Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm ra nguy cơ mắc ung thư của một người qua những dấu hiệu này

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Theo các nhà nghiên cứu khoa học, nguy cơ mắc bệnh ung thư của một người có thể được xác định chỉ thông qua việc xem xét hệ vi sinh bên trong khoang miệng người đó.

Đánh răng không chỉ giúp bạn phòng ngừa sâu răng mà còn giảm nguy cơ bị bệnh ung thư. Mặc dù mối liên hệ này vẫn chưa được thấu hiểu một cách trực tiếp, nhưng các nhà khoa học tin rằng, vi khuẩn di chuyển vào máu và thâm nhập các cơ quan khác, tại đây chúng gây nhiễm trùng mô.

Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc đánh răng với những dạng ung thư bao gồm ung thư vú, tuyến tuỵ, thực quản và đại trực tràng. Thông qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, các nhà khoa học hi vọng, một ngày nào đó, họ có thể thông báo cho một người biết nguy cơ mắc ung thư của họ là gì, dựa trên những vi khuẩn có trong cơ thể.

Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm ra nguy cơ mắc ung thư của một người qua những dấu hiệu này - Ảnh 1.

Đánh răng không chỉ giúp bạn phòng ngừa sâu răng mà còn giảm nguy cơ bị bệnh ung thư.

Theo bác sĩ Jiyoung Ahn, trợ giảng khoa dịch tễ học, Trường Y - Đại học New York, ngành nghiên cứu hệ vi sinh trong cơ thể người còn tương đối mới mẻ. Trên thực tế, các nhà khoa học mới phát hiện ra, chỉ trong vòng 5 năm qua, 80% vi khuẩn được tìm thấy trong cơ thể người không thể được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Và trong khi một số yếu tố khác có thể đóng vai trò nhất định trong việc thay đổi hệ vi sinh khoang miệng, bao gồm thói quen hút thuốc và uống rượu, bác sĩ Ahn cho biết, cô hi vọng, nó sẽ cung cấp cho con người thông tin cần thiết về những gì họ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Vi khuẩn trong miệng và bệnh ung thư tuyến tuỵ

Theo một số nghiên cứu, những người có hàm lượng cao hơn 1 loại vi khuẩn miệng (P gingivalis) sẽ tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tuỵ cao hơn 60% so với người có hàm lượng P gingivalis thấp.

Một vi khuẩn khác, A actinomycetemcomitans, cũng liên quan tới khả năng tăng hơn gấp đôi nguy cơ bị ung thư tuyến tuỵ.

Cả hai loại vi khuẩn trên đều được biết đến là nguyên nhân gây viêm nha chu, một dạng bệnh viêm nướu lợi nghiêm trọng. Ung thư tuyến tuỵ là một trong những loại ung thư gây chết người nhiều nhất, một phần vì rất khó để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.

Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm ra nguy cơ mắc ung thư của một người qua những dấu hiệu này - Ảnh 2.

Ung thư tuyến tuỵ là một trong những loại ung thư gây chết người nhiều nhất.

2. Vi khuẩn trong miệng và bệnh ung thư đại trực tràng

Một số nghiên cứu trước đây gợi ý rằng, vi khuẩn khoang miệng gây chảy máu chân răng có thể tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Theo các nhà khoa học, vi khuẩn có tên fusobacterium có thể di chuyển qua máu tới ruột, nơi chúng làm khởi phát ung thư hoặc làm tệ đi tình trạng của những khối u vốn có. Vi khuẩn này cũng được phát hiện có trong các tế bào ung thư, phổ biến tới hơn hàng trăm lần so với trong tế bào bình thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những loại vi sinh này không chỉ khiến những khối u tiền ung thư trong đại tràng chuyển biến thành ung thư mà còn làm cho những khối u hiện có trong đại tràng phát triển lớn hơn.

3. Vi khuẩn trong miệng và bệnh ung thư thực quản

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy sự khác biệt trong hệ vi sinh khoang miệng người bị ung thư thực quản với người không mắc bệnh.

Theo bác sĩ Ahn, bệnh nhân ung thư thực quản có hàm lượng thấp hơn một loại vi khuẩn mang tên proteobacteria. Vi khuẩn này liên quan tới sự mất cân bằng trong ống sinh sản dưới ở nữ cũng như tình trạng viêm nhiễm.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Trường Nha khoa - Đại học Louisville, bang Kentucky, đã tìm thấy vi khuẩn P gingivalis trong 61 bệnh nhân ung thư thực quản. Có 2 giải thích khả dĩ: hoặc tế bào ung thư là môi trường thích hợp cho vi khuẩn P gingivalis sinh sôi hoặc khả năng gây nhiễm trung của vi khuẩn đã hỗ trợ sự phát triển của bệnh ung thư thực quản.

Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm ra nguy cơ mắc ung thư của một người qua những dấu hiệu này - Ảnh 3.

Bệnh nhân ung thư thực quản có hàm lượng thấp hơn một loại vi khuẩn mang tên proteobacteria.

4. Vi khuẩn trong miệng và bệnh ung thư vú

Theo một nghiên cứu năm 2015 do Đại học Buffalo ở New York tiến hành, vi khuẩn liên quan tới bệnh viêm nướu lợi có thể gây ung thư vú. Sau khi nghiên cứu hơn 73.000 phụ nữ trong giai đoạn hậu mãn kinh, các nhà khoa học cho biết, những người bị viêm nướu có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 14% so với người không bị.

Vi khuẩn trong miệng được tin rằng đã xâm nhập hệ tuần hoàn và tác động tới mô ngực. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy, ở những phụ nữ bỏ thuốc lá trong vòng 20 năm qua, người bị bệnh viêm nướu có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 36%.

(Nguồn: Dailymail)

Chia sẻ