Cả tuổi thơ lớn lên trong Viện tim cũng không thể làm vơi ý chí của chú chim cánh cụt này

,
Chia sẻ

Không may mắn từ lúc mới chập chững biết đi vì căn bệnh tim đã cướp mất đôi chân và đôi tay, thế nhưng bé Lâm vẫn không hề bị khuất phục trước những sóng gió của cuộc đời.

Bé Nguyễn Gia Lâm (10 tuổi, quê Tây Ninh) bị cắt bỏ tứ chi vì căn bệnh tim bẩm sinh. Suốt hơn 7 năm qua, Viện Tim TP. HCM chính là ngôi nhà thứ hai của Lâm. Cuộc sống của Lâm ngoài giờ học thì quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn nơi phòng bệnh.

Clip: Cuộc sống sinh hoạt thường ngày ở bệnh viện của cậu bé không chân tay suốt hơn 7 năm qua - (Thực hiện: Tứ Quý).

Căn bệnh tim bẩm sinh khiến mạch máu bị tắc nghẽn, khô dần ở các chi dẫn đến hoại tử nên đôi tay của bé Lâm cũng phải cắt bỏ mới giữ được mạng sống. Cuộc sống sau biến cố mặc dù vất vả trăm bề nhưng với ý chí của mình, bé Lâm đã quyết tâm đi học con chữ.

 - Ảnh 2.
Hiện tại bé đã viết được bằng mỏm cụt ở tay, chữ đều và đẹp như người bình thường.

 - Ảnh 3.
Bé Lâm đạt học sinh giỏi trong nhiều năm liền tại trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TP. HCM). Lâm đang học lớp 4. Trong các môn học bé Lâm giỏi nhất là môn tin học.

Chị Nguyễn Thị Mãnh (40 tuổi, mẹ bé Lâm) là người đồng hành cùng con trai ở Viện Tim suốt từ lúc con phát bệnh đến nay. Chị vẫn chưa thể quên những đau đớn con phải chịu thời điểm đó: "Vào tháng 6/2009, bé mổ tim lần đầu tiên, những tưởng sẽ không có chuyện gì nhưng đã xảy ra nhiều biến chứng, thế là đành ngậm ngùi nhìn con cắt bỏ chân tay mới có thể giữ lại mạng sống".

 - Ảnh 4.
Chị Nguyễn Thị Mãnh chăm sóc con trai suốt 7 năm qua.

Vợ chồng chị Mãnh sinh được 3 người con, ngoài con gái đầu (hiện học lớp 10 ở quê nhà) thì bé Gia Lâm còn có người anh song sinh là Gia Hưng. Từ khi em bị bệnh, anh trai Gia Hưng cũng theo xuống ở cùng em để tâm sự, vui đùa và giúp em học tập.

 - Ảnh 5.
Cả hai anh em rất thương nhau nên đến bữa cơm là thường trêu đùa rất tình cảm.

 - Ảnh 6.
"Con thương em lắm, mỗi lần em đi bị té là con muốn khóc", bé Gia Hưng chia sẻ.

 - Ảnh 7.
Theo chị Mãnh, trong thời gian đầu sau khi bị cắt tứ chi, cuộc sống của gia đình luôn gặp nhiều trở ngại, trong đó bé Lâm là người phải chịu nhiều đau đớn, vất vả nhất. "Mới bị cắt chân tay nên phần mỏm cụt chưa lành hẳn gây đau đớn cho con. Đến hiện tại, đi đứng hay cầm vật gì ma sát mạnh vào mỏm ở tay là bé lại ứa nước mắt", chị Mãnh chia sẻ.

 - Ảnh 8.
Sau khi dùng cơm trưa xong bé Lâm lại chơi đùa với bóng trên giường bệnh. Bé cho hay: "Con thích đá bóng lắm nhưng không thể. Hàng ngày sau giờ học trên lớp và ở nhà, con với anh Hưng thường lấy bóng ra chơi để thỏa niềm yêu thích".

 - Ảnh 9.
Hai anh em luôn quấn quýt với nhau, anh chơi gì thì em chơi nấy.

 - Ảnh 10.
Đến khi chăm sóc các con đầy đủ, vợ chồng chị Mãnh và anh Nguyễn Văn Lập (42 tuổi, cha của Lâm và Huy) mới dùng cơm trưa. Anh Lập đang làm mướn ở quê nhà để nuôi con gái đầu ăn học nên thỉnh thoảng anh mới xuống Sài Gòn thăm vợ con.

Chị Mãnh cho biết bé Lâm được bệnh viện tặng đôi chân giả miễn phí sau khi biết được hoàn cảnh gia đình chị khó khăn. Đồng thời bệnh viện đã bàn bạc để cùng hỗ trợ gia đình nuôi bé Lâm ăn học sau này. Hiện tại chi phí điều trị tại đây vẫn hoàn toàn miễn phí.

 - Ảnh 11.
Sau khi dùng cơm xong, người mẹ lại chuẩn bị sách vở và chỉnh trang lại đôi chân giả cho con để chuẩn bị đi học.

 - Ảnh 12.
Khi mặc quần áo đi học thì bé phải nhờ sự trợ giúp của mẹ, còn những việc còn lại thì bé Lâm tự làm lấy. "Những việc nào cháu làm được thì cố gắng làm không muốn để mẹ vất vả. Cháu không muốn cắt chân, cắt tay nữa đâu đau lắm", bé Lâm thường hay chia sẻ nỗi sợ hãi với mẹ.

 - Ảnh 13.
Mặc dù có đôi chân giả nhưng khi lắp vào bé Lâm vẫn cảm thấy đau ở mỏm cụt.

 - Ảnh 14.
Bé Lâm đã tự tay mình thắt khăn quàng đỏ khi đi học. "Khi tôi nói để mẹ thắt cho bé lại không chịu vì muốn tự tay làm. Cháu hiếu động lắm, nhìn nó bước đi và chạy nhảy bằng hai đầu gối mà tôi xót muốn khóc vì thương con, sợ con đau đớn", người mẹ trải lòng.

 - Ảnh 15.
Đôi lúc bé cũng nũng nịu với mẹ. Hai mẹ con cũng thường chọc cười nhau khiến không khí luôn vui vẻ và hạnh phúc. Bé Lâm là trường hợp đặc biệt trong lớp nên luôn được bạn bè và thầy cô quan tâm, giúp đỡ.

Bé Lâm còn cả quãng đường dài ở phía trước, dù biết khó khăn đang chờ đợi nhưng với nghị lực của mình, mọi người đều tin tưởng em sẽ vượt qua. Hy vọng rằng giấc mơ tương lai của bé Lâm sẽ thành hiện thực, bé sẽ tìm được một công việc phù hợp với đam mê và năng lực của mình.

Theo Kenh14/Trí thức trẻ

Chia sẻ