TP.HCM

Bùng phát bệnh chân tay miệng, bệnh nhi nằm chiếu ở hành lang, cầu thang bệnh viện

Trần Hằng,
Chia sẻ

“Hiện tại số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em tăng cao nhưng chỉ mới là khởi điểm, vào tháng 10 và 11 mới là đỉnh điểm bùng phát của bệnh tay chân miệng”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.

Theo ghi nhận chiều ngày 13/9, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có hơn 80 ca trẻ em nhập viện do bệnh tay chân miệng. Trong đó có nhiều trẻ bị rất nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng lạnh run, ói mửa.

Những ngày thường khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận mỗi ngày hơn 30 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng khám chữa bệnh nhưng những ngày đầu tháng 9 đến nay số ca mắc bệnh đã tăng lên gấp đôi. Hiện tại khoa đang chữa trị cho 70 ca bệnh, vào ngày cao điểm có thể lên tới trên 80 ca nhập viện điều trị nội trú.
 
Phòng bệnh quá tải do số ca trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao.
 
Có những ca trẻ nhập viện khá sớm khi vừa phát hiện bệnh nên không nguy hiểm, ngược lại có nhiều trường hợp khi bệnh chuyển biến nặng bố mẹ mới phát hiện thì rất nguy hiểm cho trẻ. Thường những trẻ này nhập viện trong tình trạng cấp cứu”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhận định.

Do số ca bệnh tăng cao nên nhiều bệnh viện nhi ở TP.HCM đều trong tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh. Nhiều gia đình và bệnh nhi điều trị nội trú phải trải chiếu ngủ tại hành lang, chân cầu thang bệnh viện.
 
Nhiều gia đình phải mắc võng bên ngoài hành lang để ngủ do không có giường bệnh.
 
Chị Trương Thị Bông (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, 5 ngày trước thấy con có biểu hiện không muốn ăn, nóng sốt nên đi mua miếng dán về dán hạ sốt cho con. Đến hôm sau khi cho con ăn thì phát hiện trong miệng và tay chân có nhiều đốm đỏ và bọng nước, sốt cao nên lập tức đưa con lên bệnh viện. “Bé được xếp vào phòng 101 khoa Nhiễm nhưng do các giường bệnh đã quá tải, 1 giường bệnh phải nằm chung 3 bé rất nóng nên chị và con đã mua chiếu trả ở hành lang cầu thang bệnh viện ngủ cho thoáng”, chị Bông chia sẻ.
 

Trẻ bị tay chân miệng do tiếp xúc với đồ chơi bẩn.
 
Mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh của bệnh nhi cũng diễn ra tại hành lang bệnh viện.
 
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận có hơn 150 bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị. Phòng bệnh trong tình trạng quá tại nên nhiều bệnh nhi và bố mẹ phải xếp ghế bố, chiếu ngủ trước hành lang phòng bệnh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, chỉ 10 ngày đầu tháng 9, số trẻ nhập viện đã gần 150, hiện nay số ca nhập viện đã tăng lên đáng kể.
 

Người nhà và bệnh nhi nằm kín dãy hành lang trước khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1.
 

Trải chiếu nằm ở chân cầu thang. Nhiều gia đình cho biết tuy điều trị nội trú dài ngày nhưng do không có giường bệnh nên đành đưa con ra nằm hành lang.
 
Bác sĩ Khanh cho biết, số ca nhập viện tăng vì tay chân miệng là do thời tiết thuận lợi cho virut phát triển. Bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa. Nguồn bệnh từ đồ chơi dơ dính virus, nguồn nước sinh hoạt bẩn, thậm chí người lớn mắc bệnh cũng có thể phát tán virus, lây cho trẻ khi mớm cơm.
 

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
-    Sốt: có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39- 400C.
-    Đau họng, chảy nước bọt liên tục.
-    Biếng ăn hoặc bỏ ăn.
-    Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.
-    Loét, bóng nước chủ yếu nằm ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
-   Bóng nước ở miệng đa số là những vết loét đỏ (do các bóng nước vỡ ra), đường kính 2-3mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu răng, lưỡi.
-   Bóng nước ở da: thường là bóng nước, có đường kính 2 – 10mm, hình bầu dục, hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi bóng nước khô để lại vết thâm da.
-    có loét miệng dạng chấm hoặc hồng ban.

Khi mắc bệnh trẻ thường có những triệu chứng rõ như sau:

-   Triệu chứng thần kinh: rung giật cơ, bứt rứt, lừ đừ, chới với, yếu chi, co giật, hôn mê.
-   Triệu chứng của đường hô hấp và tim mạch: thường xuất hiện khi bệnh trở nặng: mạch nhanh, da nổi bông, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng.

Cách phòng tránh

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên bố mẹ và trẻ em phải thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy, vệ sinh đồ chơi, nhà cửa sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh.

Khi bệnh khởi phát rất dễ nhầm với sốt siêu vi, viêm họng, viêm màng não… Cha mẹ cần lưu ý, phát hiện các lở loét trong miệng, bóng nước ở tay, chân của con. Các dấu hiệu cho thấy trẻ sắp trở nặng như: sốt liên tục 2 ngày khó hạ, giật mình chới với khi ngủ, nôn ói phải lập tức đưa trẻ nhập viện ngay. Khi tay chân trẻ bị lạnh, sốt run, da nổi bóng thì bệnh đã rất nặng.

Chia sẻ