Cái giá nào đủ đắp bù cho đôi chân thiếu nữ?

PA,
Chia sẻ

Câu chuyện xót xa của Lê Thị Hà Vi, cô nữ sinh mới 15 tuổi đã phải cắt chân chỉ vì bác sĩ bó bột quá chặt một lần nữa khiến người ta lại phải đặt câu hỏi: Từ bao giờ, bệnh viện - nơi chữa bệnh cứu người lại tiềm ẩn nguy cơ biến một con người khoẻ mạnh trở nên tật nguyền?

Đau. Gia đình đau. Xót xa. Ai cũng xót xa. Nhưng câu hỏi nhức nhối nhất đã tồn tại từ trước đến nay và có lẽ khó được giải quyết trong ngày một ngày hai: Bao giờ hết những bệnh nhân phải oan ức như thế? Bởi vì, câu chuyện của Hà Vi không phải là cá biệt. Đã có những trường hợp bệnh nhân gánh chịu hậu quả oan ức, thậm chí cả mạng sống của mình bởi vì sự tắc trách ấy. Như cậu ruột của Hà Vi than với Bộ trưởng Tiến trong buổi gặp gỡ với gia đình nữ sinh này “Vô bệnh viện mà như ngồi trên đống lửa”. Có lẽ đó cũng là tâm lý của nhiều người.

Bác sĩ tắc trách một phút, bệnh nhân đau đớn cả đời
Chỉ vì 
sự tắc trách của bác sĩ, Hà Vi phải chống nạng suốt đời.

Tháng 2/2012, ba tôi lúc ấy 58 tuổi bị tai biến mạch máu não. Gia đình tôi đưa ba nhập viện Huyện. Khi nhập viện, ba tôi vẫn còn nói được. Bác sĩ bảo để theo dõi thêm chứ chưa rõ bệnh gì. Mãi tận sáng hôm sau, ba tôi dần rơi vào trạng thái hôn mê, ý thức lơ mơ. Lúc này, bác sĩ cho chuyển lên bệnh viện tỉnh. Ba tôi nằm ở đó 1 tháng trời. Hàng ngày, chúng tôi chỉ biết cầm đơn thuốc của bác sĩ kê, đến nhà thuốc đã được bác sĩ “gửi gắm” và mua loại thuốc bổ não nhập khẩu đắt tiền để chích cho ba. Cả nhà bán hết tài sản xoay tiền chữa trị cho ba. Mẹ tôi chăm ba với niềm tin “dùng các loại thuốc xịn vậy chắc chắn chồng mình sẽ khỏe lại”. Nhưng tình hình ngày càng xấu đi.

Ba tôi tiếp tục được chuyển đến một trung tâm đột quỵ lớn ở Hà Nội. Khi tiếp nhận ba tôi ở phòng cấp cứu, tôi còn nhớ như in khuôn mặt ông bác sĩ hói đầu có đôi mắt sâu hoắm: “Tại sao giờ này mới đưa vô cấp cứu? Tại sao chưa mở nội khí quản? Tại sao lại để quá trễ thế này?...”. Ông hỏi liên tiếp nhưng thoáng chốc nhìn tôi và ngừng lại, ông nhận ra tôi là người nhà bệnh nhân chứ không phải là người làm ngành y. Ông sốt sắng quay qua cô y tá, chỉ dẫn thoăn thoắt các động tác để nhanh chóng mở nội khí quản cho ba tôi vì lúc ấy ba tôi thở yếu lắm rồi. 

Khi ba tôi chuyển lên khoa chuyên sâu, ông gọi tôi vào nói kĩ bệnh tình ba tôi: Nhồi máu thân não, cấp cứu quá trễ, đáng lẽ phải được cấp cứu trong 6 giờ vàng thì đã không ai cấp cứu. Điều trị ổn sẽ cho về chứ tế bào não đã chết, không thể làm gì hơn. Tôi chỉ biết đứng đó, khóc như mưa.

5 năm rồi, ba tôi sống cảnh thực vật, không đi, không đứng, không nói được lời nào. Sống còn khổ hơn chết. Mỗi lần con cháu về thăm chỉ đưa đôi mắt nhìn rồi khóc… Gia đình tôi, ai cũng mang một phần nỗi đau có ba bị bệnh bên cạnh.

Tháng 2/2016, tôi ngồi trong văn phòng khoa Tim mạch của một bệnh viện ở Sài Gòn, chứng kiến người phụ nữ mang bầu bị bóc tách động mạch chủ do bị bệnh tim bẩm sinh nhưng không hay biết. Khi nhập viện, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc cả mẹ lẫn con. Các bác sĩ của cả hai bệnh viện được huy động kịp thời để hội chẩn để lên phương án cấp cứu. Người nhà chuẩn bị tâm lý sẽ mất cả mẹ lẫn con vì ca bệnh rất khó khăn. Ấy vậy nhưng, chị được cứu sống cả mẹ lẫn con một cách ngoạn mục. Nụ cười của những vị bác sĩ thành công trong việc giành giật lấy mạng sống của bệnh nhân chưa bao giờ rạng rỡ đến thế.

Tôi nghĩ về ba mình, bất chợt nghĩ hai chữa GIÁ NHƯ… và thấy nhói đau.

Bác sĩ tắc trách một phút, bệnh nhân đau đớn cả đời
Hình ảnh xinh đẹp của Hà Vi - cô gái tuổi mới lớn trước khi vụ việc xảy ra.

Hôm nay, câu chuyện của Hà Vi, cô nữ sinh có nụ cười và đôi mắt rạng rỡ ấy sẽ phải bước đi khập khiễng suốt quãng đường còn lại một lần nữa khiến tôi phải thốt lên hai chữ GIÁ NHƯ.

Giá như mọi bệnh nhân đều được vào bệnh viện có những bác sĩ tận tâm, trách nhiệm.

Giá như mọi bác sĩ đều hiểu rằng một phút lơ là của mình có thể đánh đổi cả cuộc đời bệnh nhân.

Nhưng mọi sự giá như đều không có trên thực tế. Vẫn còn đâu đó con sâu làm rầu nồi canh, vẫn còn những bác sĩ vô trách nhiệm, yếu chuyên môn nhưng không chịu trau dồi, học hành cho tử tế. Và nỗi đau của bệnh nhân đôi khi lại “trời kêu ai nấy dạ”.

Một cái chân của bệnh nhân đáng giá bao nhiêu? Đền bù mấy chục triệu, lo cho công ăn việc làm trong tương lai, xử lý kỷ luật bác sĩ, cùng những lời hứa hẹn của bộ trưởng Bộ Y tế. Tất cả đều không bao giờ bù đắp được cho những bước chân khập khiễng trong suốt cuộc đời sau này của Hà Vi. Mặc dù, Hà Vi đang cười đầy nghị lực, nhưng sau hết, tất cả là nỗi đau sẽ âm ỉ mãi trong lòng cô bé mới lớn ấy. Giá nào cũng quá đắt!

Nghĩ đến tuổi thanh xuân phơi phới và chặng đường đời phía trước sẽ khập khiễng vì chỉ còn một chân của cô bé 15 tuổi, tôi thấy xót xa thay cho cha mẹ, người thân, và nhất là cho bản thân cô bé. Bởi khi bước vào bệnh viện, ai cũng mong sẽ lành bệnh, sẽ khoẻ mạnh, đâu ai có thể ngờ bước ra khỏi nơi mang tiếng là chữa bệnh cứu người, lại có thể từ lành lặn trở nên tật nguyền. 

Hôm nay, bên cạnh em có truyền thông, có người đứng đầu ngành y tế nước nhà, có biết bao người đang thay em bức xúc, hay những lời an ủi, động viên. Nhưng rồi, với cả chặng đường dài phía trước, em sẽ phải gánh chịu hậu quả phút lơ là, thiếu trách nhiệm của bác sĩ, một mình. Ai sẽ đau thay em, ai sẽ bù đắp cho em đôi chân không nguyên vẹn?

Nhưng không phải chỉ Hà Vi phải trả giá. Ngành y tế cũng đang phải trả giá bằng sự sứt mẻ niềm tin nơi bệnh nhân dành cho bệnh viện tuyến dưới.

Chuyện Hà Vi không phải là lần đầu, thế mới có chuyện người ta mang tâm lí e dè, mất niềm tin đối với bác sĩ tuyến dưới. Vì vậy nên mới có chuyện, bà lão gần 70 tuổi bị đau cái lưng thôi cũng lặn lội vượt hơn 500 cây số vô Sài Gòn để khám cho yên tâm. Mới có chuyện người ở thành phố, gần các bệnh viện tuyến trên cũng tìm mọi cách dùng các mối quan hệ thân quen để nhờ cậy được gặp bác sĩ giỏi mỗi khi vô bệnh viện cho yên tâm... 

Bệnh viện tuyến dưới thì vắng tanh, tuyến trên thì ngộp thở quá tải. Dù rằng có không ít bệnh viện tuyến dưới đã làm rất tốt. Dù rằng đề án Bệnh viện vệ tinh đang có những thành tựu đáng ghi nhận khi các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới lấy được niềm tin của bệnh nhân...Nhưng chuyện Hà Vi lại thêm một lần nữa làm sứt mẻ niềm tin ấy.  Giá phải trả quá đắt, không chỉ cho Hà Vi mà còn cho cả ngành y tế trong nổ lực giảm tải tuyến trên, thu hút bệnh nhân về tuyến dưới.

 

Chia sẻ