Ca sĩ Thùy Dung muốn hét lên vì hạnh phúc

,
Chia sẻ

Thùy Dung đang hạnh phúc, đến độ “muốn hét lên”. Hạnh phúc của một người phụ nữ đang ở độ chín sau bao nhiêu thất bại, thử thách và vấp ngã.

Tôi muốn hét lên vì hạnh phúc

Cùng thời chị hầu hết mọi người đã trở thành tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam, như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh,… Chị dường như không thiết tha với nghiệp hát lắm thì phải?

- Năm 1991 trong cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ toàn quốc, chị Thanh Lam được giải đặc biệt, chị Hồng Nhung và Mỹ Hạnh giải nhất, tôi, Ngọc Sơn, Y Moan được giải nhì. Nhưng thực lòng mà nói, tôi sinh ra không phải để hát như chị Thanh Lam, Hồng Nhung hay Mỹ Linh. Tôi có chút may mắn nên được đứng trên sân khấu, tại liên hoan năm đó đoàn Hà Nội bị thiếu một thành viên do chị Tuyết Tuyết có bầu. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, lúc bấy giờ làm trưởng đoàn, nghe loáng thoáng bên Nhạc viên Hà Nội (giờ là Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam) có cái Thùy Dung học piano hát cũng được nên tôi được triệu vào thi cho đủ quân số.



Trước cuộc thi này tôi chưa đi hát bao giờ, chỉ duy nhất hát một lần trong dạ hội sinh viên khoa Piano của trường. Vô tình với khả năng của mình tôi đã được BGK chấm cho đoạt giải. Sau cuộc thi này tôi đến với nghề hát nghiêm túc hơn khi quyết định theo học thêm chuyên ngành Thanh nhạc. Nhưng mỗi người đều có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. So với các chị Thanh Lam, Hồng Nhung và Mỹ Linh thì tôi không thể bằng họ được. Đây là lời thẳng thắn, nói về giọng hát. Nhưng tôi còn đứng được đến ngày hôm nay sau 20 năm, vẫn có 18 show diễn hàng tháng thì đó cũng là một niềm tự hào rồi.

Chị cũng từng có những bước đi khá hợp thời như hát nhạc Trịnh, nhạc Phú Quang…, cái cách mà nhiều ngôi sao đã đi, nhưng chị dường như không làm cái gì đến cùng thì phải?

- Tôi không phải là người cố gắng tìm mọi cách để nổi tiếng, cố gắng mọi cách để kiếm tiền. Dù sao mình vẫn là một người học piano. Với tư duy xử lý âm nhạc cổ điển thì với tôi ca hát như là một sân chơi, một sân chơi đã mang lại cho tôi nhiều điều thú vị. Tôi không dùng bất kỳ một chiêu thức nào để PR hay lăng-xê mình, làm bàn đạp tiến đến một cái gì cả. Đơn giản chỉ nghĩ mọi thứ cứ tuần tự mà làm, cái gì đến sẽ đến.

So với các bạn cùng thời, vị trí hiện nay của chị rõ ràng không bằng, có bao giờ chị thấy tiếc cho sắc vóc của mình đã bị bỏ phí không?

- Có những lúc mình cũng suy nghĩ về điều này, không thể phủ nhận. Nhưng mỗi người có một số phận riêng. Chị Lam có anh Trung bên cạnh, Mỹ Linh cũng có Anh Quân giúp sức, chị Nhung thì có những ê-kíp trong Sài Gòn sau lưng, còn tôi phải tự làm việc với chính bản thân mình. Thậm chí khi tôi đi hát cả họ nhà tôi ngỡ ngàng, bởi mọi người trong gia đình tôi đều làm công nhân viên chức, không ai theo nghiệp nghệ thuật ngoài tôi.

Tôi ý thức được ưu và nhược điểm trong giọng hát của mình. Bạn phải hiểu với một người không phải sinh ra để hát như tôi thì riêng chuyện làm sao để thuyết phục được người nghe trong vài phút xuất hiện trên sân khấu là cả một câu chuyện đấy! Tôi cũng ngẫm, mình đã làm vừa sức của mình. Có hơi tiếc một chút, nhưng không có gì phải ân hận vì tôi không bao giờ “mặc một chiếc áo quá rộng với mình”.

Chị tiếc, là tiếc chút hào quang của một ngôi sao lẽ ra mình có thể đã có chăng?

- Tôi còn nhớ trong một lần tập cho đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang, hôm đó có một ca sĩ ngôi sao đến muộn. Anh có đứng trên sân khấu và nói: Tôi đề nghị các bạn làm việc phải tuân thủ giờ giấc. Các bạn đừng nghĩ các bạn là ngôi sao, ngôi sao chỉ lấp lánh trên sân khấu khi có ánh sáng chiếu vào. Khi tắt ánh sáng, ngôi sao và giấy báo cũng bằng nhau cả thôi.

Sự ích kỷ gây nên sóng gió cuộc đời

Không nổi tiếng bằng bạn bè, nhưng bù lại chị có một cuộc sống riêng không quá sóng gió?

- Sóng gió hay không là do mình tạo ra cả thôi. Chẳng có ai có thể gây ra sóng gió khi người ta không sống quá ích kỷ. Chính sự ích kỷ này làm nên những sóng gió cuộc đời. Cái tôi của nghệ sĩ thường quá lớn, cái tôi đó không chịu khuất phục ai. Hoặc nói cách khác không một ai có thể khuất phục được cái tôi đó. Con ngựa hoang ấy, sự kiêu kỳ của những nhân vật nổi tiếng, là một sai lầm. Nếu như không tỉnh táo thì đến một lúc họ sẽ phải trả giá. Do vậy bên cạnh mình phải có một người đủ sức để kìm giây cương con ngựa bất kham kia.



Đàn bà làm nghệ thuật có nhiều điểm yếu, phải không chị?

- Không hẳn chỉ có đàn bà. Không có sự cảm tính thì không làm nghệ thuật tốt. Nhưng nói hoa mỹ chút là phải có một trái tim nóng và một cái đầu tỉnh táo.

Nhưng cũng có người cho rằng hào quang nào có được cũng phải đánh đổi bằng một số thứ?

- Tôi cho rằng nếu ai chấp nhận câu này thì hẳn đó là những người không biết trong cuộc đánh đổi kia họ sẽ mất những gì. Họ còn quá trẻ, nghe láo pháo lời chia sẻ của những người đi trước là sẽ phải đánh đổi, nhưng bản thân họ lại chẳng hiểu là phải đổi cái gì. Để rồi khi vấp ngã họ sẽ đổ hết tội lên cho hai chữ… “đánh đổi”. Thời gian trôi qua, khi đã có kinh nghiệm, người ta nói phải kinh qua thì mới nghiệm lại được, người ta sẽ thấy những đánh đổi trong cuộc sống riêng tư, nhất là với các nghệ sĩ nữ, là quá đắt cho cái giá để nổi tiếng. Do đó phụ nữ làm nghệ thuật phải có được sự tỉnh táo và đặc biệt phải có một người đàn ông bên cạnh mình bởi khi không còn xuân sắc, không còn nổi tiếng nữa thì các nữ nghệ sĩ rất dễ rơi vào khủng hoảng.

Chị thấy mình may mắn khi bên cạnh có một người đàn ông như thế?

- Vâng! Sau sai lầm đầu tiên tôi đã tìm được một người đàn ông đúng là của mình. Anh là mối tình thời học trò của tôi. Chúng tôi yêu nhau từ lúc học lớp 8 (14 tuổi), tôi vào Nhạc viện trước anh, anh học kèn vào sau tôi một năm. Chúng tôi được xếp cùng lớp văn hóa, có thể do tôi xuất thân từ dân chuyên văn, đọc tiểu thuyết quá nhiều mà… lớn hơi sớm (cười…). Tôi yêu anh đơn phương, sau đó một năm thì anh nể tình, yêu lại tôi, chúng tôi yêu nhau đến hết cấp 3 thì chia tay. Nhưng chúng tôi vẫn là bạn rất thân trong một nhóm cùng lớp, cho đến tận bây giờ. Con cái chúng tôi vẫn gọi mấy người trong nhóm là bố là mẹ. Cũng nhờ thế mà tôi rất yên tâm khi chúng tôi đến với nhau.

Sau ngần ấy năm làm bạn, sao anh chị lại quyết định về sống với nhau, không phải là chuyện “rổ rá cạp lại” cho xong chứ?

- Không ngã thì chẳng biết là đau, không thất bại thì chẳng biết ai là người cần cho mình. Tôi cũng là người thất bại trong cuộc hôn nhân đầu, anh cũng thế. Trong những buồn vui của tôi anh luôn bên cạnh, bởi anh là bạn trai thân nhất của tôi. Thế rồi câu chuyện của hai người rất giống nhau, buồn như nhau… Nhưng nếu không trải qua ngần ấy chuyện thì cả hai đều không biết người này là cần cho mình.

Đây là số phận phải không chị?

- Tôi thấy kinh khủng đấy, không phải chỉ là số phận. Không, hơn cả số phận… Chuyện của chúng tôi có lẽ là định mệnh!

Chị hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình chứ?

- Tôi phải cám ơn chồng tôi đã hướng cho tôi về một công việc phù hợp với khả năng của mình (ngoài làm giảng viên tại Học viên âm nhạc Quốc gia hiện ca sĩ Thùy Dung đang dồn tâm huyết của mình cho ngôi trường nghệ thuật cho thiếu nhi mang tên Seedlink mới mở của chị - PV). Chúng tôi đã có một ngôi trường nhỏ xinh đẹp, những đứa trẻ, âm nhạc, hội họa, và cả những môn nghệ thuật khác nữa… Đó là một hình ảnh có cảm giác đã ở đâu đó trong tôi từ khi còn là một cô bé học sinh piano của Nhạc viện, điều đó đã dần dần lớn lên mà khi chỉ một mình tôi không thể gọi đúng tên. Có anh và Seedlink của chúng tôi ra đời như một giấc mơ. Còn hơn cả ước mơ…Tôi muốn hét lên cho cả thế giới biết rằng tôi đang rất hạnh phúc. Tôi muốn hét thật to!

Theo Thể thao văn hóa

Chia sẻ