Căn bệnh liên quan đến tiêu hóa này có thể khiến bạn phải cắt bỏ ruột và khổ sở suốt đời

HN,
Chia sẻ

Natalie Hayden từng phải chống chọi từng ngày từng giờ khổ sở với căn bệnh viêm ruột mãn tính trong hơn chục năm qua. Tâm sự dưới đây của cô sẽ giúp những người đang mắc bệnh tự miễn mãn tính vẫn luôn lạc quan sống.

Tháng 7 năm 2005, tôi nhập viện và được chẩn đoán mắc bệnh viêm ruột mãn tính (Crohn’s disease). Kể từ ngày đó, rất nhiều thứ đã thay đổi. Phải chống chọi với một căn bệnh tự miễn mãn tính, không có thuốc chữa đôi khi khiến bạn thấy mình thật lẻ loi, đơn độc và nản lòng. Bạn sẽ không bao giờ biết ngày hôm sau (hay thậm chí tiếng đồng hồ tiếp theo) sẽ mang tới những gì và liên tục thấy mình hoang mang trong câu hỏi khi nào thì đợt bùng phát tiếp theo khiến cơ thể suy kiệt sẽ diễn ra.

10 năm sau chẩn đoán mắc bệnh viêm ruột, tôi nhập viện khi lần thứ ba bị tắc ruột chỉ trong vòng 16 tháng. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá của tôi nói, tôi cần chụp cộng hưởng từ ổ bụng (MRI) để quyết định xem số năm bị viêm ruột và lên sẹo có cần đánh đổi bằng một cuộc phẫu thuật hay không. Kể từ lúc bắt đầu, nỗi sợ lớn nhất của tôi luôn là hai chữ “Phẫu thuật”. Tôi luôn cố gắng tránh phẫu thuật – bằng cách nuốt 22 viên thuốc/ngày hay thường xuyên tiêm và bổ sung steroids để giúp kiểm soát triệu chứng bệnh. Nhưng lần này thì khác. Chất lượng cuộc sống của tôi đã bắt đầu suy giảm: Tôi không thể làm việc, không thể thực hiện những công việc hàng ngày một cách bình thường.

viem ruot man tinh

Một cuộc sống chỉ có nằm dài trên ghế sofa và uống thứ nước dinh dưỡng để giữ cơ thể không suy nhược đơn giản là không thể chịu đựng nổi và không thể kéo dài thêm. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, tôi bị hẹp ruột non và lựa chọn duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ ruột, trừ phi tôi muốn liên tục chịu đựng những nguy hiểm tiềm tàng của tình trạng tắc ruột và sống khổ sở trong suốt phần đời còn lại của mình. Tôi sẽ không bao giờ quên tiếng chuông điện thoại vang lên trong phòng bệnh viện của tôi và các bác sĩ nói với tôi một cách giản dị rằng, tôi muốn phẫu thuật vào tuần sau hay tuần sau nữa. Tôi chọn cách chờ đợi trong khoảng 10 ngày để có thể ra viện và chuẩn bị tâm lý trước đã.

Gần 46cm ruột bị cắt bỏ, cùng với van hồi manh tràng (ileocecal valve – đôi khi còn được gọi là van Tulp, là cơ vòng nằm ở ngã ba ruột non và ruột già, có tác dụng hạn chế các chất trào ngược từ ruột già vào ruột non). Cơ này giúp bạn nín lại khi có nhu cầu đi vệ sinh. Sau đó, phần còn lại của ruột non được nối với ruột già. Ruột thừa của tôi cũng được cắt bỏ bởi nó cũng bị viêm nhiễm. Các bác sĩ phẫu thuật giải thích rằng, toàn bộ hệ tiêu hoá của tôi sẽ được đẩy xuống khu vực hông và phải được đặt trở lại vị trí.

viem ruot man tinh

Sau loại phẫu thuật như thế này, khả năng tiêu hoá của bạn sẽ thay đổi vĩnh viễn. Cắt bỏ gần 46cm ruột không chỉ đồng nghĩa với việc bạn mất đi những vị trí thiết yếu vốn có chức năng hấp thụ những vitamin và dưỡng chất quan trọng mà cơ thể bạn cũng hoạt động khác đi. Nói tóm lại, thức ăn đi qua cơ thể bạn nhanh hơn bao giờ hết. Và đó vẫn chưa phải là rắc rối cuối cùng. Theo Tổ chức các bệnh viêm đường ruột và viêm đại tràng Mỹ (CCFA), ước tính 2/3 – 3/4 bệnh nhân bị viêm ruột phải trải qua 1 tới hơn 1 lần phẫu thuật trong đời. Khoảng 20% bệnh nhân bị tái phát bệnh sau 2 năm, 30% sau 3 năm và tới 80% sau 20 năm.

Ở đây, tôi phải lấy con số cụ thể như vậy bởi vì cần nói rằng, tôi dám chắc những người bị bệnh viêm ruột giống tôi đều trải qua phần lớn những gì tôi đã trải qua. Khi tôi phục hồi sức khoẻ sau phẫu thuật và bắt đầu làm việc từ nhà, tôi bị “tai nạn”. Và không, tôi không có ý nói tới việc vấp ngã gì cả. 

Đối với một phụ nữ 32 tuổi, ở nhà một mình, tất cả mọi việc đều phải tự mình làm, tôi không thể băng qua hành lang nhỏ để dẫn tới phòng vệ sinh và “giải quyết nhu cầu” kịp thời. Bạn hãy thử tưởng tượng xem. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi biết cơ thể mình đang vận hành thiếu chính xác? Và không bao giờ biết khi nào chuyện đó lại sẽ xảy ra. “Nếu tôi không thể nín được khi đang ở nơi công cộng thì sao? Sẽ thế nào khi đứng trước bạn bè và người thân?”. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Tôi không thể tự lái xe tới Chicago, thành phố quê hương tôi hay đi những chuyến xa hơn bởi vì tôi quá lo sợ không đủ thời gian mà đánh xe ra khỏi cao tốc. Trong vài tuần, tôi thậm chí còn mang theo hai chiếc quần lót dự phòng trong túi, đề phòng sự cố.

viem ruot man tinh

Dù phần đông bạn bè và gia đình tôi đều là những người hết sức thông cảm, ủng hộ, khích lệ và chăm sóc tôi, vẫn luôn có vài người đặt câu hỏi hoặc đưa ra bình luận khiếm nhã về căn bệnh hiểm nghèo của tôi. Chủ yếu họ không có ác ý, mà thường là do sự thờ ơ, vô tâm gây ra. Ít nhất, tôi thích được tự nhủ mình như thế.

Tôi đã nghe đủ cả, những câu như: “Trông bạn chẳng có vẻ gì là bệnh!”, “Bạn lại bệnh lần nữa à?”, “Đừng lo lắng về tác dụng phụ của steroids, bạn vẫn có đôi má thật bầu bĩnh!” và “Bạn là một cô gái ốm yếu và mong manh”.

Sau phẫu thuật, có vài lời lẽ tới tai tôi và chúng khiến tôi cảm thấy bị tổn thương một cách nặng nề. Một người thậm chí đã thốt lên: “Tại sao cô ấy lại được quan tâm nhiều thế? Tôi cũng mổ đẻ mà. Khi tôi bị ốm, tôi chẳng hề được như cô ấy”. (Nhưng cũng phải làm rõ điểm này: Đẻ mổ có thể để lại vết sẹo tương tự nhưng bạn kết thúc phẫu thuật với một em bé và đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời bạn).

viem ruot man tinh

Đối với tôi, cách tốt nhất để đối mặt với những nhận xét hàm hồ như thế là suy nghĩ tích cực, luôn ngẩng cao đầu. Sự tích cực chắc chắn sẽ làn truyền tích cực.

Lời khuyên hay nhất mà tôi nhận được trước khi phẫu thuật là: “Về lâu dài, bạn sẽ khoẻ lên. Đừng chỉ chăm chăm vào những khó khăn trong vài tháng tới. Thay vào đó, hãy nghĩ về những thay đổi tích cực dài hạn mà bạn sẽ được trải nghiệm nhờ có cuộc tranh đấu ngắn hạn này”. Đó là lời khuyên của em họ tôi, 27 tuổi, người đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật cấy ghép tim và một cuộc phẫu thuật thận.

Điều quan trọng là luôn ghi nhớ rằng bạn không phải đơn độc chiến đấu với căn bệnh này. Và nó không phải là thứ nói lên toàn bộ con người bạn. Hãy tin tưởng vào người thân, bạn bè và những người lạ mặt luôn sẵn lòng đứng quanh bạn và chăm sóc cho sức khoẻ của bạn. Có một mạng lưới rộng lớn những người đang ngày đêm phải chống chọi với bệnh viêm ruột và viêm đại tràng. Bạn có thể dễ dàng thấy họ trên Facebook, Instagram, Twitter. Liên lạc với họ để thực sự thấu hiểu về căn bệnh này. Đừng bao giờ cảm thấy hổ thẹn vì bạn mang bệnh. Hãy đối diện với mỗi cơn bùng phát của bệnh và tranh đấu như thể đó là một cơ hội học hỏi. Cùng với thời gian, bạn sẽ ngạc nhiên vì sức mạnh của mình và truyền cảm hứng cho những người ở quanh bạn mà thậm chí không biết mình có thể và đã làm được như thế.

Bệnh viêm ruột (Crohn’s) là gì?

Bệnh Crohn's gây ra viêm màng đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và ngay cả suy dinh dưỡng trầm trọng. Các viêm nhiễm gây ra bởi bệnh Crohn thường lan sâu vào các lớp mô ruột bị ảnh hưởng. Giống như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn có thể đau đớn và suy nhược và đôi khi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột

Theo các chuyên gia y tế, bệnh này có thể mang tính di truyền. Ngoài ra, các yếu tố khác như: Ăn uống không khoa học, căng thẳng, hệ thống miễn dịch bị tổn thương... có thể dẫn đến mắc bệnh.

Triệu chứng của bệnh viêm ruột

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn có thể từ nhẹ đến nặng và có thể phát triển dần dần hoặc đến đột ngột mà không có cảnh báo.

Một số triệu chứng phổ biến: Tiêu chảy, đau bụng, co thắt ruột, có máu trong phân, sốt, mệt mỏi, viêm khớp, viêm mắt, rối loạn da, viêm gan hoặc ống dẫn mật...

Những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh

- Tuổi tác

- Di truyền

- Hút thuốc lá

- Dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

Biến chứng của bệnh

- Tắc nghẽn đường ruột, loét ruột

- Suy dinh dưỡng

- Viêm ruột và ung thư ruột kết


(Nguồn: Prevention)
Chia sẻ