất đối với trẻ em trong mùa tết."

Cảnh báo từ BS viện Nhi Đồng 1: Dịp Tết, nhiều trẻ nhập viện, nguy kịch vì tử thần này - Ảnh 1.

BS Nguyễn Tuấn Như chia sẻ về những loại dị vật trẻ em thường hay gặp phải.

Cảnh báo từ BS viện Nhi Đồng 1: Dịp Tết, nhiều trẻ nhập viện, nguy kịch vì tử thần này - Ảnh 2.

Trẻ em rất hiếu động, bất kỳ vật gì chúng cũng có thể bị hóc, thậm chí nhét vào mũi, tai.

Theo BS Như, khi trẻ đang ăn, chơi đùa đột nhiên bị sặc, mặt tím tái, thở dốc và ngất xỉu thì khả năng trẻ bị hóc dị vật là rất lớn. Nếu trẻ có những dấu hiệu đó nhưng trở lại trạng thái bình thường ngay thì trẻ bị hóc dị vật nhỏ, khi cơ thể phản ứng, dị vật đã đi được xuống phía dưới.

Nhưng nếu dị vật bị kẹt lại, hơi thở trẻ tăng lên, dồn dập và ngày càng khó thở, sau đó ngưng thở, tím tái, thậm chí có thể ngất. Lúc này, gia đình phải bình tĩnh và sơ cứu ngay lập tức. Nếu không, trẻ có thể tử vong trong tích tắc.

Bên cạnh đó, BS Như cảnh báo thêm việc trẻ tự nhét hạt đậu nành vào mũi và tai. Trường hợp này rất hay gặp ở những trẻ tầm 3-4 tuổi.

Ở độ tuổi này trẻ em hay khám phá, chúng nghĩ ra nhiều trò, nhiều hành động mà người lớn không thể ngờ tới. Trong đó, trẻ tự nhét dị vật vào mũi, tai nhiều nhất. Mùa tết, hạt đậu nành là hạt trẻ thường xuyên sử dụng để nhét vào mũi, tai.

Khi trẻ nhét dị vật vào mũi, trẻ có biểu hiện khó thở, nước mũi chỉ chảy ra ở một bên. Thông thường, khi trẻ bị chảy nước mũi, người nhà sẽ nghĩ ngay đến trường hợp trẻ bị bệnh cảm. Nhưng nếu như bị cảm, nước mũi sẽ chảy ra hai bên mũi.

"Cách đơn giản nhất để nhận biết trẻ có nhét dị vật vào mũi hay không, người nhà có thể lấy một chiếc thìa kim loại đặt trước mũi bé, và quan sát luồng khí đi ra từ mũi biểu hiện trên thìa. Nếu vết ố do khí tạo nên chỉ xuất hiện ở một phía, thì rất có khả năng trẻ đã nhét dị vật vào trong mũi.

Khi trẻ bị viêm mũi có lúc nghẹt một bên hoặc hai bên, nhưng luồng khí vẫn đi ra được. Còn với trẻ bị mắc dị vật trong mũi thì tịt hẳn. Trong vòng 24 tiếng, mũi trẻ sẽ có mùi rất hôi.

Lúc này, người thân nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, vì nếu để dị vật lâu bên trong, mũi trẻ sẽ bị tổn thương nặng nề, thậm chí hoại tử do nhiễm trùng. Người thân không nên tự ý lấy dị vật ra ngoài, không có dụng cụ chuyên dụng để xử lý, càng cố gắng lấy dị vật, càng vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn.", BS Như chia sẻ.

Tùy theo độ tuổi của trẻ, người thân sẽ dùng những phương pháp thích hợp. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nên cho trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn thân. Thực hiện phương pháp ấn ngực, vỗ lưng. Đối với trẻ lớn hơn, nên bồng trẻ, ép bụng mạnh đột ngột để tăng áp lực trong đường thở và tống dị vật ra ngoài.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột.

Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở.

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi


Đặt trẻ nằm đầu thấp úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái mạnh và nhanh vào lưng giữa hai vai bé. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên, đặt hai ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6 - 10 lần thủ thuật này.

Đối với trẻ từ 2 đến 8 tuổi

Cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.

Hoặc người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

Chia sẻ